Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ đang đến rất gần nhưng nhiều học sinh cuối cấp THPT vẫn thờ ơ với việc chọn nghề, chọn trường.
Nhiều học sinh thiếu thông tin về việc chọn trường, chọn nghề – Ảnh: Gia Bình |
Nỗi khổ chọn ngành nghề
"Mình chưa biết thi trường nào, ngành gì và cũng không biết mình thích làm nghề gì nữa", đó là câu trả lời của Lê Thanh Nam (trường THPT Nông Sơn, Quảng Nam) khi chúng tôi hỏi: Bạn định thi ngành nào? Nam nói thêm: "Ở đây, tụi mình đều là học trò miền núi nên rất khó tiếp cận với thông tin tuyển sinh, nghề nghiệp. Trên lớp học thì có một vài thầy cô giáo có định hướng nhưng không được cơ bản lắm nên tụi mình… mù tịt!".
Không chỉ học trò ở huyện miền núi mới mù mờ về việc định hướng nghề nghiệp, thi cử, chọn ngành mà ngay cả học trò ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cũng thế. "Mình rất thích học khối C nhưng lại thích làm các ngành nghề liên quan đến… kỹ thuật", Hồng Yến (học sinh trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ) nói. Ngay tại TP.HCM, những học sinh chúng tôi gặp ở trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức), THPT Lê Quý Đôn (Q.3), THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cũng không ngoại lệ. "Băn khoăn và lo lắng của tụi mình là đặt bút đăng ký dự thi. Tụi mình không biết nên thi theo ngành nghề mà ba mẹ nói là có triển vọng, có thể xin được việc hay ngành nghề mình thích", một bạn cho biết thế.
Bố mẹ của nhiều học sinh định hướng theo kiểu ép con cái phải thi vào ngành nghề mà các bậc phụ huynh cảm thấy "có triển vọng" nhưng lại không tìm hiểu con mình thích và có khả năng gì – đó là nỗi khổ mà không ít học trò than vãn. Quỳnh Anh (trường THPT Hùng Vương, Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết: "Mẹ mình cứ nằng nặc bảo mình thi vào ngành sư phạm nhưng mình lại thích học ngành báo chí. Mình đang cảm thấy stress với việc đấu tranh cho tương lai, nghề nghiệp của mình".
Nỗi khổ của học trò miền núi là thiếu thông tin, thiếu định hướng; còn học trò thành phố thì nhiều khi cha mẹ can thiệp quá sâu vào quyết định chọn nghề của con cái, gây áp lực cho các học sinh trước mùa thi.
Mong ước của học trò cuối cấp
Nói như một giãi bày, các học sinh ở huyện Nông Sơn và Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) mà chúng tôi có dịp trao đổi, đã bộc bạch: "Tụi mình nghe nói ở các tờ báo hoặc trên mạng internet đều có thông tin tuyển sinh nhưng nơi đây muốn tìm mua tờ báo cũng đỏ mắt. Còn vào mạng thì chậm quá, tụi mình là học trò nghèo, không phải lúc nào cũng có tiền trả cước internet". Mong ước của các bạn học sinh ở huyện miền núi Nông Sơn và Quế Sơn là: "Nhà trường và mỗi thầy cô giáo là kênh tư vấn, định hướng nghề nghiệp ngay khi tụi mình bước vào trường", Thế Hùng nói. Đó có lẽ là mong ước của rất nhiều học sinh miền núi trong tình trạng thiếu thông tin hiện nay.
Còn Ngô Minh Tâm, một học trò của trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) chia sẻ: "Mong những người thân đừng gây áp lực với mình trong việc chọn ngành nghề. Có những ngành nghề mình thích thì ba mẹ, anh chị lại bảo không có tương lai. Nhưng những nghề mà cả nhà mình cho là "hot" lại không hợp với năng lực của mình".
Cẩn trọng trước khi nộp hồ sơ
Chọn trường nào, ngành nào để nộp đơn dự thi tuyển sinh ĐH – CĐ trong năm 2009? Với một học sinh có định hướng nghề nghiệp tốt từ phía nhà trường, gia đình, sẽ không mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi này. Nhưng, thực tế chúng tôi cũng đã ghi nhận có không ít học sinh cuối cấp lập lờ, trả lời "ba phải" theo kiểu: thi trường nào cũng được, ngành gì cũng được, miễn là vào… ĐH – CĐ. Thật đáng lo cho những học sinh cuối cấp khi thời điểm đăng ký, dự thi gần kề mà các bạn lại chưa xác định rõ ngành học và trường mà mình sẽ thi. Trong khi đó việc định hướng, chọn ngành thể hiện quyết tâm của người đi thi, và đấy cũng là động lực để thi tốt.
Bạn thích sư phạm văn, và bạn mong muốn mình sẽ được học ở trường ĐH Sư phạm TP.HCM – thí dụ vậy, đó là định hướng của bạn. Và điều này sẽ trở thành "kim chỉ nam" để bạn phấn đấu, giúp bạn có quyết tâm cao nhất, rõ ràng nhất trong thực hiện dự định và ước mơ của mình. Đương nhiên, chính vì có "kim chỉ nam" cho hành động nên đương nhiên bạn sẽ có kế hoạch, có quyết tâm thực hiện. Và khi đó, kết quả công việc của bạn sẽ là cao nhất.Câu trả lời mang tính "ba phải" của các học sinh cuối cấp khi đứng trước lựa chọn ngành nghề dự thi và bước vào đời chắc chắn sẽ dẫn các bạn đến chỗ đặt bút đăng ký đại một ngành học, một trường thi nào đó. Khi ấy thi đại học đối với các bạn sẽ là… thi đại. "Thi đại" mà trúng tuyển, thì có thể qua 1-2 năm, bạn sẽ "ngộ" ra rằng mình không hề thích hợp với ngành học này. Khi đó, có thể các bạn sẽ chán nhưng vẫn phải học vì không dám thi lại, hoặc các bạn sẽ làm lại từ đầu. Và dù cách xử sự nào thì cũng làm cho bạn phải đau đầu khó xử và mất thời gian! Còn nếu "thi đại" mà trượt? Nguyên nhân – rất có thể là do bạn không lượng sức mình, không biết rõ về nó nên thất bại. Người xưa dùng binh "Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng". Thi cử cũng tương tự, nếu bạn biết rõ về ngành và trường mình sẽ thi thì đương nhiên bạn sẽ có cơ hội thắng cao hơn. Vì thế, hãy cẩn trọng trước khi nộp hồ sơ dự thi! Đỗ Kim Chung
|
Lưu Mạnh Khôi (TNO)
Bình luận (0)