Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Áo trắng đốt thời gian trong thế giới ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ có thanh niên mà còn rất nhiều thiếu nhi tìm đến tiệm net

Mùa hè là thời điểm các tiệm internet trở nên náo nhiệt nhất. Trong khi nhiều trẻ em được gia đình đưa đến các trung tâm văn hóa để học tập vui chơi, thì một số khác lại chọn game online làm sân chơi cho mình. Tiệm net trở thành điểm hẹn lý tưởng của các game thủ học trò tìm đến…
Quên ăn mất ngủ vì game
Rảo một vòng các tiệm net trên đường Bắc Hải (Q.10), chúng tôi bắt gặp hàng chục cu cậu tuổi choai choai đang đắm chìm trong trò “Đột kích”, “Biệt đội thần tốc”, “Đặc nhiệm anh hùng”. Hầu hết các tiệm net đều mở cửa phục vụ các “thượng đế” liên tục từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm.
Mới sáng sớm, tiệm net trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) đã tấp nập khách ra vào. Bên trong là một thế giới hoàn toàn khác, mùi thuốc lá bốc lên, tiếng đâm chém, nhiều em nhỏ thậm chí cả thanh niên dán mắt lên màn hình, tay thoăn thoắt nhấn phím, miệng cũng liên tiếp buông ra những tiếng chửi thề một cách vô thức.
Tại một tiệm net trong một con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm (Q.11), mới chỉ hơn 7 giờ sáng, chúng tôi quan sát được hơn chục em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học đang ngồi bấm liên tục trên các bàn phím. Nhiều em nhỏ còn la hét và chửi thề liên tục khiến nhưng người khách lớn tuổi chỉ còn biết lắc đầu e ngại.
Một tiệm khác trên đường CMT8, khách hàng chủ yếu là thanh thiếu niên. Một em bé khoảng chừng 8 tuổi tay liên tục nhấn phím, mắt nhìn tôi dò xét như tôi là khách hàng cá biệt chứ không phải là những game thủ đang bị hút hồn vào màn hình kia.
Vào bất kỳ một tiệm net nào, chúng tôi đều dễ dàng bắt gặp những màn hình tràn ngập hình ảnh game bạo lực, bên cạnh là những cậu bé với cặp mắt căng thẳng, sâu hoắm. Mỗi khi giết được một nhân vật trong game, các em lại cười to đắc chí: “Giỡn mặt với tao hả mày?”, “Tao sẽ cho cả họ mày biết tao là ai”, “Chờ chút! Bơm máu đã”… Đó là ngôn ngữ giao tiếp mà các em sử dụng khi chơi game, người lớn nghe thấy cũng phải rùng mình. Nhiều tiệm net còn có dịch vụ nước giải khát và ăn uống qua đêm. Các game thủ tha hồ chìm đắm trong thế giới ảo của mình không kể ngày đêm.
Khi nhập cuộc, các game thủ này không còn biết những gì đang diễn ra xung quanh. Theo một chủ tiệm net trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, mùa hè là thời gian mà tiệm tiếp nhiều “bang chủ” lẫn những “tay súng cừ khôi” nhí nhất, chúng ngồi từ sáng sớm tới chiều tối, ngày này qua ngày khác. Nhiều thanh thiếu niên chơi game đến mê mải, quên ăn, quên ngủ.
Cần có biện pháp
Hiện toàn TP.HCM có 4.500 điểm kinh doanh game online (20% cơ sở gần trường học, 50% có kinh doanh thức ăn, nước uống để phục vụ game thủ chơi suốt ngày). “Biệt đội thần tốc” (VinaGame), “Đặc nhiệm anh hùng” (FPT Online) và “Đột kích” (VTC Game) là những “game đỉnh” được các game thủ ưa chuộng. Những trò này có một điểm chung: game thủ vào vai một tên khủng bố hoặc cảnh sát, chỉ cần một cú click chuột là có thể đắm mình vào những cuộc chiến đâm chém bắn giếtđẫm máu. Các game thủ được trang bị đủ thứ vũ khí như: các loại súng (AK 74, K1, MR 73), áo giáp, mũ cối, bom, lựu đạn… Càng giết được nhiều người thì càng được tăng cấp. Các game online này càng bạo lực càng hấp dẫn, thu hút thanh thiếu niên.
Trong chương trình “Nói và làm” của HĐND TP.HCM do Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức vào sáng ngày 6-6, ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam cho rằng tại các trường học, hoạt động Đoàn Đội còn hạn chế, sân chơi cho học sinh thiếu trầm trọng nên các em rất dễ bị game online cuốn hút, nghiện lúc nào không hay. Do đó, các bậc phụ huynh phải quan tâm, kiểm soát con cái, không để trẻ tiếp xúc quá nhiều đến điện tử. Hãy tạo cho con những môi trường và sân chơi lành mạnh.
Theo bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM: “Để hạn chế game bạo lực, tiêu cực ảnh hưởng đến nhân cách lứa tuổi học sinh, về mặt quản lý nhà nước cần hướng những nhà sản xuất làm ra các game lành mạnh, rút phép những game bạo lực, tiêu cực. Sở Thông tin và Truyền thông cần làm quyết liệt, đi đầu quản lý, xử phạt nặng những điểm kinh doanh game bạo lực”.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh tay với game online bạo lực, không lành mạnh để bảo vệ thế hệ trẻ…
Bài, ảnh: Kiều Nhi

Bình luận (0)