Một giáo viên trường chuyên ở TP.HCM thú nhận: “Vô tình chúng tôi truyền áp lực từ mình qua HS”.
Tỉ lệ HS giỏi, số lượng HS đoạt giải thi HS giỏi, tỉ lệ vào đại học… luôn là những tỉ lệ mà nhà trường, giáo viên trường chuyên phải chịu áp lực. Nhưng tỉ lệ này phần lớn do chính bản thân HS (trong mỗi nhà trường) quyết định.
Học sinh đạt thành tích cao của Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) nhận thưởng tại lễ tổng kết năm học 2009-2010 – Ảnh: Trà Minh |
“Học trường chuyên mỗi tháng chúng tôi được nhận tiền bồi dưỡng 55.000 đồng/người và phải học tập sao cho xứng đáng với số tiền ấy. Trước kỳ thi đại học, chúng tôi bị áp đặt: điểm môn chuyên phải đạt 9,5. Thầy tôi còn nói: “HS trường chuyên không được nghĩ tới nguyện vọng hai”. Gặp người thân, tôi nhận được câu hỏi: “Con thi y dược hay bách khoa?”.
Một HS trường chuyên rớt đại học là chuyện không bao giờ được phép xảy ra. Vậy mà tôi rớt nguyện vọng một. Tôi căng thẳng và từng nghĩ đến chuyện sẽ kết thúc tất cả”. Đó là câu chuyện của V.D., cựu học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa, hiện là sinh viên năm nhất tại TP.HCM.
Trách nhiệm giữ gìn “đỉnh cao”
Cô T., giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, thừa nhận: “Đúng là HS trường chuyên phải chịu áp lực học tập nặng hơn HS bình thường. Số tiết học môn chuyên nhiều hơn, khối lượng bài vở nhiều hơn, khó hơn, đòi hỏi HS phải tìm tòi, sáng tạo. Chưa kể áp lực phải học tập để giữ gìn danh hiệu là HS trường chuyên”.
Một giáo viên môn toán đang dạy tại trường chuyên ở một tỉnh miền Trung kể lại: “Áp lực với giáo viên và HS trường chuyên là quanh năm suốt tháng. Bồi dưỡng HS giỏi mà tỉnh này có nhiều giải hơn tỉnh kia thì giáo viên bồi dưỡng phải chịu trách nhiệm. Mỗi năm lại có một “bảng phong thần” về số lượng HS đậu đại học của các trường chuyên, giáo viên phải làm thế nào để trường mình không bị rớt hạng. Thế nên HS đi thi mà giáo viên ở nhà lo nơm nớp, dặn dò, hối thúc đủ kiểu”.
Trong khi đó, giáo viên của trường nổi tiếng cũng có áp lực riêng. “Ai cũng biết Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là trường “mũi nhọn” của TP.HCM. Khi giảng dạy tại một trường “đỉnh cao” không cần ban giám hiệu trường nhắc nhở, bản thân giáo viên luôn có trách nhiệm duy trì và phát triển những thành tích đã đạt được. Áp lực này vô tình chúng tôi truyền sang cho học trò khiến các em căng thẳng” – cô H., giáo viên Trường chuyên Lê Hồng Phong, tâm sự.
Trong giai đoạn hiện nay, chính các trường chuyên cũng đang phải chịu áp lực nặng nề tỉ lệ đậu đại học… Hằng năm Bộ GD-ĐT đều công bố bảng xếp hạng các trường THPT có điểm thi vào đại học cao nhất nước, trong có có top 100, top 200… Đây là một cách biểu dương thành tích các trường, nhưng mặt khác cũng là áp lực khiến các trường chuyên, trường có thương hiệu trên cả nước phải gồng mình để trụ hạng. Và những “nhân vật chính” của hệ thống trường chuyên – HS phải gồng mình để học, gồng mình vượt vũ môn tại kỳ thi tuyển sinh đại học.
Vào trường chuyên để luyện thi đại học
Tại hội nghị về trường chuyên do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, nhiều thầy cô giáo đã bày tỏ sự băn khoăn việc khó thu hút được những học sinh có năng khiếu thật sự vào đội tuyển HS giỏi.
Cô M.M., một giáo viên nhiều năm phụ trách đội tuyển HS giỏi của Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), nhận định: “Bây giờ thầy phải “nịnh” thì trò mới vào đội tuyển. Phần lớn HS vào trường chuyên để được học thầy tốt, có môi trường tốt để luyện thi đại học. Vào đại học là mục tiêu số 1 của nhiều HS, nhất là HS giỏi khi bước chân vào trường chuyên. Áp lực vì lý do này”.
Theo một số thầy cô giáo ở Trường chuyên Trần Phú (Hải Phòng), mục tiêu vào trường chuyên của nhiều HS đã thay đổi. Nếu trước đây việc chạy đua vào đội tuyển, chạy đua để có giải khiến nhiều HS chịu áp lực lớn thì bây giờ là việc đậu đại học. (Vì Bộ GD-ĐT đã hủy bỏ quy định tuyển thẳng đối với HS giỏi quốc gia).
Thầy Lương Văn Thủy, phó hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), lý giải: “HS chuyên phần lớn đều học khá, giỏi và tỉ lệ thi đậu đại học cao. Các em học giỏi thì ít nhiều có hoài bão lớn. Nên khi không đạt được ước mơ, trong khi bạn bè đã tiến lên phía trước thì dễ bị sốc và có hành động nông nổi. Cách đây khoảng 10 năm, Trường Lê Hồng Phong cũng có một trường hợp không thi đỗ nên tính chuyện tự tử. Việc này gây sốc cho nhiều HS và thầy cô giáo. Nhà trường khi đó đã nhìn thấy áp lực mà HS đang phải trải qua và có kế hoạch điều chỉnh phương pháp giáo dục”.
Theo thầy Thủy: “Tuyệt đối không nên đặt ra những yêu cầu quá sức các em. Ngược lại, cần bằng nhiều cách tuyên truyền để các em hiểu không phải chỉ có một con đường duy nhất vào đại học và vấp ngã là cơ hội để các em cố gắng hơn…”.
Một thầy giáo của Trường chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) nhận xét: “HS trường chuyên vừa có nhiệm vụ đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi, vừa phải thi đậu tốt nghiệp THPT và vào đại học. Học vì nhiều mục tiêu khiến các em bị quá tải”.
Theo Tuoi Tre
Bình luận (0)