Hàng chục ngàn học sinh nhập cư “đổ bộ” vào TP đã ít nhiều kéo giảm sự phát triển của GD-ĐT TP.HCM. Cứ vào mỗi đầu năm học mới, cái điệp khúc “thiếu trường, thiếu giáo viên” lại được dư luận phản ánh…
Trưởng phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp Đặng Thanh Tuấn báo cáo: “So với định biên thì ngành GD-ĐT Gò Vấp còn thiếu 1.161 giáo viên (GV)”. Khi nghe điều này, đại biểu HĐND TP Võ Văn Sen bức xúc: “GV là cái khung của bộ máy mà còn thiếu thì khó bàn đến chất lượng”. Sự bức xúc của các đại biểu HĐND không phải là không có lý nhưng nếu cứ đổ hết lên đầu ngành GD-ĐT thì thật là vô lý…
Đầu tư bao nhiêu cho đủ?
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngân sách chi thường xuyên cho GD năm 2010 là 3.712,955 tỷ đồng, năm 2011 đã tăng lên 5.274,762 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm, thành phố cũng chi khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng trường học. Cụ thể, năm 2010 là 2.465 tỷ đồng, sáu tháng đầu năm 2011 là 1.030 tỷ đồng. Tương đương với số phòng học được đưa vào sử dụng là 2.276 phòng (năm 2010) và 1.095 phòng (sáu tháng đầu năm 2011)…
Với trên hai ngàn phòng học mới được đưa vào sử dụng/năm học, nếu không phải gánh học sinh (HS) nhập cư thì TP.HCM không đến nỗi quá tải như hiện nay. Và chắc chắn, tất cả HS của thành phố đều được học 2 buổi/ngày, sĩ số HS/lớp đều đạt chuẩn. Theo đó, trong Hội nghị tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012 do Sở GD-ĐT TP tổ chức vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã không phải chê: “Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của TP.HCM còn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, sĩ số HS/lớp ở tiểu học không quá 35 em, ở trung học không quá 45 em. Như vậy, mỗi năm chỉ riêng HS nhập cư (30-35 ngàn HS), TP.HCM đã phải xây thêm gần một ngàn phòng học. Điều đó cũng có nghĩa, gần 50% ngân sách của thành phố chi xây dựng trường học phải dành cho HS của các tỉnh, thành khác chứ không phải HS thành phố.
Hiện nay tất cả các lớp học trên địa bàn TP.HCM đều có GV đứng lớp. Tuy vậy, không quận, huyện nào dám khẳng định là ngành GD-ĐT địa phương đã đủ GV. Không chỉ Q.Gò Vấp mà ngay cả các quận trung tâm như Q.1, Q.3, Q.5 cũng thiếu GV. Nếu tính đúng, tính đủ thì trung bình mỗi quận, huyện còn thiếu từ vài trăm đến một ngàn GV. Trong trường hợp không có quá đông HS nhập cư như hiện nay thì với số lượng trên bốn ngàn GV mới được tuyển dụng/năm học, ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ đủ GV theo định biên.
Đừng để ngành GD “gánh” một mình
Ngân sách đầu tư cho GD hàng năm đều tăng, định mức/HS từ 2,4 triệu – 5,4 triệu đồng/HS (tùy từng cấp học) năm 2010 đã tăng lên từ 2,7 triệu – 6,2 triệu đồng/HS năm 2011. Điều đó chứng tỏ UBND TP rất quan tâm đến GD. Tuy nhiên, nếu chỉ quan tâm bằng cách “chi tiền” thì vẫn chưa đủ. Bởi, cái gốc dẫn đến sự phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố ở ngành GD-ĐT là do HS tăng cơ học. Chính vì vậy, một mặt thành phố phải có giải pháp hạn chế HS nhập cư. Mặt khác, phải dự báo được mức độ tăng dân số để xây dựng trường lớp. Đây là nhiệm vụ của nhiều ban, ngành chứ không phải riêng ngành GD-ĐT.
Như chúng ta đều biết, TP.HCM đã phổ cập tiểu học, phổ cập trung học (THCS và THPT). Theo đó, mọi trẻ em trong độ tuổi dù là thường trú hay tạm trú đều phải được đến trường. Các trường học trên địa bàn thành phố không có lý do gì để nói “không” với trẻ nhập cư. Như ông Đặng Thanh Tuấn đã nói: “Nếu ngành GD-ĐT cứng nhắc thì HS sẽ thất học”. Còn thầy Nguyễn Minh Sang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Thọ, Q.12 lại lo sợ: “Không cho trẻ tạm trú KT3 học thì các em phải đi bán vé số”…
Điều này cho thấy nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ về chế độ nhập cư sẽ đưa đến tình trạng phát triển mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, có ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục.
Về vấn đề xây dựng trường lớp, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết: Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp của các quận, huyện đã hoàn thành. Song việc khởi công xây dựng còn gặp khó khăn do vướng giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng. Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, Q.12 đã hơn 10 năm vẫn không giải phóng được mặt bằng để tiến hành xây dựng. Bao nhiêu năm qua, thầy và trò phải dạy và học trong điều kiện trường không ra trường, lớp không ra lớp…
Tại Hội nghị chuyên đề Kế hoạch năm học 2011-2012, đại biểu Võ Văn Sen đã đề nghị Sở GD-ĐT cần liệt kê được những khó khăn của ngành báo cáo HĐND để tháo gỡ. Liệu HĐND có tháo gỡ không khi mà những khó khăn của ngành GD-ĐT TP đã quá rõ ràng?
Hòa Triều
Bình luận (0)