Giờ đây, Trường ĐH Newcastle không chỉ có tại nước Anh mà còn có ở Malaysia (ảnh Trường ĐH Newcastle ở Anh). Ảnh: I.T
|
Thanh niên các nước đang phát triển, nhất là ở châu Á, rất thiết tha sang học tập ở các nước tiên tiến tại châu Âu. Nhưng nguyện vọng đó rất khó thực hiện vì mức học phí và sinh hoạt phí quá cao. Nắm được nhu cầu bức xúc đó, các trường ĐH ở châu Âu, đặc biệt là Anh quốc đã không bỏ lỡ cơ hội “xuất khẩu giáo dục ĐH” sang các nước có nhu cầu.
Nusajaya đang trở thành một “Tiểu Anh quốc” của bán đảo Malaysia, đối diện với Singapore. Tại đây công nhân xây dựng đang hối hả để hoàn thành nốt công trình xây dựng Trường ĐH Newcastle, tất nhiên là Trường ĐH Newcastle ở hải ngoại. Cách đó hai bước, người ta đang đào móng xây dựng Trường ĐH Southampton. Chưa hết! Ở phía dưới đường, Trường Marlborough College, một trong những trường tư nổi tiếng nhất cũng đang được cấp tốc xây dựng. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp, 900 học sinh xuất hiện qua cửa sổ của trường, không phải nhìn ra phong cảnh tuyết rơi của nước Anh, mà là qua bóng lá xanh rờn của cây dầu cọ xứ Malaysia! Chỉ vài năm nữa thôi, hàng ngàn sinh viên Malaysia, và nhiều sinh viên các nước châu Á khác cũng đến học ở những ngôi trường ĐH Anh danh tiếng dưới khí hậu nhiệt đới của Malaysia.
Được gọi là Educity (thành phố giáo dục), cả một tổ hợp ĐH đó phản ánh tham vọng của Malaysia muốn trở thành trung tâm giáo dục phương Tây của vùng Đông Nam Á, thu hút giai cấp trung lưu ở châu Á. Họ đã nghiên cứu và thấy rằng nhiều sinh viên châu Á đã bỏ ra những số tiền khá lớn để đăng ký vào học những trường ĐH ở Anh và Mỹ, và họ muốn đảo ngược xu hướng này. Cách đây mấy năm, họ đã thăm dò những trường ĐH Anh và khuyến khích những trường này mở các khoa ở Malaysia. Sau đó họ thuyết phục các vị phụ huynh: nếu các vị cho con em đăng ký vào học ở các trường này, thì các em sẽ được học và cấp bằng chính thống như ở Anh và Mỹ, mà rõ ràng là chi phí rẻ hơn nhiều.
Trường ĐH Úc Monash là trường đầu tiên mở tại Malaysia, rồi sau đó là Nortingham, vào năm 2005. Tháng ba năm ngoái, Viện ĐH Kỹ thuật Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology – MIT), kết hợp với một cơ quan địa phương để lập ra viện ĐH đầu tiên của Malaysia nghiên cứu về Khoa Logistic (trong toán học) và một viện của Nederland về công nghệ cũng đã mở cửa.
Đối với các trường ĐH phương Tây, đây là một dịp để nhảy vào thị trường lớn nhất về giáo dục trên thế giới. Thực ra, các trường ĐH này từ trước đã có mối liên hệ chặt chẽ với những trường ĐH ở Hồng Kông, Singapore và Thượng Hải, nhưng đây là trường hợp đầu tiên các nhà quản lý giáo dục chấp nhận rủi ro khi đặt một bản sao của trường mình ở một nước khác. Malaysia chấp nhận cái giá của việc đi đầu mở cửa cho các trường ĐH nước ngoài đặt chân chính thức vào nước mình. Họ đã chi ra hàng trăm triệu đô la xây dựng cơ bản, cụ thể là những giảng đường, các phòng thí nghiệm, ký túc xá, sân chơi, hồ bơi… theo đúng yêu cầu về cơ sở vật chất của một trường ĐH chính quy. Họ cũng có những thuận lợi rất cơ bản mà không phải nước nào cũng có. Malaysia trước kia là một thuộc địa của Anh, mới được độc lập sau thế chiến thứ hai, do đó tiếng Anh đối với họ không xa lạ gì, là ngôn ngữ thứ hai sau quốc ngữ. Hơn nữa, tuy quốc đạo của Malaysia là đạo Hồi, nhưng so với nhiều nước Hồi giáo khác, Malaysia được xem như một nước Hồi giáo rất ôn hòa, thanh niên các nước Hồi giáo hoặc không phải Hồi giáo đến đây học cũng cảm thấy an tâm, không sợ bị kỳ thị tôn giáo, bị “cảnh sát phong tục” theo dõi như ở một số nước Hồi giáo khác.
Đổi lại, với sự đầu tư ban đầu rất tốn kém của mình, Chính phủ Malaysia yêu cầu các trường ĐH nước ngoài mở ở nước này phải thỏa mãn những yêu cầu của họ về ngành đào tạo và chất lượng. Ví dụ, đối với Trường ĐH Southampton, họ yêu cầu chỉ đào tạo kỹ sư thôi. Họ nói thẳng: “Trường chỉ đào tạo sinh viên theo đơn đặt hàng của Chính phủ”.
Nhưng để làm yên tâm và thu hút các trường ĐH nước ngoài đến đầu tư, Malaysia đồng ý bãi bỏ một số luật lệ nghiêm khắc áp dụng ở các trường ĐH Malaysia.
Về phía các trường ĐH nước ngoài mở tại Malaysia, họ yêu cầu đối tác không được can thiệp vào công việc chuyên môn của họ.
Dù sao các trường ĐH của nước ngoài mở tại Malaysia vẫn đang được khẩn trương xây dựng, với hy vọng mọi trở ngại sẽ được giải quyết ổn thỏa, có lợi cho cả hai bên.n
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)