Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

“Áo kiến thức” chống bệnh lười học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Kiến thức các môn học được in lên áo kèm những hình ảnh minh họa sinh động, giúp học sinh vừa dễ dàng ghi nhớ, vừa có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Đây là điểm độc đáo của những “chiếc áo kiến thức” do thầy Ma Quốc Đảo (giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) sáng tạo ra.

“Áo kiến thức” giúp trẻ học tiếng Anh

Theo thầy Đảo, với “áo kiến thức”, dù muốn dù không các em cũng vẫn phải lĩnh hội kiến thức. Thế nên, “áo kiến thức” được mệnh danh là áo chống bệnh lười học.

Kiến thức ở… trên áo

Manh nha trong một lần đi học in lụa để làm áo cho học sinh, khi chứng kiến những hình ảnh dùng để in lên áo không mang tính giáo dục, thầy Đảo (khi đó mới chỉ là cậu sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã nghĩ tới ý tưởng dùng kiến thức in lên áo cho học sinh mặc. “Nhưng phải đến năm 2011, bắt đầu ra trường tôi mới có thể thực hiện ý tưởng. Lúc đó, thay vì đi dạy học ở các trường thì tôi chỉ đi dạy ở trung tâm và quyết định mất thêm 1 năm nữa để đi học về thiết kế đồ họa. Vừa học, vừa mày mò thiết kế áo”, thầy Đảo cho biết.

Thời gian từ 2011 đến 2014, với thầy Đảo đó là quãng ngày “điên cuồng” nhất. Đi mòn gót tại các chợ vải để tìm chất liệu phù hợp với áo, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố để có một xưởng in đảm bảo, triền miên những đêm không ngủ bên những bản thiết kế… “Không biết bao nhiêu lần thất bại, khi thì chất lượng vải không tốt, làm lem mực in, khi thì xưởng in cho ra sản phẩm lỗi, lúc lại là mẫu vẽ chưa đạt yêu cầu… Bốn năm trời ròng rã, biết bao nhiêu công sức và tiền bạc đổ vào mới có thể thiết kế ra một chiếc áo thun kiến thức đơn giản thế này”, thầy Đảo nhớ lại.

“Áo kiến thức” thực chất chỉ là chiếc áo bình thường nhưng trên đó, ở cả hai mặt áo sẽ được in kiến thức các môn học từ toán, lý, hóa, văn cho đến ngoại ngữ, thích hợp cho đối tượng từ 1 đến 12 tuổi. “Đặc biệt là môn ngoại ngữ, bao gồm cả tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Đức… Những từ vựng, cấu trúc câu đi kèm với hình ảnh minh họa khi được in lên áo sẽ giúp các em dễ dàng ghi nhớ và lĩnh hội kiến thức ở mọi nơi, dù là đi chơi hay đi học. Bằng cách này, chắc chắn vốn ngoại ngữ của các em sẽ tăng lên, ngay cả khi các em ở vùng khó khăn, vùng nông thôn, không có điều kiện tiếp xúc với ngoại ngữ thường xuyên”, thầy Đảo chia sẻ.

Tuy nhiên, theo thầy Đảo, sản phẩm tâm huyết nhất trong dự án “áo kiến thức”  phải kể đến “áo gilê kiến thức”. Là cải tiến của áo thun kiến thức, may dưới dạng áo khoác ngắn. Phần lưng áo là một bảng kiến thức, có thể tháo rời, tạo sự thuận tiện và linh động cho người dùng khi có thể trao đổi, lắp ghép các mảnh áo khác nhau. Sản phẩm này phù hợp với tất cả đối tượng học sinh, từ bậc mầm non đến THPT, ngay cả ĐH. “Đầu tiên áo được may liền thân. Nhưng sau khi thực hiện một khảo sát trên khoảng 2.000 người, tôi quyết định thay đổi, tách ghép thiết kế áo. Như thế, một chiếc áo khi được tháo ra, học sinh có thể trao đổi cho nhau để sử dụng. Điều này sẽ giúp các em học được nhiều kiến thức hơn”.

Không thể… không học

Chia sẻ về trải nghiệm “áo kiến thức” cho hai cậu con trai đang học tiểu học, chị Trần Thu Hồng (Q.Tân Bình) cho biết các cháu rất thích thú khi vừa mặc áo lại vừa học bài. Nhất là những từ vựng tiếng Anh, các cháu đã có thể nhớ mà tôi không phải mất công sức hò hét hoặc ép học trên máy tính bảng. “Mặc áo này các cháu có không muốn học cũng không được, nên không lười được”, chị Hồng nói.

Thầy Ma Quốc Đảo nhận giải thưởng top 15 toàn quốc tại cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017

Tham vọng của thầy Đảo là đưa sản phẩm “áo kiến thức” vào trong trường học để cải thiện sức học cho học sinh, tiếp cận với mọi đối tượng học sinh giúp cân bằng trình độ.

Nhiều ý kiến cho rằng, “áo kiến thức” khiến học sinh khó tập trung trong lớp học, kiến thức trên áo cứ di chuyển nên cũng không học được là bao. Tuy nhiên, theo thầy Đảo, để “áo kiến thức” phát huy tối đa hiệu quả cần phải tuân theo hướng dẫn sử dụng. “Giáo viên có thể tạo ra những tiết học “áo kiến thức” bằng cách thiết kế các trò chơi. Như đố áo của bạn có kiến thức gì, hay cho học sinh xếp hàng học trên áo của bạn; hoặc phân nhóm cho học sinh học xoay quanh các kiến thức trên áo. Nếu kiên trì và nghiêm túc, học sinh sẽ tiến bộ rất nhanh ở tất cả các môn học, lại chống được bệnh lười học theo phương pháp học tập thông thường. Bởi mỗi ngày, chỉ cần các em bỏ ra 30 giây để ôn lại những kiến thức cũ đã là thành công rồi”, thầy Đảo chia sẻ.

Sau 7 năm miệt mài sáng tạo, “áo kiến thức” của thầy Đảo đã lọt vào top 15 toàn quốc trong cuộc thi Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2017. Đánh giá về sản phẩm này, TS. Nguyễn Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết đây là một dự án rất hay, có thể áp dụng được vào trường học với tính khả thi cao.

Để sản phẩm “áo kiến thức” thật sự hiệu quả, thầy Đảo cho biết bản thân mong nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia giáo dục để tư vấn những kiến thức in lên áo sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh sử dụng.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)