Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Áp đặt từ phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày cận kề kết thúc năm học, chương trình cũng đã hoàn thành, tôi và các giáo viên khác lại dành nhiều thời gian chia sẻ cùng các em học sinh về nhiều điều trong cuộc sống. Theo đó, tôi sưu tầm những thước phim hài hước để các em giải trí, đặc biệt là những thước phim về tình cảm gia đình, thầy cô để các em ghi nhớ công ơn. Đó còn là những thước phim về những mảnh đời bất hạnh để các em cảm thông và chia sẻ; những thước phim khác về xã hội để các em mở rộng kiến thức… Tôi cũng không quên dành thời gian cho các em nói lên những nỗi niềm qua những bức thư. Một trong những tâm sự làm tôi suy nghĩ nhiều là hoàn cảnh của một nam sinh tên A.

Thấy tôi đang đọc những bức thư thì trong giờ ra chơi, A. bước lại nói: “Thầy đọc bài của em trước đi. Em mong thầy đọc và viết báo để cho những học sinh như em không phải chịu áp lực nặng nề trong học tập và phụ huynh đừng áp đặt con cái phải là học sinh khá, giỏi như em”. Nghe A. nói vậy, tôi lấy bài viết của em ra đọc trước. Sau khi bày tỏ hết mọi nỗi niềm, em viết một câu làm tôi chú ý: “Không hiểu sao ba mẹ cứ bắt em phải là học sinh khá. Học sinh trung bình là không thể chấp nhận được. Không phải học sinh khá là không được”. Đúng là suy nghĩ rất lạ của một học sinh nhiều tâm tư. 

Hiện nay, việc phụ huynh muốn con cái có điểm số đẹp, có giấy khen khi kết thúc học kì, kết thúc năm học đối với tôi không còn xa lạ gì. Thế nhưng, khi đọc những dòng tâm sự của A., tôi không khỏi buồn lòng. Trước lúc dành thời gian để học sinh viết lên những suy nghĩ của mình, tôi cũng nói với các em hiểu thêm về tác hại của giá trị ảo để các em có niềm tin. Nhiều em chấp nhận (và có phần thích thú, tự hào) khi điểm không cao mà giá trị thật. Nhưng có vài em băn khoăn trước áp lực “tờ giấy khen” của gia đình. A. không băn khoăn nhưng lại muốn giải thoát “bệnh thành tích” ấy cho em và cho những bạn rơi vào hoàn cảnh như em.

Và kết thúc bức thư, A. viết: “Vì em không thể sống mãi theo ý của ba mẹ”. Ý kiến của em rất xác đáng. Đó cũng là nỗi niềm của biết bao học sinh hôm nay.

Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ đang chịu áp lực từ bệnh thành tích của gia đình. Không biết bao giờ chúng ta, nhất là các phụ huynh “nói không với bệnh thành tích” như chủ trương nhiều năm nay của Bộ GD-ĐT.

Hoàng Đà Lạt
(giáo viên Trường
THCS-THPT Bác Ái, TP.HCM)

Bình luận (0)