Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Áp lực lạm phát đã xuất hiện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải mới đây đã có cảnh báo áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn khi giá cả nguyên liệu thế giới vẫn tiếp tục tăng cao.

Giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao

Thực tế không cần chờ đến năm sau, từ sau hơn 1 tháng nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, giá cả nhiều hàng hóa đã luôn “neo” mức cao. Nhiều thực phẩm tươi sống như rau củ, thịt, sữa, gạo, dầu ăn… đã tăng từ 10 – 30% so với giá trước đợt dịch thứ 4 bùng phát, do chi phí đầu vào tăng. Tất nhiên, vật giá tăng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân và năng lực cạnh tranh những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN mà còn đẩy nền kinh tế đứng trước áp lực lạm phát.

Áp lực lạm phát đã xuất hiện  - ảnh 1

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng sau dịch. KHẢ HÒA

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế ((Đại học Kinh tế quốc dân)), cho rằng lạm phát chỉ xảy ra do chính sách tài khóa và tiền tệ được nới lỏng. Bên cạnh đó, tác động của giá năng lượng, khí đốt và dầu tăng quá nhanh, đặc biệt nguồn cung bị đứt gãy một thời gian khiến lưu thông hàng hóa bị hạn chế cũng áp lực tăng giá hàng hóa. “Thế nên không đợi đến sang năm 2022, nguy cơ lạm phát cuối năm nay kéo dài sang năm sau từ các tác động liên quan giá đầu vào từ trong nước và quốc tế khá lớn. Bên cạnh đó, mặc dù hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) sau nhiều tháng đứt gãy đã trở về trạng thái bình thường mới, song quan sát cho thấy sự phục hồi của DN diễn ra khá chậm nên cũng sẽ làm giảm tổng cung”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của VN trong thời gian tới. Thế nên, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng. Về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu để giảm nguy cơ lạm phát do tác động từ bên ngoài”.

PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính

PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) lại cho rằng lạm phát chỉ mới là cảnh báo, không phải là câu chuyện trong ngắn hạn bởi tổng cầu trong năm nay vẫn rất thấp, những chi tiêu như du lịch hầu như không có, chi tiêu dùng giảm… Tuy nhiên, ông Cường cũng khuyến cáo lạm phát vì giá dầu, nguyên phụ liệu từ bên ngoài tăng do phụ thuộc nhập khẩu là có. Ở trong nước, lo ngại nhất là từ lưu thông hàng hóa bị đứt gãy, đẩy chi phí tăng. Đến nay, lưu thông hàng hóa đã ổn định trở lại, song chi phí xét nghiệm cho lực lượng lao động, giao thông vận tải tăng, tiếp tục gây áp lực cho DN, đẩy giá thành sản phẩm khó giảm từ nay đến cuối năm. Đặc biệt, theo ông Cường, chi phí logistics trong thời gian qua tăng rất nhanh, chiếm 22 – 24% trong tổng giá thành cuối cùng của hàng hóa. “Chi phí chiếm 1/4 giá thành sản phẩm là rất lớn và hiện vẫn đang có nguy cơ tăng nếu chính sách điều hành không nhất quán. Các địa phương bị bùng phát dịch lại có thể tiếp tục phong tỏa, gây đứt gãy chuỗi cung ứng… Thế nên lạm phát năm nay có thể chưa xảy ra, nhưng rủi ro từ logistics gây lạm phát là rất lớn. Trong thực tế, mấy ngày qua đã có tình trạng giá cả “tát nước theo mưa”, sau giá xăng dầu, gas được điều chỉnh tăng theo giá thế giới”, ông Cường khuyến cáo và cảnh báo tình trạng thiếu hụt lao động đẩy giá lao động tăng cũng là một yếu tố gây nên lạm phát.

Khôi phục cao nhất các hoạt động kinh tế

Tuy cho rằng lạm phát có thể chưa “đụng” đến nền kinh tế VN trong năm nay, song các chuyên gia đồng ý với cảnh báo của Bộ Công thương rằng trong năm tới, nguy cơ lạm phát dễ xảy ra.

Để kiểm soát lạm phát, Bộ Công thương cho biết ngoài việc theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả thế giới để đánh giá nguy cơ gây lạm phát của VN, các cơ quan quản lý đang nỗ lực đàm phán với các quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào nhằm đảm bảo nguyên liệu thô cho sản xuất trong nước; hỗ trợ DN ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn để đảm bảo giá thành sản xuất không bị tăng vọt trước đà tăng của giá thế giới…

Thế nên không đợi đến sang năm 2022, nguy cơ lạm phát cuối năm nay kéo dài sang năm sau từ các tác động liên quan giá đầu vào từ trong nước và quốc tế khá lớn

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân)

Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, ở cấp vĩ mô, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, nhanh chóng khôi phục, nối lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện tại, cầu trong nước có thể yếu, song lạm phát nhập khẩu và lạm phát tiền tệ do nới lỏng tài khóa và tiền tệ lại rất lớn. Thế nên cần đẩy nhanh và tối đa hóa tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tạo trạng thái bình thường mới, để dòng luân chuyển hàng – tiền trở lại bình thường. Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong áp dụng biện pháp, khôi phục cao nhất các hoạt động kinh tế. Đó là thúc đẩy đầu tư công và tư nhân, đầu tư ra nước ngoài để phân tán rủi ro và tìm cơ hội mới. Ngoài ra nên có thêm giải pháp huy động tiền lưu thông phù hợp, giảm thiểu các giao dịch tiền mặt trực tiếp, tiết kiệm chi tiêu. Ông Lạng nhấn mạnh: “Thực tế sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại, việc bùng phát dịch vẫn xảy ra đâu đó. Song, chúng ta đã có kinh nghiệm từ đợt chống dịch trước, nên tuyệt đối không để tình trạng “bế quan tỏa cảng” tại một vài địa phương một lần nữa tái xuất hiện. Bởi về lâu dài là phải ổn định kinh tế vĩ mô lấy lại đà tăng trưởng cần thiết. Song song đó, khuyến khích DN phục hồi, khởi nghiệp, tiếp tục tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và xuất khẩu để năng động hóa kinh tế, chuẩn bị cho giai đoạn tới. Cần có giải pháp kiểm soát dịch bệnh nhanh và hiệu quả hơn”.

Ông Vũ Sỹ Cường cho rằng cần theo dõi và điều chỉnh nguồn cung tiền thận trọng hơn. Theo ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm khoảng 4% là khả thi, bơm tiền vào giúp chi tiêu tăng tuy kích cầu tốt nhưng nếu không sử dụng tốt thì lạm phát sẽ tăng. Giải pháp trước mắt là theo dõi sát tình hình biến động giá cả thế giới để có quyết sách kịp thời. Trong sản xuất, do phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài nên không thể thay đổi ngay một sớm một chiều được. Tuy nhiên, vẫn nên khuyến khích và tạo điều kiện để DN giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát.

Theo Nguyên Nga/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)