Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp có khoảng 40% HS nhập cư
|
Nhập cư, nên nhiều ông bố, bà mẹ mải lo kiếm miếng cơm, manh áo mà bỏ mặc con cho nhà trường.
Cô Tôn Nữ Phương Thắm – Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp cho biết: “Thi học kỳ, thậm chí là thi cuối học kỳ 2 của lớp 5 mà phụ huynh (PH) cũng không đưa học sinh (HS) đi thi. Thế là giáo viên phải chạy tới nhà các em, đưa các em tới trường để dự thi”. Cô Thắm cũng thừa nhận là tỷ lệ HS nhập cư (diện tạm trú dài hạn (KT3) và tạm trú) của trường chiếm khoảng 40%…
Những PH “hai không”
Nhiều PH nhập cư có chung đặc điểm, đó là “hai không”: không hộ khẩu, không nhà. Thậm chí có không ít PH “ba không”: không hộ khẩu, không nhà và không việc làm ổn định.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ nhiệm lớp 1/3 Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “PH ở nhà trọ, vì vậy chỗ ở không ổn định. Mức thu nhập cũng không ổn định do nghề nghiệp của họ chủ yếu là thợ hồ, buôn bán nhỏ, giúp việc gia đình (osin). Đã vậy, những PH này lại sinh nhiều con, gia đình nào cũng có tới 3-4 đứa con. Chính vì lẽ đó mà họ không thể quan tâm đến chuyện học của con cái. Giáo viên trao đổi thì PH trả lời, trước hết phải lo kiếm cơm bỏ bụng, bụng no thì mới lo tới việc học…”.
Có lẽ vì vậy mà đầu năm học này, một HS của lớp 1/1 Trường Tiểu học Kim Đồng đã không có tập để viết bài. Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm đã trích một phần lương ít ỏi của mình mua tập, bút tặng em. Thế nhưng ngày hôm sau vào lớp, cô giáo không thấy em viết bài. Cô hỏi tại sao thì em này trả lời là không có tập. Cô giáo lại hỏi, tập hôm qua cô tặng em đâu. Em này vô tư trả lời: bố bảo để tập ở nhà, tới lớp cô giáo cho tập mới…
Một trường hợp khác, học kém và hay quậy. “Sau năm lần bảy lượt, tôi mời PH tới trường, PH mới tới. Tôi đề nghị PH phối hợp với nhà trường để giáo dục HS thì bà mẹ nói: “Thôi cô giáo cứ cho cháu ở lại lớp một năm nữa”…”, cô Trần Thị Tuyết Mai, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng kể lại.
Những ông bố, bà mẹ như thế này không phải là cá biệt và cũng không phải chỉ có ở Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp mà ở nhiều quận, huyện khác cũng có. Như trường hợp chị Quyên – PHHS Trường Tiểu học Nguyễn Văn Triết, Q.Thủ Đức. Chị Quyên kể: “Hai vợ chồng đều là công nhân Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, thường xuyên phải tăng ca thì mới đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy ít có thời gian quan tâm đến chuyện học của con, thường là cứ khoán trắng cho thầy, cô. Ở trường, cháu học được chữ nào thì học”.
Thường xuyên nợ tiền trường, tiền ăn
Không chỉ thờ ơ, thiếu quan tâm với chuyện học hành của con ở trường, nhiều PH còn nợ tiền của nhà trường. Khoản tiền mà PH nợ nhiều nhất chính là tiền ăn bán trú của HS.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như trường nào tổ chức bán trú cũng bị PH nợ tiền ăn của HS. Và đây là khoản nợ khó đòi, nhiều trường hợp nhà trường phải xóa nợ vô điều kiện…
Cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 cho biết: “Những HS từ các tỉnh thành khác vào thành phố sống với ông bà hay bà con họ hàng, hoặc theo cha mẹ vào thành phố làm ăn, phần lớn những HS này thuộc diện nghèo, khó khăn. Và chính cái nghèo, cái khó đó đã dẫn đến một số HS nợ tiền ăn bán trú. Có HS ăn trưa tại trường cả năm học mà không đóng tiền được tháng nào…”.
Tình trạng này cũng xảy ra ở Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1… Theo quy định thì tiền ăn phải đóng đầu tháng, thế nhưng nhiều HS ăn hết tháng rồi PH mới thanh toán tiền cho nhà trường. Có những trường hợp ăn 2-3 tháng, hay một học kỳ rồi PH mới chịu đóng tiền.
Trường Tiểu học Kim Đồng, Q.Gò Vấp vừa tổ chức bán trú vừa dạy một buổi. Theo đó những HS thuộc diện khó khăn phần đông là đăng ký học một buổi để bớt gánh nặng tiền bạc của PH. Song cũng có không ít PH dù không đủ khả năng tài chính mà vẫn đăng ký cho con học bán trú… “Học gần hết một học kỳ mà PH vẫn không đóng tiền ăn, tiền bán trú. Giáo viên gọi điện thoại thì PH không bắt máy, gửi thư mời lên trường thì PH nhắn lại là không có thời gian. Đến khi giáo viên tới nhà tìm thì gia đình đã chuyển đi nơi khác”, cô Tuyết Mai bức xúc.
Chưa hết, khá nhiều PH nhập cư còn “làm khổ” nhà trường bằng cách chây lì việc nộp hồ sơ nhập học vào lớp 1 cho con theo đúng thời hạn quy định. Cũng có những trường hợp cho con học được một học kỳ, một năm thì xin chuyển về quê, chuyển về quê được vài tháng lại xin chuyển lên…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)