Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Áp lực dễ gây bệnh tâm lý

Tạp Chí Giáo Dục

Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian chơi với con sẽ tránh được bệnh tâm lý cho trẻ

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh tâm lý ngày một gia tăng. Khoa Tâm lý trẻ em Bệnh viện (BV) Nhi đồng I và Nhi đồng II TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình mỗi năm, mỗi BV tiếp nhận từ 1.300 đến 1.500 bệnh nhi.
Ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh
Bệnh nhi Tường Lan (Q.Bình Thạnh) mặc dù đã 3 tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Lâu lâu mới bập bẹ một vài tiếng như: ba, bà… Còn bệnh nhi Tuấn Hưng – 6 tuổi ở Q.1 thì mắc bệnh đái dầm. Ban đêm, Hưng đái dầm đã đành nhưng ban ngày (cả những lúc học ở trường, hay vui chơi với các bạn…) bé cũng “tè” ra quần. Với cái tật này, Hưng đã bị bạn bè “tẩy chay” và cũng từ đó em trở nên trầm tính, đôi khi có những biểu hiện không bình thường. Theo các bác sĩ, cả hai bé đều mắc bệnh tâm lý, không biết nói và “tè” dầm là những biểu hiện rất thông thường của loại bệnh này. Được biết, khoảng 90% trẻ em bị bệnh tâm lý đều dưới 10 tuổi.
Nói về nguyên nhân, bác sĩ Lâm Xuân Điền – nguyên Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM cho biết: “Có 3 nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân sinh học, cụ thể là gen và di truyền. Một cặp song sinh, nếu người này mắc bệnh tâm lý thì khả năng người kia cũng mắc bệnh khoảng 30-40%. Nguyên nhân tổn thương não bộ, tức là do ảnh hưởng của các chất độc trong lúc người mẹ mang thai. Ví dụ, người mẹ phải làm việc trong môi trường độc hại, nước sinh hoạt bị nhiễm chất độc. Hoặc khi mới sinh, trẻ chẳng may bị tai nạn (té, va đập mạnh nơi vùng đầu…). Còn nguyên nhân xã hội, được coi là nguyên nhân chính. Những gia đình luôn bất hòa tình cảm, bất hòa kinh tế sẽ gây ra những ức chế tâm lý đối với trẻ. Ngoài gia đình, cách dạy học trong nhà trường cũng gây nên bệnh tâm lý ở trẻ em. Giáo viên bắt học sinh học quá nhiều, nhồi nhét quá nhiều kiến thức, đòi hỏi quá cao về thành tích của các em. Rồi những tệ nạn xã hội như bị lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục sẽ gây nên hoảng loạn tâm lý trẻ. Bệnh này sẽ gây rối loạn mọi sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của trẻ, làm gục ngã ý chí phấn đấu của các em. Nguy cơ mắc bệnh tâm thần ở những người mắc bệnh tâm lý rất cao…”.
Hãy cho trẻ tình thương
Để hạn chế căn bệnh này, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Trưởng khoa Tâm lý trẻ em – BV Nhi đồng I khuyến cáo: “Cha mẹ nên dành nhiều thời gian cho con, tối thiểu phải dành 1 giờ/ngày. Sự tương tác giữa cha mẹ và con cái thông qua các trò chơi, các cuộc trò chuyện sẽ kích thích sự phát triển của trẻ (đặc biệt là trẻ nhỏ). Ngay từ khi mang thai, người mẹ và cả người cha nên tập nói chuyện với thai nhi, khi trẻ được sinh ra thì càng phải nói chuyện và gần gũi với trẻ nhiều hơn. Cha mẹ cần biết lắng nghe và trả lời (vừa đủ để trẻ hiểu) những câu hỏi mà trẻ đưa ra. Tuyệt đối, không nên bắt trẻ phải sống xa mẹ…”.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể, người lớn không nên so sánh đứa trẻ này với đứa trẻ khác để rồi cho rằng đứa này kém hơn đứa kia. Trong một lớp học có tới 35-40 học sinh thì phải có em giỏi, em trung bình và em kém. Giáo viên không nên bằng mọi giá mà ép tất cả học sinh phải giỏi. Nhiều bệnh nhi khi đến khám bệnh đều cho biết đã ít nhất một lần bị ăn đòn. Dùng bạo lực để thúc đẩy trẻ phát triển sẽ có tác dụng ngược. Ở lứa tuổi từ 1-6 là tuổi chơi mà học, người lớn không nên bắt trẻ học quá nhiều mà phải giáo dục một cách nhẹ nhàng…
Các chuyên gia nghiên cứu giáo dục trẻ em đưa ra biểu đồ thức ăn dành cho trẻ em, gồm 4 loại thức ăn: Thức ăn càng nhiều càng tốt là tình yêu thương của người lớn (đặc biệt là cha mẹ) dành cho trẻ; thức ăn luôn luôn cần thiết là người lớn phải hiểu và thông cảm với trẻ; thức ăn phù hợp là sự dạy dỗ trẻ; thức ăn cần vừa đủ là năng lượng và các chất dinh dưỡng.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)