Sự kiện giáo dụcTin tức

Áp dụng hình thức tiêm thuốc độc thay xử bắn tử tù từ 1/7

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 1/7 Luật thi hành án hình sự bắt đầu có hiệu lực, nổi bật là quy định thay thế việc xử bắn tử tù bằng tiêm thuốc độc; cho phép thân nhân tử tù được nhận xác về mai táng…
Tròn một năm trước, đạo luật với nhiều quy định mới này đã được Quốc hội thông qua sau thời gian dài cân nhắc, thảo luận.
Ngày 30/6, trao đổi với phóng viên, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an) cho biết, việc đề án tiêm thuốc độc với tử tù đã được nghiên cứu kỹ, có tiếp thu có chọn lọc pháp luật, kinh nghiệm của nước ngoài, phù hợp với xu thế chung về thi hành án hình sự của các nước trên thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Theo đó, người bị thi hành án tử hình ít bị đau đớn, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn. Việc này cũng khắc phục những khó khăn, bất cập trong thi hành án tử hình bằng xử bắn thời gian qua như về pháp trường tổ chức thi hành án; về áp lực tâm lý với cán bộ trực tiếp thi hành án và thân nhân người bị thi hành án…
Thiếu tướng Ngọc Anh cho biết, do thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc là hình thức mới nên cùng với việc xây dựng các văn bản quy định về thi hành án tử hình sự bằng tiêm thuốc độc, Bộ Công an đã cử các đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện kỹ thuật; đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ để phục vụ tốt cho việc triển khai thực hiện.
Theo Luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ 1/7, trước khi bị đưa ra thi hành án tử hình, người chấp hành án được ăn, uống, viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân. Việc mai táng và quản lý mộ của người đã bị thi hành án do cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cùng chính quyền xã nơi thi hành án có trách nhiệm thực hiện.
Một trong những điểm mới của luật này là nếu thân nhân hoặc đại diện của tử tù có nhu cầu nhận tử thi về an táng thì phải làm đơn gửi chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm. Trên cơ sở xem xét, chánh án sẽ đồng ý hoặc không khi có căn cứ cho rằng việc nhận này ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường. Việc giao nhận tử thi sẽ được thực hiện trong 24 giờ kể từ khi thông báo; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận thì cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm an táng.
Luật cũng cho phép, phạm nhân ngoài việc gửi thư, mỗi tháng một lần họ được trực tiếp trao đổi điện thoại với người thân trong thời gian tối đa 5 phút. Chi phí liên lạc do phạm nhân tự chịu. Người thi hành án phạt tù nếu chưa biết chữ sẽ được học văn hóa; thời gian lao động và học tập không quá 8 giờ một ngày; có quyền được biết thông tin về thời sự, chính sách, pháp luật…
Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết; được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe.
Trong thời gian nghỉ sinh con, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp phát thực phẩm, đồ dùng cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Phạm nhân nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con.
Nếu con lớn hơn 36 tháng tuổi, người mẹ phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Trường hợp con của phạm nhân không có người nhận nuôi thì trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, phải đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi phạm nhân chấp hành án chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người chấp hành xong án phạt tù được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.

Theo Vnexpress

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)