Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Áp trần lãi suất huy động ngoại tệ: Tiền đồng sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Tiến sĩ Dương Thu Hương – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định về diễn biến thị trường tiền tệ.
Bà có nhận xét gì về động thái kiểm soát thị trường tiền tệ, ngoại hối và vàng thời gian gần đây của Chính phủ và NHNN?

Phải khẳng định là rất tích cực.

Thứ nhất, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do xuống thấp, giá mua vào USD trên thị trường tự do bằng hoặc thậm chí thấp hơn giá mua vào của các NHTM.

Thứ hai, các NHTM bắt đầu mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp và dân cư.
Thứ ba, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc chuyển các khoản tiền gửi bằng USD sang VND. Như vậy, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm. Các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy, ngoại tệ gửi ngân hàng của dân cư và tổ chức kinh tế giảm, chứng tỏ tình trạng đôla hóa có dấu hiệu giảm…
Liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng, tuy Chính phủ mới chỉ đạo kiểm soát việc kinh doanh vàng miếng nhưng thị trường đã có sự điều chỉnh rõ rệt. Những ngày gần đây, giá vàng thế giới leo lên mức cao kỷ lục trong vòng hơn 30 năm qua (trên 1.500 USD/ounce) nhưng giá vàng trong nước không còn nhảy những bước dài, vượt qua giá vàng thế giới như trước đây mà có lúc còn thấp hơn…

Người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu tính đến việc chuyển các khoản tiền gửi bằng USD sang VND Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhưng sức ép lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng tới 3,32% so với tháng trước. Vậy, chúng ta có nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa?


TS. Dương Thu Hương.

Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ hiện được thắt chặt đến mức ngặt nghèo. Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Điều đó khẳng định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát.
Nhưng nếu nhìn vào căn nguyên của lạm phát, như đã phân tích ở trên, thì trong thời điểm hiện nay, không nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Và cũng chưa nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND. Tuy nhiên, đối với lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động tiền gửi VND (14%/năm – PV) cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao.
Có hiện tượng một số ngân hàng nâng lãi suất huy động VND lên xấp xỉ 20%/năm. Mặc dù lãi suất huy động VND tăng cao, nhưng theo một số ngân hàng, VND vẫn chưa chảy nhiều vào ngân hàng. Vì sao vậy?
Lạm phát cao thì lãi suất có xu hướng tăng lên. Nhưng huy động với lãi suất 18% – 20%/năm, theo tôi là bất hợp lý. Huy động như vậy thì lãi suất cho vay ra sẽ ở mức nào? Bởi trong điều kiện hiện nay, ít có doanh nghiệp nào có lãi nếu phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm.
Hy vọng sau khi NHNN áp trần lãi suất huy động ngoại tệ (tối đa là 3%/năm đối với cá nhân và 1%/năm đối với doanh nghiệp), người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và vốn tiền đồng sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là, trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì một bộ phận người dân tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình bằng cách đầu tư vào bất động sản. Chính vì vậy, việc giải quyết bài toán vốn VND không chỉ nằm ở lãi suất mà còn phụ thuộc vào xu hướng đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Để tiền đồng chảy vào ngân hàng và ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn này ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay, doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn… với lãi suất hợp lý thì phải hạn chế tối đa dòng vốn đầu cơ.
Để làm được như vậy thì cần đánh thuế thật cao vào các giao dịch mua, bán bất động sản mang tính đầu cơ; ngoài ra phải kiểm soát có hiệu quả lạm phát, thị trường vàng và ngoại tệ.

Theo Tiền Phong

Bình luận (0)