Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Áp thuế chống bán phá giá giày da Việt Nam: Bất công, vô lý

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 23/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức họp báo quốc tế, bày tỏ quan điểm về việc Liên minh châu Âu (EU) chính thức gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày, mũ da nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, ngày 22/12, Hội đồng Châu Âu quyết định gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với giày, mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Việt Nam rất bất bình trước quyết định này. Đây là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại mà EU vẫn thúc đẩy.
Sản phẩm giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tiếp tục "bị" áp thuế chống bán phá giá 10%.
Quyết định này ảnh hưởng bất lợi tới những người lao động nghèo tại một quốc gia đang phát triển còn nghèo như Việt Nam, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng châu Âu. Quyết định này cũng làm giảm hiệu quả các nỗ lực của châu Âu trong hợp tác với Việt Nam xóa đói giảm nghèo.
Ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: Việc Hội đồng châu Âu tiếp tục áp dụng thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam là quyết định mang tính chính trị chứ không phải do các rào cản thương mại
Ông Vĩnh dẫn chứng, ngày 19/11/2009, tại cuộc họp của Hội đồng tư vấn chống bán phá giá của EU, 15 nước trên tổng số 27 thành viên tham gia của Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối đề xuất của EC. Thế nhưng, chỉ gần một tháng sau, một số nước thành viên trước đó phản đối đề xuất của EC đã “đổi thay”.
Cụ thể, ngày 22/12, khi Hội đồng châu Âu tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến các nước thành viên thì “gió xoay chiều” với 14 phiếu (9 phiếu thuận và 5 phiếu trắng), tức số phiếu đồng ý so với 13 phiếu chống (phiếu phản đối).
“Điều đó chứng tỏ ngay trong bản thân nội bộ của EU cũng không đồng nhất quan điểm, đó là quyết định mang tính chính trị chứ không thể hiện được tính bản chất là có bán phá giá hay không”, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh khẳng định.
Vì thế, theo ông Vĩnh, việc EC căn cứ vào các rào cản thương mại để đưa ra áp thuế đối với giày da của Việt Nam chỉ là sự lạm dụng “trá hình”.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, đa số các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thức sản xuất kinh doanh chủ yếu là gia công, tổng mức nhập khẩu của châu Âu đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam chỉ trên dưới 10% nên các doanh nghiệp Việt Nam không thể bán phá giá để cạnh tranh được, vì nếu bán phá giá thì doanh nghiệp sẽ phá sản.
Ở đây, nguyên nhân cơ bản là do những vấn đề nội tại của ngành công nghiệp gia dày châu Âu như, điều kiện sản xuất không đủ để sản xuất ra lượng sản phẩm đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường; lao động có tay nghề thiếu hụt, do đó đã làm tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tại châu Âu so với các nước khác.
Chính vì thế, việc tiếp tục áp dụng các biện pháp chống bán phá giá là chỉ để nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm các nhà sản xuất giày ở châu Âu có năng lực cạnh tranh yếu kém.
“Còn việc lấy Brazil ra làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam là không công bằng, sai lệch và không phản ánh đúng thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, vì điều kiện của Brazil hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam”, Bộ Công Thương cho biết.
Kim ngạch giày da có nguy cơ tiếp tục giảm
Bắt đầu từ 3/1/2010, sản phẩm giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tiếp tục “mắc cạn” 10% "thuế chống bán phá giá".
Mặc dù, suốt ba năm qua, việc EU áp thuế mức thuế 10% đối với mặt hàng giày da của Việt Nam, đồng thời quyết định loại bỏ ngành giày da Việt Nam khỏi diện được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009 – 2011 mà EC đưa ra vào tháng 6/2008 đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho ngành công nghiệp giày da của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường EU đã giảm sút rất lớn. Cụ thể những năm bị áp thuế chống bán phá giá, kim ngạch của lĩnh vực này xuất khẩu vào EU trung bình giảm trên 20%/năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch giày dép xuất khẩu đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2008.
Đồng thời cũng làm giảm đi đáng kể sức cạnh tranh của sản phẩm gia dày Việt Nam so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
“Ngoài ra, đời sống của khoảng 650.000 lao động trong ngành này, chủ yếu là lao động nữ cũng đã và đang phải chịu tác động tiêu cực bởi những quy định “trái ngược” trên của EU”, ông Vĩnh cho biết.
Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), thì việc áp thuế này cũng sẽ gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu, phân phối giày gia của châu Âu, vì thuế được áp sẽ tính vào trong giá bán và người tiêu dùng của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Tuy nhiên, theo Mừng, nguy cơ lớn tới đây, trong điều kiện kinh tế thế giới và tiêu dùng của người dân vẫn còn khó khăn, với mức thuế “bị” áp trên, thì các sản phẩm cùng giá, cùng chủng loại của Việt Nam so với sản phẩm giày mũ da của các nước khác giá sẽ cao hơn, như thế các nhà nhập khẩu của châu Âu phải tính toán đến nhập khẩu ở các quốc gia khác không bị áp thuế.
“Nên nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm giầy mũ da của Việt Nam vào thị trường EU so với tiềm năng là rất lớn”, ông Mừng lo lắng.
Theo VnEconomy

Bình luận (0)