Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh: Cảnh báo sự tuỳ tiện

Tạp Chí Giáo Dục

Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ được ban hành từ năm 2010, vốn được xem là "phao cứu sinh” cho các trường đứng trước nguy cơ đóng cửa ngành do không tuyển đủ chỉ tiêu. Dù vậy, chiếc "phao” này vẫn không "cứu vớt”, nổi nhiều trường của năm 2010 do áp dụng quá muộn. Đến mùa tuyển sinh năm nay (2011), nhiều trường đã chủ động xin Bộ GD&ĐT chấp nhận để được áp dụng hình thức trên. Sự việc được cảnh báo vì dường như đã đi quá đà…
Các trường ĐH đứng trước nguy cơ khó tuyển đủ chỉ tiêu
 đã ồ ạt "xin” vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh
 như một "phao cứu sinh” thực thụ
Điểm sàn – thước đo mặt bằng chung
Thời gian qua, ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng việc áp dụng điểm sàn cho kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ GD&ĐT. Nhìn chung, mọi ý kiến đều nghiêng về sự ủng hộ cho những trường ngoài công lập. Ngay trước khi Bộ GD&ĐT ban hành điểm sàn, Hiệp Hội các trường ĐH ngoài công lập đã tổ chức gấp hội thảo, đề xuất kiến nghị những khó khăn và mong muốn Bộ xem xét hạ mức điểm sàn thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn giữ quan điểm không hạ điểm sàn, nhằm giữ cho đầu vào ĐH đảm bảo chất lượng. Vậy là suốt 3 năm (từ năm 2009 đến nay), Bộ GD&ĐT luôn giữ điểm sàn ở mức cố định: 14 điểm cho khối C, B; 13 điểm cho khối A, D.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga giải thích, áp dụng điểm sàn sẽ có ưu điểm là các trường ĐH-CĐ không được phép lấy thí sinh có tổng điểm 3 môn thấp dưới điểm sàn nhập học. Cụ thể, quy định này tránh trường hợp tổng điểm 3 môn thí sinh chỉ đạt 6-7 điểm, nghĩa là mỗi môn thi chỉ đạt 2 điểm hoặc nhỉnh hơn 2 điểm mà vẫn đậu ĐH. Chất lượng đầu vào sẽ luôn đảm bảo mặt bằng chung thí sinh có lực học, trình độ kiến thức tối thiểu (tối thiểu ở điểm sàn). Điều này có thể hiểu, nếu bỏ điểm sàn, sẽ đồng nghĩa với chất lượng ĐH bị "thả nổi”. Các trường khi tự quyết mức điểm đầu vào, sẽ xảy ra hai trường hợp: trường có "thương hiệu”, chất lượng cao sẽ đẩy cao điểm đầu vào; ngược lại, trường "top” dưới, kém "thương hiệu” rất có thể sẽ lấy điểm tuỳ tiện, làm chất lượng chung của đầu vào ĐH bị đi xuống.
Nhưng năm nay, việc áp dụng khá rộng rãi Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ cho NV2 đã gây ra khá nhiều thắc mắc. Điều khoản này tạo điều kiện cho các trường ĐH vùng và các ĐH đóng trên địa bàn khó khăn tuyển đủ chỉ tiêu cũng như phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long, một số tỉnh miền Trung, một số trường đào tạo các ngành trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.
Quy chế… "lách luật” điểm sàn
Theo Thứ trưởng Ga, những trường ĐH đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chính thức phê duyệt áp dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh, còn phải có cam kết về nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương bằng công văn đề nghị của UBND tỉnh kèm theo. Hiện, Bộ GD&ĐT chưa chính thức công bố danh sách các trường ĐH được phép áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh. Nhưng trên website nhiều trường ngoài công lập (không nằm trong vùng khó khăn) cũng đã quảng bá việc được áp dụng Điều 33 cho NV2. Dĩ nhiên, mức điểm đầu vào đã được hạ thấp hơn điểm sàn tới mức không tưởng!
Theo Khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực (KV) tuyển sinh được tính dựa trên mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai KV kế tiếp là 0,5 điểm. Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm. Những trường được vận dụng Điều 33 sẽ áp dụng đối với KV2 ưu tiên 1 điểm, KV2-NT ưu tiên 2 điểm và KV1 ưu tiên 3 điểm. Mức chênh lệch cao nhất giữa KV1 đến KV3 là 3 điểm, cộng cả điểm ưu tiên đối tượng sẽ lên tới 5 điểm.
Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai thông báo tất cả các ngành đều được áp dụng Điều 33 với mức ưu tiên đạt 5 điểm là trúng tuyển CĐ; 8 điểm trúng tuyển ĐH. Trường ĐH Phan Thiết cũng đưa ra mức điểm tương tự. Đến ngay cả trường ĐH Quốc tế Miền Đông (EIU) cũng thông báo xét tuyển theo Điều 33 của Quy chế, với điểm NV2 (thí sinh có hộ khẩu Bình Dương) cho các khối A, D1 là 10 điểm, khối B là 11 cho khu vực 1. Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Kiên Giang, lấy 7 điểm trúng tuyển vào khối A, nếu thí sinh cộng cả điểm ưu tiên thì 5 điểm là trúng tuyển CĐ. Những trường ngoài công lập như ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định), ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), ĐH Kinh tế – kỹ thuật Bình Dương, ĐH Cửu Long (Vĩnh Long), ĐH Phú Xuân (Huế), ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), ĐH Bình Dương, ĐH Tây Đô (Cần Thơ) đều đã thông báo áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh. Đặc biệt, ĐH Lạc Hồng thì công khai giải thích, do nhu cầu đào tạo nhân lực cho địa phương, nhà trường "được áp dụng Điều 33 nên thí sinh sẽ được nhân đôi điểm ưu tiên KV”!
Nghịch lý mùa tuyển sinh đã rõ, các trường ĐH đứng trước nguy cơ khó tuyển đủ chỉ tiêu đã ồ ạt "xin” vận dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh như một "phao cứu sinh” thực thụ. Mức điểm đã được dụng một cách "triệt để” (cộng tất cả những ưu tiên khu vực lẫn nhóm đối tượng) đã tụt 5 điểm so với mức điểm sàn. Theo đó, đối với những trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn, thì những thí sinh được áp dụng Điều 33 chỉ cần đạt 8 điểm (khối A, D) và 9 điểm (khối B, C) là có thể đỗ ĐH; với hệ CĐ thì cộng tất cả ưu tiên chỉ cần 5 điểm cũng đỗ. Ngược lại với lý thuyết "không hạ điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào trên mặt bằng chung” mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra, việc thả nổi các trường áp dụng Điều 33 đã trở nên phản tác dụng. Quy chế trên đã chính thức "lách luật” điểm sàn, bỏ lại đằng sau chất lượng đầu vào chính thức bị thả nổi.
Theo Hoàng Anh Thắng
(DDK)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)