Sĩ số lớp học tăng cao, tỷ lệ học 2 buổi/ngày giảm, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… ngày càng eo hẹp là những áp lực mà các trường tiểu học tại TP.HCM đang phải “oằn mình” trước ảnh hưởng của việc tăng số lượng học sinh.
Học sinh lớp lá tại TP.HCM chuẩn bị vào lớp 1. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tăng 27.000 học sinh
Một năm học nữa là đến thời điểm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó phấn đấu tăng dần tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày. Nhưng lúc này, hầu hết những người chịu trách nhiệm quản lý giáo dục ở 24 quận huyện của TP.HCM đều cho rằng, đó là mục tiêu có phần “xa xỉ” bởi trước mắt còn phải lo đủ chỗ học, dù chỉ một buổi.
Năm nay TP.HCM tăng 67.234 HS, trong đó bậc tiểu học dẫn đầu với xấp xỉ 27.000. Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở, cho hay số HS tăng nhiều tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Theo thống kê, bình quân mỗi năm TP tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu.
Với 27.000 HS tăng thêm, tính ra TP cần có thêm khoảng 770 phòng học mới. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho hay dự kiến số phòng học mới đưa vào sử dụng ngày 5.9.2018 là 882 phòng, trong đó bậc tiểu học 369 phòng. Thế nhưng thực tế trong số phòng của bậc tiểu học chỉ có 269 phòng mới hoàn toàn, còn lại 100 phòng là xây dựng, sửa chữa thay thế. Như vậy, số phòng học mới chỉ đáp ứng 1/3 so với nhu cầu của số lượng HS gia tăng.
Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết áp lực này làm gia tăng sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn của bậc tiểu học, HS tham gia học 2 buổi/ngày giảm, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số HS dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế. Điều này làm tăng nguồn chi ngân sách TP.
Nhiều trường không đủ khả năng tiếp nhận
Trao đổi với lãnh đạo các phòng giáo dục, phóng viên còn nhận thêm nhiều thông tin về việc khó khăn, áp lực trường lớp. “Số phòng học mới đáp ứng 1/3 nhu cầu do tăng 27.000 HS là tỷ lệ chung của toàn TP. Nếu được như vậy cũng là điều may mắn vì có những nơi tăng hàng ngàn HS lớp 1 nhưng chẳng có lấy một phòng học mới nào hoặc nếu có thì chả đáng bao nhiêu”, lãnh đạo của một quận gặp áp lực về tăng dân số than thở.
Chẳng hạn, theo thống kê của Q.Bình Tân, năm học 2018 – 2019 số HS lớp 1 vào khoảng 14.000, tăng 5.866 HS tương ứng với việc cần 84 phòng học một buổi hoặc 168 phòng học 2 buổi. Trong khi đó, quận này chỉ tăng 11 phòng học tại Trường tiểu học Ngô Quyền. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD, cho biết để đảm bảo 100% HS có chỗ học, không chỉ giảm tỷ lệ học 2 buổi, bán trú mà dự kiến sĩ số lớp 1 trung bình toàn quận sẽ là 46 HS/lớp (tăng 2,6 HS/lớp).
Đặc biệt có những trường sĩ số sẽ rất cao, hơn 50 HS/lớp như tiểu học An Lạc 1, Lê Công Phép, Bình Trị 1, Bình Trị 2, Bình Long, Bình Tân. Thêm vào đó, hiện tại có 3 phường trong quận gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học do quy mô không đủ khả năng tiếp nhận. Cụ thể, P.Bình Trị Đông A có 1.190 trẻ đến tuổi vào lớp 1 nhưng khả năng tiếp nhận của trường tiểu học trong phường là 307 HS. Do vậy, ban tuyển sinh quận buộc phải sắp xếp HS vào học những trường lân cận có cự ly đến trường trên 4 km…
Tương tự, ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, cho biết dù tăng khoảng 2.000 HS tiểu học nhưng quận không có thêm phòng học mới. Điều này dẫn đến sĩ số trung bình sẽ là 50 HS/lớp, trong khi điều lệ trường tiểu học quy định là 35 HS/lớp. Thêm vào đó, các trường sẽ giảm tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày.
Q.Gò Vấp tăng 1.400 HS nhưng số phòng học không thay đổi. Vì thế, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng GD, cho biết sẽ giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày và phải sử dụng các phòng chức năng cho việc dạy học. Để làm được việc này, phòng GD phải tính toán và hướng dẫn các trường sắp xếp thời khóa biểu một cách linh động, khai thác hết công suất sao cho không bỏ trống bất cứ phòng học nào.
Bích Thanh/TNO
Bình luận (0)