Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Anh Tuấn – vui là chính…

Tạp Chí Giáo Dục

Anh Tuấn vào vai Bạch Xuân Nguyên trong vở kịch Lê Văn Duyệt trên sân khấu Nhà hát Kịch TP.HCM – (Ảnh do nhân vật cung cấp
Những năm đầu thập niên 1980, có một vở kịch trên Đài truyền hình TP.HCM cứ được khán giả yêu cầu phát đi phát lại, mà lần nào xem cũng ôm bụng cười. Có một người nhờ vở kịch đó mà nổi tiếng luôn, cái duyên hài phát lộ đến bất ngờ…

Đó là vở Tên trùm bịp bợm thành Venice, một vở kịch nổi tiếng của nước ngoài, được dựng lại ở VN và đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Đoàn Cửu Long Giang khi ấy có rất nhiều diễn viên giỏi, nhưng cũng khá phức tạp vì có đến ba thành phần diễn viên: một là diễn viên của Sài Gòn cũ còn ở lại, hai là diễn viên từ chiến khu ra, ba là những sinh viên mới tốt nghiệp trường Nghệ thuật Sân khấu 2.

Chính vì vậy, những sinh viên trẻ mới ra trường không dám hó hé gì trước các đàn anh, đàn chị. Thật ra hồi đó khi tốt nghiệp chỉ có hai con đường: nếu thuộc loại giỏi thì được giữ lại thành phố, vào biên chế; trung bình thì bị đưa xuống tỉnh, coi như khó có điều kiện phát triển và rất nhiều người đã bỏ nghề. Anh Tuấn, Văn Thênh, Hữu Luân, Thành Hội, Khánh Hoàng cùng chung một khóa, phải phấn đấu đạt điểm các môn toàn loại A mới được chọn ở lại. Về đoàn suốt mấy năm nhưng Anh Tuấn chỉ được đóng vai quần chúng, nhưng cũng đã thấy sung sướng lắm rồi.

Mãi đến năm 1983, Tên trùm bịp bợm thành Venice ra đời, Anh Tuấn mới được giao vai chưởng khế Vôn-te và tạo được ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Nhiều người đã mấy mươi năm có khi không biết tên anh nhưng nhắc đến chưởng khế Vôn-te là nhớ ngay. Có thể nói đây là vai diễn đầu tiên nhưng cũng là vai để đời của Anh Tuấn. Cái duyên hài khi ở trường mới manh nha thì bây giờ phát lộ rõ ràng rồi định hướng luôn cho chàng trai trẻ. Một loạt vở sau đó như Người đá lạc đội hình, Thám tử nghiệp dư…, Anh Tuấn đều được giao vai hài. Một diễn viên loại giỏi của chính kịch nhưng vui vẻ lái sang một con đường khác, hầu như không bận tâm, trăn trở gì cả.

Cái nghề diễn hài hình như trong trường không dạy, mà chính thực tế cuộc sống dạy cho diễn viên nhiều hơn. Cho nên lúc 40 tuổi, Anh Tuấn thử nhảy ra khỏi cái tháp ngà của Nhà hát Kịch TP.HCM, theo chân Kiều Oanh đi tấu hài, với mục đích thu thập thêm “võ công” của làng hài. Anh nói: “Tôi học được nhiều thứ lắm. Nghề này đừng nói ai giỏi hơn ai, vì mình giỏi cái này thì người ta sẽ giỏi cái khác. Tấu hài trong vòng ít phút mà làm khán giả cười được, là cực kỳ khó. Rồi thêm cái chất, cái duyên của mình vô để tạo nét riêng, chứ không phải chỉ xài mảng miếng là đủ. Và biết dùng tiểu xảo cỡ nào thì vừa… Không đơn giản đâu!”.

Nhưng chỉ được 5-6 năm, lúc đang hái ra tiền thì Anh Tuấn nghỉ ngang. Đối với anh thế là đủ, chỉ như một đợt tập huấn, giờ phải quay về với thánh đường sân khấu. Nói gì thì nói, anh vẫn là người của chính kịch, dù đóng vai hài nhưng vẫn đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc. Và ngôi nhà nghệ thuật mà anh chung tình suốt mấy chục năm vẫn là đoàn Cửu Long Giang, sau sáp nhập với đoàn Bông Hồng, rồi trở thành Đoàn Kịch TP.HCM, cuối cùng là Nhà hát Kịch TP.HCM.

Nhiều người ngạc nhiên vì sự “chung thủy” của Anh Tuấn. Nhưng liệu đó có phải là an phận? Anh gật đầu: “Nói tôi an phận cũng không sai. Tôi không thích bon chen, không đi tìm cơ hội. Mỗi năm nhà hát dựng vài vở, tôi có vài vai, thế đủ rồi. Tôi không quá bức xúc về kinh tế, nên cứ nhẩn nha rong chơi với nghệ thuật, giữ cho mình sự lạc quan, thanh thản. Mỗi người chọn cho mình cách sống khác nhau, cứ nhẹ nhàng mà đi giữa cuộc đời”. Thảo nào tròn 50 tuổi rồi mà tóc anh vẫn đen, rất ít sợi bạc so với bạn bè cùng lứa, và miệng lúc nào cũng hề hề cười như không có chuyện gì bận tâm. Biên chế trong nhà hát với số lương chắc chỉ đủ uống cà phê, nên một thời hai vợ chồng anh xoay qua buôn bán máy ảnh. Bây giờ anh lại tìm việc khác, cũng chẳng thấy lo lắng ưu tư gì.

Lâu lâu có vai trên kịch truyền hình, thế là đi, diễn hết mình. Anh nói: “Tôi lại không đóng phim được. Tôi sợ nhất áp lực, mà phim thì quay ngày quay đêm, có khi vài hôm phải xong một tập, có khi ra trường quay mới học kịch bản, chịu không thấu. Người ta mời tôi đều từ chối. Tôi biết mình dở điểm này, trong khi phim mở ra nhiều cơ hội về thu nhập cũng như sự nổi tiếng. Cho nên tôi nói mình là kẻ an phận. Thôi thì, vui là chính. Sống mà thấy vui, làm nghề mà thấy vui, coi như quà của cuộc đời!”.

 

 

“Con đường nghệ thuật lạ lắm, có khi nó chọn mình chứ không phải mình chọn nó. Chẳng hạn NSƯT Bảo Quốc ngày xưa là kép đẹp đó chứ, nhưng sau vở Tiếng trống Mê Linh đã rẽ ngang thành diễn viên hài, ai cũng yêu mến. Tại sao cứ phải thắc mắc vai chính, vai phụ, vai hài cho mệt thân? Làm cái gì mà sân khấu cần, khán giả ái mộ là hạnh phúc rồi”.

Nghệ sĩ Anh Tuấn

Hoàng Kim (Theo TNO)

Bình luận (0)