Có xã trên 100.000 người
Tại buổi làm việc với HĐND TPHCM về xây dựng nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2016, lãnh đạo huyện Bình Chánh cho biết, dân số tại địa phương quá đông do từ các địa phương khác chuyển đến nên mỗi năm tăng khoảng 30.000 người trong hơn 10 năm qua. Vì vậy, dân số hiện nay của huyện lên đến 630.000 người; trong đó, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có trên trên 100.000 người/xã. Điều này khiến việc quản lý, điều hành chịu áp lực rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng NTM. Đây cũng là 1 trong những lý do 2 xã này mới đạt 18/19 tiêu chí, trừ tiêu chí an ninh trật tự và hệ thống chính trị. Trong khi đó, xã Bình Hưng và thị trấn Tân Túc do đô thị hóa trước đó không thuộc diện xây dựng NTM, dân số cũng đông nhưng hiện nay nhiều chỉ tiêu và nội dung tương ứng bị tụt hậu so với các xã khác khi xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015.
Trồng rau VietGAP tại huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG
Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng cho biết, riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chiếm gần 50% dân số huyện, lại có 160 vựa thu gom ve chai nên việc đảm bảo môi trường ở đây không dễ dàng. Môi trường là tiêu chí yếu nhất khi xem xét, không chỉ do rác thải từ dân cư mà còn từ nơi sản xuất, chăn nuôi. Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường tuy có cải thiện nhưng chưa như mong muốn, nhất là các tuyến sông và kênh rạch chưa được khắc phục. Hiện nay, việc thu gom rác đã dần đi vào nền nếp khi chính quyền xã và Hội Phụ nữ đứng ra tổ chức, việc thu gom rác tại nhà dân dù đã được cải thiện khá nhiều nhưng vẫn còn không ít bất cập.
Là huyện có xuất phát điểm thấp khi xây dựng NTM như huyện Cần Giờ, nhưng trong khi Cần Giờ đất rộng, người thưa, diện tích khoảng 70.000ha, dân số chỉ khoảng 65.000 người, thì huyện Bình Chánh diện tích nhỏ hơn gần 2 lần nhưng dân số gần gấp 10 lần nên áp lực về mật độ dân cư và việc đô thị hóa nhanh khiến Bình Chánh bị tụt hậu lại phía sau so với 4 huyện khác khi xây dựng NTM do nhiều vướng mắc về quản lý.
Cũng do áp lực gia tăng dân số nên mặc dù các tiêu chí khác đều đạt nhưng chưa thật sự bền vững như tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người còn bấp bênh và nhất là vấn đề an ninh trật tự khi “chiếc áo” quản lý chính quyền kiểu huyện và xã không còn phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP, cho rằng đô thị hóa nhanh do dân số tăng, đất nông nghiệp của huyện Bình Chánh từ 16.000ha hiện nay sẽ giảm còn 8.000ha vào năm 2020, đặt ra nhiều vấn đề về quản lý. Mặc dù TP cũng đã tính đến việc chuyển đổi mô hình quản lý như cấp quận và phường nhưng trước khi có sự chuyển đổi chính thức thì sự quá tải này đang là “nút thắt” ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo 2016-2020.
Tại buổi làm việc với HĐND TP, lãnh đạo huyện đề nghị thí điểm cơ chế quản lý phường cho 8 xã có dân số đông để giảm bớt áp lực.
Cần ổn định sản xuất
Tại buổi triển khai xây dựng NTM năm 2017, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TPHCM, cho rằng những kết quả đạt được của huyện Bình Chánh thời gian qua là đáng ghi nhận, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội được xây dựng, tạo điều kiện phát triển sản xuất nên đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng lên một bước. Thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 40 triệu đồng/năm. Nhưng cũng phải nhìn nhận, kết quả này mới là bước đầu, chưa như kỳ vọng của TP. So với 4 huyện ngoại thành khác của TPHCM, Bình Chánh là huyện có nhiều thách thức từ áp lực về đô thị hóa và áp lực gia tăng dân số cơ học lớn.
Xuất phát điểm về hạ tầng kinh tế, xã hội thấp nên việc phục vụ sản xuất bị hạn chế; trong đó, hạn chế lớn nhất là hệ thống thủy lợi. Vì vậy, để triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, dù Bình Chánh đang trong quá trình đô thị hóa, tiến tới tổ chức mô hình cấp quận, nhưng phải có lộ trình và thời gian nhất định nên cần quan tâm đến việc quy hoạch; trong đó chú trọng đến việc ổn định sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp. Nếu không, việc khuyến khích, kêu gọi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ gặp khó khăn. Giai đoạn tới tiếp tục hoàn thiện nhằm phát huy tác dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng giai đoạn trước, cũng như đảm bảo sự đồng bộ cho giai đoạn sau, không chỉ là các công trình về giao thông, thủy lợi mà còn với công trình về giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa.
Việc phát triển sản xuất dựa trên 2 loại hình: Với các xã còn đất nông nghiệp, cần đảm bảo hạ tầng cho việc ứng dụng và phát triển sản xuất theo công nghệ cao. Với loại hình sản xuất phi nông nghiệp như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phải đảm bảo yếu tố môi trường. Tất cả nhằm từng bước nâng cao thu nhập lên mức 63 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2020 và giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/năm. Các thiết chế văn hóa cần được phát huy, tương xứng với quy mô đầu tư, tránh gây lãng phí. Việc xử lý vấn đề môi trường, nhất là nước thải và rác khu vực sản xuất, chăn nuôi cần tổ chức làm diểm từng ấp để mở rộng cho toàn xã, tiến tới khắc phục hoàn toàn vào năm 2020.
Tại hội nghị sơ kết chương trình xây dựng NTM và phát động phong trào thành phố chung sức xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020, tổ chức ngày 2-3-2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường phải có mô hình xử lý nước thải ở nhà dân nông thôn cũng như việc thu gom rác, không thể khoán trắng cho các đường dây thu gom rác dân lập khi mà mật độ dân số ngoại thành tăng nhanh. |
CÔNG PHIÊN (SGGP)
Bình luận (0)