Bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, anh Đào Huy Tùng (SN 1984), trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng đã thành công với mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định…
Anh Đào Huy Tùng thành công với mô hình nấm rơm trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao
1.Vài năm trở lại đây, người sành ăn nấm rơm không còn xa lạ với trại nấm của đôi vợ chồng anh Đào Huy Tùng và chị Lê Thị Phương Thảo ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Với diện tích hơn 500m2, mỗi tháng mô hình nấm này cho thu hoạch 600kg nấm rơm thành phẩm. Đến hẹn, người tiêu dùng và thương lái tìm đến tận nơi để mua nấm, thay vì phải tìm kiếm thị trường như nhiều mặt hàng nông sản khác.
Trước khi bắt tay vào trồng nấm rơm, anh Tùng từng là một người lính hải quân, công tác ở một đơn vị hải quân đóng ở Đà Nẵng. Anh Tùng bảo: “Dù làm gì, gốc gác nông dân vẫn thôi thúc tôi quay về. Đó là lý do năm 2017, tôi quyết định rẽ hướng về làm nông”. Nhận thấy nhu cầu nấm rơm ở thị trường miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất cao nên anh quyết định bắt tay khởi nghiệp từ nghề này. “Nhưng nông nghiệp truyền thống không dễ mang lại hiệu quả như mình mong muốn. Huống hồ mình chỉ là một nông dân tay ngang, thiếu kinh nghiệm. Thất bại rồi gượng dậy, trắng tay thì lại đi vay, tích cóp để gượng dậy. Mất vài lần như thế mới rút ra được bài học kinh nghiệm, tìm được cách làm ra cây nấm phù hợp với khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng… những thứ mà trên sách vở không thể mang lại”, anh Tùng kể. Không làm theo nguyên liệu hoàn toàn từ rơm truyền thống, anh Tùng mày mò thử nghiệm và thành công với cách trồng nấm bằng 70% hạt cây bông gòn cùng 30% rơm rạ từ cây lúa làm phôi.
Quá trình nghiên cứu, anh Tùng quyết định trồng nấm rơm trong nhà kính thay vì lối trồng truyền thống trước đây. “Lúc bắt đầu nhiều người cũng e ngại cho tôi. Trồng nấm trong nhà kính tốn nhiều chi phí đầu tư, trong khi mình thất bại vì nấm truyền thống đã nhiều lần, chưa hoàn vốn. Nhưng rồi thời gian đã cho câu trả lời xác đáng. Tôi thành công với mô hình này. Điều phấn khởi nhất không chỉ riêng bản thân tôi mà cho bà con nông dân sản xuất nấm rơm là mô hình có thể quản lý được nhiệt độ, độ ẩm mà không phải đối mặt với thời tiết thất thường ở miền Trung”, anh Tùng bộc bạch.
2.Một thời gian sau đó, vợ chồng anh nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm Công nghệ sinh học với các hội khuyến nông, khuyến ngư, hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong kỹ thuật, vốn… nghề nấm truyền thống được tái sinh từ kỹ thuật của khoa học công nghệ đã mang lại hiệu quả cao. “Áp dụng công nghệ 4.0 áp dụng thực tế vào sản xuất nấm đã mang về cho mô hình của tôi năng suất vượt trội. Từ đó, việc trồng nấm rơm không còn gặp trở ngại bởi sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung nữa. Với công nghệ 4.0 tôi không cần nhiều nhân công, thay vào đó chỉ cần ngồi một chỗ điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm nhà xưởng phù hợp để nấm rơm phát triển tối ưu nhất. Nhờ hệ thống máy móc điều chỉnh tự động, nhiệt độ phòng nấm luôn duy trì 30-32 độ C, độ ẩm đạt 80-90% nên tỷ lệ thu hoạch nấm rất cao, đúng thời vụ mà không bị ảnh hưởng bởi môi trường nhiệt độ bên ngoài. Nấm cho sản phẩm quanh năm, giá trị kinh tế cao hơn và đặc biệt nấm không nhiễm hóa chất độc hại vì quy trình hoàn toàn khép kín và không sử dụng chất kích thích nào”, anh Tùng vui vẻ cho biết.
Theo anh Tùng, nấm rơm ngon và giàu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, người trồng nấm phải canh đúng thời điểm quả nấm từ hình tròn chuyển sang hình trứng, đúng độ tuổi để thu hái mới đảm bảo chất lượng. Riêng phần bã sau khi thu hoạch được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ phục vụ cho nông nghiệp. Với diện tích hơn 500m2, mỗi tháng tôi thu được 6 tạ nấm rơm. Thông thường giá nấm rơm dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg. Vào dịp lễ, Tết, giá nấm có thể tăng đến 170-240 ngàn đồng/kg. Như vậy, trừ chi phí các thứ, mỗi tháng vợ chồng anh Tùng thu lãi về hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, cơ sở nấm của anh còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ với mức lương 250 ngàn đồng/người/ngày công.
Nấm rơm của anh Đào Huy Tùng được người tiêu dùng rất ưa chuộng
3.Không làm giàu cho riêng mình, mô hình thành công, anh Tùng bắt đầu chia sẻ phương pháp với nhiều người dân khác. Thông qua các ứng dụng mạng xã hội, nhiều người dân tìm hiểu và đặt vấn đề nhờ anh hỗ trợ. Gần 2 năm nay, hàng chục mô hình trồng nấm rơm khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung được anh Tùng tư vấn, trực tiếp lắp đặt và lên phương án vận hành sản xuất. Ở bất cứ đâu, hễ người dân cần, anh đều có mặt. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần lễ đến 10 ngày, tùy theo diện tích thiết kế.
“Ứng dụng công nghệ canh tác thông minh vào thực tiễn đã mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Cách mạng công nghệ 4.0 giúp người nông dân chúng tôi đa dạng trong tư duy và giải quyết vấn đề một cách tốt nhất. Quan điểm của tôi là không giấu nghề. Sự sẻ chia nhằm tạo ra một môi trường mở để mọi người dân có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cùng nhau tạo ra giá trị xã hội. Đó là mong muốn của tôi khi chia sẻ kinh nghiệm của mình đến với bà con”, anh Tùng nói.
Hàn Giang
Bình luận (0)