Đây là chiếc áo được làm từ chai nhựa, do nhóm học sinh lớp 6 Trường THCS Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP.HCM) là Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung và Võ Thị Ngọc Lan sáng chế (thời điểm thực hiện, các em là học sinh lớp 5 Trường TH Bình Mỹ – PV).
Hai thành viên trong nhóm đang làm chiếc áo phao |
Sản phẩm này vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Sáng kiến cộng đồng 2017” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Chia sẻ về sáng chế ý nghĩa này, trưởng nhóm Quỳnh Trâm cho biết do các em sinh ra và lớn lên ở ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh với bốn bề sông nước, hàng ngày phải đi học bằng ghe, xuồng nên không an toàn, nhất là những ngày mưa bão. Trong khi hầu hết các gia đình ở đây phải chật vật kiếm cái ăn nên áo phao là thứ xa xỉ. Theo đó, để giúp mọi người yên tâm khi ngồi trên ghe, xuồng, nhóm đã lên ý tưởng thực hiện áo phao cứu sinh từ những vật dụng, nguyên liệu phế thải là vỏ chai nhựa, cước, keo… Nhóm thảo luận rồi mày mò, tìm hiểu nguyên lý và tận dụng các nguyên vật liệu bỏ đi để làm nên chiếc áo phao hữu ích mà bất kỳ ai cũng sử dụng được.
Mặc áo phao vào người |
… và bơi lội trên sông |
Áo phao cứu sinh đã từng đoạt nhiều giải thưởng khác như: Giải khuyến khích cuộc thi “Ong sáng tạo” do UBND huyện Cần Giờ tổ chức; giải nhì cuộc thi “Sản phẩm tái chế” cấp thành phố; giải nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ thanh thiếu niên thành phố lần thứ 12” của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM. |
Đây không chỉ là chiếc áo phao cứu sinh thông thường mà còn mang ý nghĩa xã hội rất cao. Cụ thể, việc sử dụng vỏ chai nhựa không chỉ tạo ra một vật dụng hữu ích, giúp an toàn hơn khi đi qua sông, giảm thiểu sự cố khi tai nạn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát sinh chất thải. Chưa hết, những chiếc phao trong áo cứu sinh có thể đựng nước uống khi đi dã ngoại, hay leo núi rất tiện lợi. Áo được thiết kế gọn nhẹ, có tuổi thọ trên dưới 10 năm. Áo phao mặc vào người như một chiếc áo bình thường, sau đó chỉnh kích thước sao cho phù hợp với người sử dụng rồi cài móc khóa an toàn. Khi áo ra đời, số vụ đuối nước trên địa bàn huyện Cần Giờ đã giảm hẳn.
Quỳnh Trâm cho biết thời gian tới nhóm sẽ làm sách hướng dẫn cách làm áo phao cứu sinh, giới thiệu đến các trường học trên địa bàn TP.HCM và cả nước, qua đó các bạn học sinh có thể tự làm cho mình một chiếc áo phao nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đánh giá áo phao cứu sinh là một sản phẩm tiện ích, dễ làm với chi phí gần như bằng 0. Ngoài ý nghĩa đó, sản phẩm này còn khơi gợi tính sáng tạo trong học sinh, giải quyết những vấn đề từ thực tiễn cuộc sống.
Trần An
Bình luận (0)