Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Áp lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Các em HS xem lại đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Ảnh: Anh Khôi

Thời gian qua, chúng ta đã đề cập nhiều yếu kém của giáo dục Việt Nam, từ nội dung chương trình nặng, dàn trải, trùng lặp đến phương pháp giảng dạy thụ động, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của người học…
Từ những bất cập trên, người gánh chịu hậu quả cuối cùng, không ai khác hơn, chính là học sinh (HS). Và từ đây, biết bao câu chuyện đáng báo động về tương lai của những HS là nạn nhân của áp lực học đường đã được gióng lên.
Những câu chuyện đau lòng
Nói đến hậu quả của áp lực học đường, chúng ta đã từng nghe những câu chuyện vừa bi hài vừa đau thương mà HS phải gánh chịu. Một câu chuyện rất “điển hình” cho việc “điên vì học”. Đó là trường hợp của một em HS thi rớt ĐH. Ban đầu em ngại tiếp xúc với mọi người, chỉ ngồi trong nhà. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị suy nhược thần kinh và cho uống rất nhiều thuốc. Nhưng càng uống, bệnh tình càng nặng. Đến khi em được đưa vào bệnh viện tâm thần thì mọi chuyện đã quá muộn. Bây giờ, ngồi nói chuyện với ai, em cũng nói mình học kế toán, rồi học sư phạm, sau đó chuyển sang thi ĐH y…
Trường hợp đau lòng nhất là khi không thể chịu nổi áp lực học tập quá lớn, nhiều em dại dột tìm đến cái chết. Những vụ tự tử gây xôn xao dư luận của một số HS thời gian qua hầu hết đều có liên quan đến gia đình và nhà trường. Nhiều em hủy hoại cuộc sống của mình chỉ đơn giản vì bị điểm kém, bị thầy cô la mắng, không đậu ĐH, không trúng tuyển vào trường chuyên, lớp chọn. Các em suy nghĩ tiêu cực rằng, mình là kẻ thất bại thảm hại, không làm được gì, không xứng đáng với niềm tin của cha mẹ, vậy thì sống làm gì, thà chết đi còn hơn. Những lý do tưởng chừng như ngớ ngẩn ấy lại là áp lực rất lớn đối với các em HS vốn đã không vững vàng về mặt tâm lý.
Đặc điểm chung của những em này là rất sợ hãi mỗi khi nghe nhắc đến việc học, làm bài tập, bài thi. Không ức chế, căng thẳng, mệt mỏi sao được khi thời khóa biểu mà đa số các em phải duy trì là: 7 giờ đến 17 giờ học tại trường, 17 giờ 30 đến 21 giờ học thêm các môn tại nhà thầy cô, sau 22 giờ lại phải ngồi vào bàn tự học, làm bài tập… Thử hỏi với tần suất học như trên, HS lấy đâu thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cũng như tham gia các hoạt động khác?  
Nguyên nhân

Chương trình học nặng, căng thẳng dễ khiến học sinh bị kích động, phản ứng chống đối thầy cô.  Ảnh: ANH KHÔI

Dưới góc độ nhà trường, chúng ta dễ dàng nhận ra chương trình học quá nặng, nhồi nhét kiến thức, khai thác năng lực ghi nhớ hơn là sáng tạo. Mặc dù khoa học đã chứng minh trí não con người có thể nhớ lâu và dễ ghi nhớ nếu được tự mình hiểu rõ, được thực hành, nhưng cách dạy học phổ biến hiện nay là HS phải chấp nhận kiến thức sẵn có và học thuộc lòng.
Chương trình học căng thẳng dễ khiến HS bị kích động, phản ứng chống đối thầy cô. Nhiều HS cho rằng các em có nhiều bài học khó, bài tập về nhà, thầy cô giảng khó hiểu, ghi chép nhiều trong giờ học… Từ những khó khăn trên, kết hợp với những yêu cầu, đòi hỏi của cha mẹ, của trường lớp dễ làm HS trở nên mệt mỏi, xuất hiện tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Một yếu tố khác cũng góp phần làm tăng áp lực cho HS, chính là cách kiểm tra, đánh giá thông qua điểm số. Hiện nay, cách đánh giá năng lực học tập của HS đều dựa vào điểm số từ những bài kiểm tra, bài thi học kỳ. Điều này đã hình thành ở HS ý nghĩ tiêu cực “muốn chứng tỏ mình học giỏi là phải đạt điểm càng cao càng tốt”, đó cũng là nhiệm vụ duy nhất của các em khi ngồi trên ghế nhà trường. Với cách đánh giá này, vô tình một số em trở nên “cuồng” điểm số thái quá, coi đó là mục đích mà quên mất học tập không đơn thuần là giành điểm cao mà còn là con đường đến với tri thức đích thực. Mang nặng tâm lý phải được điểm cao, phải đạt HS khá, giỏi, nhiều em mệt mỏi, stress. Như vậy, điểm số đã biến tướng từ động lực trở thành áp lực, khiến việc học tập không còn là niềm vui mà chỉ là những cuộc đua tranh điểm số.
Tuy nhiên, các em HS còn một áp lực khác cũng nặng nề không kém, đó chính là gia đình. Cha mẹ nào cũng mong con mình đạt kết quả học tập loại giỏi, xuất sắc để rạng rỡ với bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng… Chính kỳ vọng của cha mẹ không tính đến khả năng tiếp thu của con cái khiến nhiều em không đáp ứng được yêu cầu và xuất hiện trạng thái tâm lý căng thẳng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chán học, trốn học, bỏ nhà đi chơi.
Rất nhiều phụ huynh mong muốn con em mình phải đạt HS giỏi, xuất sắc, rất ít cha mẹ đặt ra yêu cầu con mình chỉ cần đạt HS trung bình hay lên lớp là được. Tuy nhiên thực tế cho thấy có một khoảng cách nhất định khi so sánh giữa mong muốn của cha mẹ và kết quả học tập của các em.
Yêu cầu của cha mẹ có thể là động lực thúc đẩy các em cố gắng trong học tập nếu điều đó phù hợp với khả năng của các em. Ngược lại, nếu vượt quá khả năng có thể sẽ làm các em lo lắng, sợ học, chán học. Chính sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ khiến nhiều HS phải giấu giếm điểm số. Đây cũng chính là bước khởi đầu cho những hành vi gian dối về sau. Do không chia sẻ được với cha mẹ kết quả học tập nên gia đình không thể biết được để giúp đỡ con cái, dẫn tới tình trạng nhiều em học sút kém rồi chán học, bỏ học…
Nhiều bậc phụ huynh biết rất rõ mình đang tạo áp lực cho con nhưng họ vẫn cho rằng không thể làm khác được vì sợ con thiệt thòi, thua kém bạn bè. Để khắc phục tình trạng trên, trước khi kêu gọi những thay đổi từ phía nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, cách kiểm tra, đánh giá của nhà trường thì hơn ai hết, các bậc phụ huynh phải thay đổi quan niệm, nhận thức về vấn đề này. Phụ huynh nên hiểu rằng con cái cần một gia đình ấm áp tràn đầy tình thương yêu, cần một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng, cần được chăm sóc sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần phù hợp với lứa tuổi. Cha mẹ đừng quá kỳ vọng vào con mình mà trở thành hoang tưởng, đừng nghĩ con sẽ trở thành thiên tài nếu vào học trường chuyên lớp chọn, nếu được nhồi nhét kiến thức ngày đêm. Làm như vậy là cha mẹ đang hại con mình. Hãy học làm người bình thường trước khi học làm vĩ nhân.
Khải Trọng
Kết quả học tốt của con em có được từ việc chúng ta biết cách đảm bảo cho HS sự thanh thản, hứng thú trong học tập. Gây sức ép, bắt các em quá tải liên tục sẽ chỉ có hại. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)