Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Áp lực thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Dường như với những người-số-một thì áp lực ghê gớm đến mức chỉ về nhì thôi thì đã là cảm giác thất bại rồi.

Trong số 137 thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ở các trường trên địa bàn Hà Nội được vinh danh tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm nay thì chỉ có 5 bạn đã từng là thủ khoa đầu vào. Đó là: Phùng Mạnh Quân – ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đỗ Giang Nam – ĐH Quốc gia HN, Phạm Tiến Nam – ĐH Lao động Xã hội, Nguyễn Thị Vân Anh – ĐH Dược, Lê Mỹ Dung – ĐH Sư phạm Hà Nội. Họ chia sẻ gì về áp lực và bí quyết của người-số-một?
Nguyễn Thị Vân Anh – ĐH Dược
Áp lực của người-số-một
Nguyễn Thị Vân Anh vốn là học sinh chuyên Toán của trường ĐH Vinh. Từ nhỏ, ở mọi cuộc thi, Vân Anh luôn là người về đích số 1: từ giải học sinh giỏi tỉnh lớp 1, hay cấp thành phố các môn Toán, Lý, Hoá, Văn của cấp 2 sau này. Vân Anh là thủ khoa đầu vào của ĐH Dược kỳ thi tuyển sinh 2004-2005. Và liên tiếp trong ngần ấy năm học, trong các kỳ thi Vân Anh vẫn là cô gái số 1. Điểm tổng kết toàn khoá của cô gái này là 8,45 điểm, một con số hiếm hoi ở trường ĐH Dược vốn nổi tiếng về chuyện khắt khe điểm số. Và nếu dành cho Vân Anh một khoảng thời gian để bạn ấy hồi tưởng lại về một môn thi nào đó Vân Anh đã từng không dẫn đầu thì bạn ấy suy nghĩ rất mông lung rồi cuối cùng thì… chịu vì “hình như không có môn nào thứ nhì”.
Vân Anh cho rằng giống như rất nhiều thủ khoa khác, bạn ấy không đặt mục tiêu trở thành thủ khoa ngay cả khi ra trường. Gia đình và 2 người anh đã thành đạt của Vân Anh cũng không tạo áp lực gì cho bạn, nhưng Vân Anh nói: tự bản thân mình đã tạo áp lực học tập cho mình: “Có những mùa thi mình cảm thấy rất căng thẳng, nhất là với những môn học thuộc nhiều như môn Dược liệu với hàng trăm cây thuốc, môn Dược cổ truyền với hàng trăm vị thuốc, môn Vi sinh với vô số loại vi rút, vi khuẩn. Có những lúc mình stress vì phải nhồi nhét hàng trăm tên thuốc, hàng trăm tên cây bằng tiếng Latin vào đầu. Nhưng cuối cùng mình đã vượt qua được tất cả những khó khăn ấy, và giành được điểm số cao trong tất cả các môn học”. Dường như với những người-số-một thì áp lực ghê gớm đến mức chỉ về nhì thôi thì đã là cảm giác thất bại rồi.
Phùng Mạnh Quân, khoa Hóa, ĐH Tự nhiên Hà Nội bình luận rằng: “Những người xếp thứ 2 bao giờ cũng thật hạnh phúc. Người-thứ-hai lúc nào cũng có cái đích để vươn tới trong khi đó người-số-một thì luôn phải cố gắng gồng mình, áp lực ghê gớm”.
Mạnh Quân đã từng đạt số điểm tuyệt đối 30/30 (và là 32/30 nếu tính cả điểm cộng) khi thi vào trường và khi tốt nghiệp bạn sở hữu một bảng điểm “tràn ngập 10” với tổng điểm 9,13. Quân thì không thích một sự tuyệt đối trọn vẹn, trải qua 4 năm là người-số-một bạn ấy nói rằng “số 2 vẫn dễ thở hơn nhiều”.
Quân học ở lớp Cử nhân tài năng, nơi mà bất cứ thành viên nào cũng có một danh hiệu không cấp quốc gia thì quốc tế nên áp lực ganh đua, cầu tiến là rất lớn. Chỉ cần thi lại một môn, theo quy chế bạn sẽ bị out khỏi danh sách. Lớp Quân ban đầu có sĩ số 20 thành viên, 5- 6 bạn lên đường du học, 4- 5 bạn khác không thể “trụ hạng” và bây giờ chỉ còn 10 người bám trụ. Để là số 1 trong số những anh tài ấy không phải là chuyện dễ dàng. Với kết quả học tập tốt, Quân được tuyển thẳng lên làm nghiên cứu sinh.
Lê Mỹ Dung- thủ khoa với điểm tổng kết 9,01 tại khoa Địa lý, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Áp lực của số 1 cũng chính là động lực để giúp mình có kết quả học tập tốt”. Mỹ Dung đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khoá học, 2 giải 3 và 1 giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học. 
Bí kíp của người-số-một
Một trong những điều mà Phùng Mạnh Quân tự rèn luyện cho mình đó là: khả năng tự động tìm kiếm kiến thức. “Khi sự hiểu biết là một nhu cầu thôi thúc, nó lớn hơn cả nhu cầu ăn khi đói, uống khi khát. Bạn có thể rèn luyện và duy trì cảm hứng này mà không nhất thiết phải có sự giục giã hay định hướng. Trong bài học đôi khi có những khái niệm mới và việc của mình là “google” hoặc “wikipedia”. Thậm chí việc lùng sục vào bể kiến thức khổng lồ của nhân loại đến một cách ngẫu nhiên. “Chẳng hạn, khi trời mưa, thế là mình bắt đầu wikipedia với từ khoá “mưa”.
Phùng Mạnh Quân – ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội
 Từ trước đến nay mình vẫn nghĩ hạt mưa rơi giống hình giọt lệ, nhưng đọc một hồi mình mới vỡ lẽ hạt mưa có hình cầu và phổ biến là hình củ lạc lõm phần dưới. Đọc một hồi nữa mình mới thấy thú vị hơn, vào mùa Hè mưa thường rơi nhiều vào những ngày cuối tuần rất giống với thời tiết Hà Nội thời điểm này. Đó là bởi cứ đến cuối tuần ở các thành phố thì lượng khói bụi đã tích tụ lên đến điểm cao nhất, lượng bốc hơi lớn nhất và ồ ạt xả mưa ngày cuối. Đọc thêm một link nữa mình lại thấy có cả cầu vồng trong đêm trăng… Nếu bạn duy trì được thói quen và cảm hứng tiếp nhận kiến thức mới thì lúc đấy việc học không còn gì khó khăn nữa. Những kiến thức mới bao giờ cũng hấp dẫn và bạn lại còn rèn luyện cả vốn tiếng Anh của mình”.
Giờ thì Quân đã sở hữu một kho sách khổng lồ. Và theo Quân, nếu dừng lại việc update sách mới ở thời điểm này thì dễ đến năm 60 tuổi Quân mới đọc hết số sách mình đang có. Trong 2 năm đầu phương pháp học của Mạnh Quân gần như là “học không cần phương pháp”: “Bạn bè trong lớp hay gọi đùa đó là kiểu học “trâu bò húc”. Nhưng sau này mình mới thấy rằng: chăm chỉ quá chưa hẳn đã tốt”. Đến năm thứ 3,4 áp lực học giảm xuống, nhưng kết quả của Quân không hề giảm. Giãn thời gian học và tạo cho mình hứng thú với việc học đó mới là lựa chọn khôn ngoan.
Vân Anh, thủ khoa ĐH Dược cho rằng: điều quan trọng nhất để tìm kiếm điểm cao đó là sự tập trung. Trước kỳ thi khoảng một tháng Vân Anh bắt đầu sự tập trung của mình và đẩy mức độ tập trung tăng dần cho đến đỉnh điểm của thi cử. Có những học kỳ, một ngày Vân Anh phải trải qua 2 môn thi nhưng sự tập trung cao độ sẽ khiến bạn không cảm thấy khó khăn.
Giống như nhiều người-số-một khác, Vân Anh thường hệ thống hóa, sơ đồ hóa các kiến thức cần học. Ở mỗi môn học bạn đều vẽ được “cây sơ đồ” cho mình thì thật tuyệt. Lê Mỹ Dung lại chia sẻ: Rất nhiều điểm 10 của Dung rơi vào các môn thi vấn đáp. Rèn luyện được kỹ năng trả lời thi vấn đáp là một trong những bí kíp của Dung. Điều quan trọng của việc ôn luyện là bạn không chỉ dung nạp được kiến thức vào đầu mà còn biết cách “điều khiển” nó. Trả lời thi vấn đáp linh hoạt, sử dụng tối đa kiến thức mình có là cách tốt nhất kiếm điểm cao của cô-nàng-số-một này.
Theo San Hải
Sinh Viên Việt Nam

Bình luận (0)