Học sinh tiểu học ở Anh đang học bài. Ảnh: I.T |
Nhằm hướng tới mục tiêu không để một học sinh nào phải bỏ học, Chính phủ Anh đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực động viên mọi trẻ em đến trường. Trong đó, thưởng tiền cho những học sinh chuyên cần là một giải pháp có tính hiệu quả cao.
“Đòn bẩy” cho học sinh nghèo
Keiren, 16 tuổi, di dân từ vùng Caraib, bỏ học từ hai năm nay nói: “Em chán học lắm, chỉ muốn đi làm để kiếm tiền. Học cũng chẳng để làm gì”. Thế mà bây giờ trông Keiren có vẻ bận rộn vì mỗi tuần anh ta được cấp 30 đồng livre (33 Euro) để theo học một lớp đào tạo thể dục, thể thao. Để có số tiền này, theo lời cậu ta: “em phải đi học đúng giờ và phải hoàn thành hết bài vở. Chỉ đi muộn một ngày là sẽ bị cúp hết tiền cả tuần”. 30 livre là tiền để mua sách vở, tiền ăn vài bữa, mua đồ dùng lặt vặt và tiền tàu xe.
Trả tiền cho học sinh đi học? Ở Pháp, ý kiến này làm nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi. Người ta phản đối cái kiểu “thương mại hóa” kiến thức. Ở Anh thì trái lại, ai cũng cho chuyện này là thường. Ông Mick Fletcher, nhà nghiên cứu về giáo dục, tác giả của một báo cáo về quỹ trợ cấp của nước Anh nói: “Cái kiểu thuyết phục thanh niên là học để có kiến thức xưa rồi, không thực tế, trước hết là làm sao cho chúng chịu đi học, rồi mới nói đến lợi ích sâu xa”. Hoàng gia Anh đã tính ra có đến 1/3 thanh niên Anh bỏ học để đi làm, hoặc chẳng làm gì cả.
Tiền trợ cấp đi học dành cho các em mà thu nhập của cha mẹ dưới 2.856 Euro/tháng, có 3 mức: 11 Euro, 22 Euro hay tối đa là 33 Euro mỗi tuần cho các em mà gia đình thu nhập dưới 1.930 Euro mỗi tháng, được rót vào tài khoản ngân hàng. Ở Trường Trung học Lewisham, Nam London có 55% học sinh được trợ cấp vì ở đây dân thất nghiệp nhiều, đời sống rất khó khăn. Cô giáo Many Burt nói: “Học sinh sống rất chật vật. Chúng ở nhà tù ra, sống trong các trại tiếp nhận, trong những gia đình đơn thân, hay là đông con còn nhỏ”. Từ khi có tiền trợ cấp (năm 1999), thì khác hẳn: “Học sinh chịu đi học, học khá hơn, nhiều em theo học cho đến cuối năm”. Cô tiếc cho một số em, vì bận trông em một buổi sáng nào đó, nên mất tiền trợ cấp cả tuần. Một khoản mất quá lớn đối với những gia đình khó khăn nhất. Cứ mỗi tuần lại có một em rơi vào tình trạng đó.
Trường trung học vừa là trường phổ thông chuyên nghiệp, phổ thông kỹ thuật, vừa là trung tâm đào tạo thường xuyên. Trường đón 1.5000 học viên, trong đó có 2.500 em từ 16 đến 19 tuổi. Ở đây đào tạo thợ nước, thợ điện, thợ may, thợ thẩm mỹ, dạy cả khiêu vũ, ngoài ra còn luyện thi vào đại học. Số tiền trợ cấp của nhà nước được tính theo số học sinh đăng ký, tỷ lệ chuyên cần và kết quả các kỳ thi. Nhà trường phải phấn đấu để học sinh học chăm, học tốt, để được hưởng tiền trợ cấp hàng tuần.
Hiệu quả ban đầu
Tiền trợ cấp không phải chỉ là một “cú hích”, mà còn là một đòi hỏi nghiêm ngặt về nội quy và giờ giấc. Bên cạnh đó là thái độ học tập của học sinh được lãnh tiền trợ cấp. Shanon, 17 tuổi được lãnh 33 Euro/tháng. Em nói: “Không phải vì tiền trợ cấp mà em đi học mà em muốn học để sau này tìm được một công việc ổn định”. Em Grace Olaniyi, 18 tuổi, chuẩn bị thi vào ĐH nói: “Trong lớp em các bạn đều nói họ đi học vì muốn có tiền”. Nhà nghiên cứu Mick Fletcher cho rằng chúng nói thế là thành thật, vì rõ ràng tiền trợ cấp hàng tuần là điều có lợi cho chúng. Trợ cấp đó buộc học sinh phải có hạnh kiểm tốt, nghĩa là chuyên cần, chăm chỉ, theo lời giải thích của Richard, 18 tuổi, đang chuẩn bị thi môn quản trị xí nghiệp. Richard nói: “Tiền trợ cấp giúp được nhiều người. Cũng có đứa chán học, vì không thấy lợi ích gì. Nhưng thực ra nếu học tốt, thì nó lại rất có lợi. Học tốt càng thấy ham học”. Hơn nữa, ngoài trợ cấp còn có thưởng, vào tháng giêng được thưởng thêm 111 Euro, nếu tháng 6 đi thi được thêm 111 Euro. Richard và nhiều bạn bè của em phải làm thêm một việc nhỏ để đủ tiền ăn học. Jeremy Mccovosky chuẩn bị thi bằng huấn luyện viên thể thao, phải làm việc 3 giờ mỗi tuần trong câu lạc bộ bóng đá. Có bạn làm thêm về bán hàng, bảo vệ… Chúng tập tự quản lý quỹ riêng của mình.
Biện pháp trợ cấp được sự đồng tình của nhiều người. Chỉ có một điều cần chấn chỉnh: tiền còn phân phát chưa thực sự đúng đối tượng. Có em cần tiền để học thực sự, có em dùng tiền để ăn tiêu hoang phí (sắm quần áo, mua điện thoại di động mới…), nhưng cái lợi cơ bản của nó là điều không ai chối cãi.
Phan Thanh Quang
(Theo Le Nouvel Observateur)
Bình luận (0)