Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH), nhận định, với mức viện phí mà các địa phương đề xuất đạt mức kịch trần hoặc gần kịch trần, hầu hết bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ khốn đốn.
Nếu mức viện phí tăng kịch trần thì hầu hết bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ khốn đốn. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Theo quy định, Bộ Y tế sẽ phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bộ, ngành khác; hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố sẽ phê duyệt mức giá dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc địa phương quản lý căn cứ đề nghị của ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh.
Vì thế, khi xây dựng giá của từng dịch vụ kỹ thuật, các bên phải căn cứ vào cơ cấu, định mức kinh tế – kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, phải dựa trên thực trạng về chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực thực hiện các dịch vụ của cơ sở khám chữa bệnh; tình hình kinh tế – xã hội và khả năng cân đối quỹ BHYT trên địa bàn.
Khả năng cân đối của quỹ BHYT hiện nay duy trì mức 70% ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương khoảng 80 – 85%. Với bốn bệnh viện hạng đặc biệt gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Quân đội 108 và Trung ương Huế thì tùy bệnh cảnh.
|
Nhưng theo ông Thảo, có địa phương như tỉnh Sóc Trăng áp luôn mức giá viện phí tối đa mà liên Bộ Y tế – Tài chính đưa ra tại Thông tư 04, ban hành ngày 29-2-2012, chứ không xây dựng mức giá theo cơ cấu mà Bộ Y tế yêu cầu. Ông Thảo khẳng định: “HĐND tỉnh Sóc Trăng có duyệt chúng tôi cũng không chấp nhận”.
Theo quy định, BHXH cùng tham gia với các Sở Y tế, Sở Tài chính thẩm định và đề xuất mức giá dịch vụ y tế theo Thông tư 04. Với những địa phương đề xuất mức giá cao, chưa phù hợp, BHXH đã yêu cầu cơ quan BHXH các tỉnh báo cáo gửi UBND tỉnh.
Ông Thảo cho biết: “Mười tỉnh đã đề nghị kịch khung, BHXH không dừng được việc họ làm vì, theo Luật Khám – Chữa bệnh, giá viện phí do HĐND tỉnh quy định. Chúng tôi có đề nghị giá chung cho từng tuyến. Tuy nhiên, đề nghị này trái với Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua ngày 20-6-2012 và sẽ có hiệu lực ngày 1-1-2013. Vì thế, hiện tại, tỉnh nào không có trách nhiệm, Sở Y tế không giám định chặt chẽ thu viện phí cao thì chỉ lợi cho một nhóm người. Còn dân là thiệt”.
Tỉnh Bắc Ninh ban đầu đưa mức giá mới đạt 90% khung giá tối đa mà Bộ Y tế ban hành. BHXH đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo HĐND rà soát lại. Cuối cùng Bắc Ninh áp mức giá bình quân chung bằng 85%. Cụ thể, giá ngày giường bệnh bằng 89%, giá khám bệnh 89%, giá các dịch vụ kỹ thuật 87%…
Hiện nay, quỹ BHYT của Bắc Ninh đã hết. Mức giá viện phí mới chắc chắn sẽ khiến quỹ BHYT bội chi năm tới. BHXH cũng gửi văn bản tới lãnh đạo của các địa phương có mức đề xuất cao, đề nghị cân nhắc, phê duyệt mức giá phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội và thu nhập bình quân chung của địa phương, bảo đảm có lộ trình thực hiện đến mức giá tối đa.
Ông Thảo cho hay, giá dịch vụ y tế tăng phải tính đến khả năng cân đối quỹ BHYT tại địa phương. Tính chung, khi tăng giá, dịch vụ y tế, quỹ BHYT phải chi thêm ít nhất 25%. Thống kê của BHXH cho thấy, số người tham gia BHYT hiện nay khoảng 65%. Tại các tỉnh Nam Bộ, độ bao phủ BHYT còn thấp hơn, chỉ 55%.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban Thực hiện Chính sách BHYT của BHXH, cho rằng, khi tăng viện phí, 35- 40% người chưa có thẻ BHYT sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Ngay cả những đối tượng đã có thẻ BHYT cũng sẽ chịu sự tác động nhất định. Vì họ (người nghèo, cận nghèo, người lao động) phải cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh, từ 5- 20%. Vậy nên, nếu các địa phương, nhất là ở những vùng khó khăn phê duyệt giá dịch vụ y tế ở mức tối đa, sẽ ảnh hưởng hầu hết đối tượng.
Thái Hà (TPO)
Bình luận (0)