Theo đánh giá, hiện nay giáo viên chịu nhiều áp lực với vô số những công việc không tên (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Lâu nay xã hội lên tiếng về sự quá tải ở chương trình học của học sinh (HS) mà không thấy rằng khi HS bị quá tải trong việc học thì giáo viên (GV) cũng bị quá tải trong việc dạy.
Bởi lẽ, lượng kiến thức HS học nhiều thì lượng kiến thức GV phải tìm hiểu và dạy cũng nhiều hơn. Và thời gian HS học nhiều thì thời gian GV cũng dạy nhiều. Trong khi đó, hiện nay ngành giáo dục đang đổi mới chương trình với cách dạy mới thì đòi hỏi người dạy phải tìm hiểu, nắm bắt lại toàn bộ chương trình, kiến thức sách giáo khoa, sách GV, sách tham khảo, tìm hiểu học tập, và vận dụng phương pháp dạy mới, vận dụng CNTT, bản đồ tư duy trong việc dạy nên tốn không ít thời gian và công sức.
Người thầy hiện nay bị quá tải và bị quá nhiều áp lực. Đó là quá tải về công việc, về thời gian. Bị áp lực từ ngành, từ xã hội… |
Mặt khác, hiện nay ngoài việc dạy chính khóa, GV phải dạy phụ đạo, dạy tự chọn mà dạy cái nào phải có giáo án cái đó, rồi phải ngoại khóa, thao giảng, dự giờ. Cụ thể, mỗi năm một GV ở bậc THCS ít nhất phải 2 lần thao giảng, 18 lần dự giờ. Hay dạy thay, dạy thế cho đồng nghiệp nghỉ ốm, nghỉ hộ sản… Rồi thứ năm tuần nào cũng họp, hết họp hội đồng sư phạm đến họp chuyên môn, họp công đoàn, họp tổ, họp nhóm. Nếu là đoàn viên, đảng viên thì phải thêm họp chi bộ, họp Đoàn. Chưa kể việc sinh hoạt chuyên môn cụm, kiểm tra chéo hồ sơ trong đồng nghiệp… Phải có đầy đủ hồ sơ giáo án cá nhân, của nhóm, của tổ, cả sổ tự học. Nhiều GV cho biết, mỗi sáng thứ hai lên trường thấy lịch công tác trong tuần kín mít mà phát ớn. Công việc nhiều như thế nên hầu hết GV luôn có mặt trên trường, không có thời gian, sức lực đâu mà soạn giáo án chứ chưa nói đến đầu tư cho việc học tập, tìm hiểu thêm để nâng cao kiến thức tay nghề, làm đồ dùng dạy học, tìm ra cách dạy hiệu quả, đừng nói chi đến việc dạy giáo án điện tử theo xu hướng dạy học thời @.
Ấy là chưa kể GV chỉ có quyền “dỗ” chứ không có quyền “dạy” HS với những trường hợp vi phạm đạo đức, quy chế học đường. Đó là GV bị “lực bất tòng tâm” bởi cái sự “3 không”: là không được dùng hình phạt với HS vì như thế là xúc phạm đến nhân phẩm, sức khỏe các em (GV không được bắt quỳ, đánh HS dẫu bằng chiếc roi nhỏ phết vào mông để răn đe, tạo cái uy cho việc dạy); không được la, to tiếng với HS dẫu có em có hành vi sai trái đối với thầy cô; không được đuổi HS dẫu HS quá vô lễ, vi phạm nội quy học đường nhiều lần. Và cũng từ đây dẫn đến một hệ lụy xấu mà GV nào cũng đều ngán ngẩm là nhiều em đi học cho có, vô lớp quậy phá. GV cho điểm kém thì bị ban giám hiệu khiển trách là không biết cách dạy, hạ thi đua, đuổi học lại càng không được vì ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường. Đó là chưa kể có HS không muốn đi học, gia đình cũng không thích cho con đi học, nhà trường vì đảm bảo chỉ tiêu thi đua là không để HS ở độ tuổi bỏ học, nên GV phải tới nhà vận động đi học. Không ít trường hợp khi đến nhà vận động, phụ huynh có thái độ không vừa lòng, dùng lời nói không phải, có khi xúc phạm đến nhân phẩm người thầy…
Thực tế mà nói người thầy hiện nay bị quá tải và bị quá nhiều áp lực. Đó là quá tải về công việc, về thời gian. Bị áp lực từ ngành, từ xã hội… và từ cả HS nên rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Thực trạng này không biết bao giờ mới chấm dứt.
Nguyễn Tú
(GV THCS tại Đà Nẵng)
Bình luận (0)