Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Áp lực nguồn cung

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu so sánh với quá khứ, mức P/E (hệ số giữa giá giao dịch của một cổ phiếu với lợi nhuận mà cổ phiếu đó đem lại) hiện tại của thị trường tương đương thời điểm tháng 2/2009, tức lúc thị trường chỉ khoảng 234 điểm. Như vậy, so với các thị trường chứng khoán (TTCK) khác trong khu vực, thị trường Việt Nam hiện đang ở mức tương đối hấp dẫn.

Thế nhưng, với chính sách tiền tệ thắt chặt, dòng tiền khó có sự chuyển biến tích cực và cơ hội tăng trưởng đối với TTCK sẽ khó khăn hơn. Do nợ ngân hàng nhiều mà dự án chưa thu được tiền gốc, nhiều doanh nghiệp (DN) phải xoay xở vốn bằng niêm yết hoặc phát hành thêm cổ phiếu, dù TTCK đang èo uột.

Dù TTCK giảm sâu nhưng nhiều DN vẫn niêm yết để tìm vốn – Ảnh: QUÝ HÒA

Điều này giải thích vì sao TTCK dù khá ảm đạm nhưng hoạt động niêm yết mới của các DN vẫn diễn ra. Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2010, số DN niêm yết mới trên sàn HSX là 7 DN với 115,4 triệu cổ phần – bằng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Trên sàn HNX, số lượng cổ phần niêm yết mới đạt 143,5 triệu – bằng 72% so với cùng kỳ năm trước. Những diễn biến trên cho thấy nguồn cung cổ phiếu sẽ còn là một áp lực lớn đối với thị trường trong thời gian tới.
Ngoài ra, thống kê nợ/vốn chủ sở hữu (VCSH) của các DN niêm yết (ngoại trừ ngân hàng – NH) năm 2010 khoảng 1,03 lần – thấp hơn so với con số năm 2009 là 1,12 lần.
Tuy nhiên, nếu so với các năm 2007, 2008 lần lượt khoảng 0,69 lần và 0,85 lần – thì tỷ lệ nợ/VCSH vẫn còn khá cao. Sự tăng cao trong việc sử dụng nợ vay sẽ là một khó khăn cho các DN trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh chi phí lãi vay hiện đang tăng cao, xu hướng phát hành cổ phiếu cho cổ đông sẽ là biện pháp được các DN tiếp tục thực hiện trong năm 2011.
“Cơn ác mộng” hứa hẹn tiếp tục kéo dài bởi áp lực tăng vốn của các NH trong năm 2011 vẫn còn đó. Bởi vì, cuối năm 2010, Chính phủ đã cho phép gia hạn thêm 1 năm đối với việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng của cho các NH thương mại đến cuối năm 2011.
Nhưng theo thống kê, đến cuối năm 2010, số lượng NH chưa tăng vốn vẫn còn khá lớn, là 16 NH. Trước những khó khăn của nền kinh tế, TTCK kém sôi động, việc tăng vốn này sẽ là một trở ngại cho các NH và cho cả thị trường.
Ngoài ra, theo Nghị định 141, các NH sẽ hoàn thành việc tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào 2015 sẽ là một áp lực cho thị trường trong trung và dài hạn.
Trên thực tế năm 2010, dù kế hoạch niêm yết lần đầu (IPO) được tiến hành đối với một số DN nhà nước lớn như BIDV, MobiFone, Viettel, Agribank,… nhưng chỉ có 94,75 triệu cổ phiếu của PVGas được IPO và kết quả thu được là 60,97 triệu được chào mua với giá 31.000 VND/CP.
Từ đó, năm 2011, kế hoạch IPO các DN nhà nước tiếp tục diễn ra, như Petrolimex có kế hoạch bán 5 – 7% cổ phần cho cán bộ –công nhân viên và sau đó tiến hành chọn nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, MobiFone dự kiến cổ phần hóa từ năm 2007 nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa được tiến hành.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines dù được chấp thuận chào bán 20 – 30% cổ phần thông qua IPO, trong đó bán cho cổ đông nước ngoài từ 10 – 20% từ năm 2008, nhưng cho đến nay, DN này vẫn chưa được cổ phần. Ngoài ra, còn phải kể đến hoạt động cổ phần hóa các doanh nghiệp khác như Tổng công ty Thép, các DN thuộc Tập đoàn Sông Đà…
Không chỉ vậy, làn sóng thoái vốn của các DN nhà nước cũng đang diễn ra mạnh mẽ và điển hình là PVN khi tập đoàn và các tổng công ty trực thuộc đã bán khá nhiều nguồn vốn tại các công ty con thông qua sàn hoặc thỏa thuận.
Trong khi đó Bộ Tài chính đưa ra nhiều quy định mới, như: các DN phụ thuộc công ty mẹ không được mua vốn cổ phần các đơn vị cùng tập đoàn, hay công ty phải sử dụng 70% vốn để đầu tư cho hoạt động kinh doanh chính.
Đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực, NH, tài chính bảo hiểm, mức đầu tư không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con không được vượt quá 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, đồng thời mỗi DN chỉ được đầu tư một ngành…
Những quy định này sẽ là áp lực lớn cho việc thoái vốn tại các DN trong năm 2011 khi kế hoạch thoái vốn tại PVN và một số DN khác như Vinaconex, VCB,… vẫn tiếp tục được thực hiện.
Ngoài hoạt động thoái vốn tại các công ty nhà nước, năm 2011, Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng có kế hoạch bán vốn nhà nước tại 281 công ty, trong đó bán hết vốn tại 170 DN và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như xây dựng, giao thông và sản xuất công nghiệp…
TRẦN VIỆT HÙNG / DNSG

 

Bình luận (0)