Sinh viên Anh sau khi tốt nghiệp phải vất vả kiếm việc làm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Từ 10 năm nay, đây là lần đầu mà ở Anh sinh viên tốt nghiệp phải vất vả để kiếm một việc làm. Theo thống kê, một chỗ làm có đến 70 người ứng cử (cách đây một năm con số này là 40) – một kỷ lục tuyệt đối – theo một cuộc điều tra do Hiệp hội những nhà tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp tiến hành ở hơn 200 công ty, trong đó có Cadbury, Marks & Spencer, JP Morgan và Vodafone.
Trong những lĩnh vực nổi tiếng hơn như công nghiệp, nông phẩm, mỹ phẩm, có đến 205 đơn ứng cử cho một chỗ làm. Tình hình càng căng thẳng hơn vì số việc làm đã giảm 7% trong năm nay.
Theo điều tra, trước làn sóng đơn xin việc nộp tới tấp, các nhà tuyển dụng tỏ ra kiêu kỳ hơn, đòi hỏi sinh viên phải có bằng loại ưu, và loại trừ những bằng tốt nghiệp cỡ trung bình ra.
Theo ông Carl Gilleard, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà tuyển dụng, muốn có một chỗ làm, sinh viên phải “mềm dẻo, uyển chuyển” hơn trong việc chọn ngành nghề. Ông nói: “Phải xác định những mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn vì tình thế rất khó khăn. Công việc gì cũng được còn hơn là thất nghiệp. Ngay công việc làm “hăm-bơ-gơ” hay xếp hàng lên kệ cũng tốt rồi, còn hơn là ngồi nhà than thở về số phận của mình. Trong khi làm mình có thể học thêm một việc nào đó cần thiết và được ưa chuộng. Ví dụ làm thủ quỹ trong một nhà máy cũng giúp mình học hỏi được cách ứng xử với mọi người… Nghĩa là phải đa dạng hóa khả năng của mình, không thể khư khư giữ lấy cái chuyên môn cứng nhắc mà mình được đào tạo có bài bản”.
Mặt khác những chương trình tu nghiệp, học việc, do Chính phủ mới mở ra có thể cung cấp những bước chuyển tiếp qua lại về nghề nghiệp cho một số sinh viên muốn học một nghề mới trong một thời gian ngắn, trái ngược phần nào với chuyên môn mà mình được đào tạo một cách chính quy (ví dụ tốt nghiệp về cơ khí mà phải đi học thêm về nồi hơi). Nhưng thật đáng tiếc, có một số sinh viên tỏ ra “coi khinh” các lớp học tu nghiệp này, họ cảm thấy “xuống giá” nếu học ở các lớp đó (có bằng đại học loại khá mà ngồi chung lớp với bọn đàn em trung cấp). Nhưng theo ông Carl Gilleard, thanh niên đừng có tư tưởng cho rằng chỉ có bằng đại học mới giúp mình thành công trên đường đời, hay bằng đại học là chìa khóa vàng để mở mọi cánh cửa của hạnh phúc. Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng có một số lớn phụ huynh thuộc tầng lớp trung bình tự hỏi: Phải chăng thời gian học dài “tốn công tốn của” mà mình đầu tư cho con là lựa chọn tối ưu, chín chắn nhất? Nhiều sinh viên vào học ở đại học vì “cha mẹ muốn thế để con mình bằng anh bằng em”, chứ bản thân họ cũng không có ý thức thực sự về sự lựa chọn con đường học vấn của mình như thế nào cho phù hợp với năng khiếu, khả năng, sở trường… Họ không được tư vấn về việc chọn ngành nghề phù hợp, chỉ nghe lời cha mẹ, hoặc bạn rủ rê, hoặc có “cảm giác ưa thích”, thế là đăng ký xin học một ngành nào đó ở trường đại học. Số sinh viên học nửa chừng bỗng cảm thấy chán, hoặc không theo kịp mà chán không phải là hiếm. Và cứ như thế kéo dài từ năm này đến năm khác, để có được một mảnh bằng cho xong việc, rồi sau sẽ hay”.
Về phía mình, Chủ tịch Công đoàn quốc gia sinh viên, ông Aaraon Poerter, khuyến cáo Chính phủ đầu tư nhiều hơn nữa vào việc đào tạo và tạo công ăn việc làm. Đào tạo ở đây phải được hiểu là đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu của thị trường trong một thời gian thích hợp. Ông nói: “Việc cắt giảm ngân sách trong lĩnh vực công kéo theo tình trạng thất nghiệp trầm trọng tràn lan. Cuộc sống của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và chuyên nghiệp ra càng khó khăn hơn trong một bối cảnh thị trường công ăn việc làm khan hiếm, phải cạnh tranh khốc liệt”.
Trước tình hình “việc ít, người nhiều”, ai cũng nghĩ rằng số thanh niên đăng ký học ở các trường đại học sẽ giảm đi trông thấy, nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược với nhận định đó. Số đơn xin học ở các trường đại học đã đạt một kỷ lục mới trong bốn năm liên tiếp. Đến cuối tháng 5-2010 đã có 640.000 thanh niên nộp đơn xin vào học ở các trường đại học trong niên khóa sau, nghĩa là chỉ trong vòng một năm mà số đơn xin học đã tăng lên 14%. Không biết giải thích hiện tượng này như thế nào cho hữu lý! Có người cho rằng như thế còn hơn là để thanh niên lông bông, không đi học mà cũng không có việc làm, “nhàn cư vi bất thiện” chỉ sinh hư, quậy phá và xã hội lãnh đủ!
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)