Apple dùng đến mọi biện pháp để cắt giảm chi phí một cách hiệu quả, tránh rơi vào cuộc khủng hoảng sa thải như các hãng công nghệ khác.
Ngay cả khi kinh tế bất ổn, Apple vẫn làm mọi thứ có thể để tránh sa thải nhân viên, trong khi tất cả đối thủ lớn của hãng đều đã thông báo ít nhất một vòng cắt giảm nhân sự. Điều đó cho thấy “táo khuyết” phải “cân não” thế nào mới giữ lại được việc làm cho mọi người.
Apple vẫn chưa tuyên bố sa thải quy mô lớn như các hãng công nghệ khác.
Apple thành công hơn bất kỳ doanh nghiệp công nghệ nào khác với lợi nhuận quý gần nhất đạt 30 tỷ USD. Công ty sở hữu 165 tỷ USD tiền mặt cũng như sự nổi tiếng ổn định. Giá cổ phiếu năm nay cũng tăng gần 20%. Chỉ trong vòng 3 tháng nữa, hãng được cho là sẽ giới thiệu thiết bị thực tế hỗn hợp mới, chuẩn bị cho một thế giới “hậu iPhone”.
Những điều trên cho thấy, việc sa thải nếu có tại Apple sẽ có sức tàn phá hơn nhiều so với Meta, Amazon, Microsoft hay Google. Chưa kể, đội ngũ lãnh đạo cấp cao được đánh giá là một trong những người thực dụng nhất ngành công nghệ. Sa thải là dấu hiệu của một sai lầm chiến lược hoặc kinh tế thế giới đang bất ổn hơn mọi người nghĩ. Dù là gì, nó cũng tạo ra hiệu ứng trong các ngành và lĩnh vực khác.
Ngược lại, hỗn loạn trong các đối thủ của Apple không quá bất ngờ. Trong thời gian dịch bệnh, hầu hết đều tuyển dụng dồn dập, còn Apple thì không. Meta theo đuổi vũ trụ ảo và rót hàng tỷ USD vào mục tiêu chưa biết bao giờ “hái quả”. Amazon, Microsoft và Google cũng tham gia nhiều lĩnh vực rủi ro, nằm ngoài thế mạnh cốt lõi.
Họ gặp khó khăn gấp bội khi lãi suất tăng, tỉ giá tiền tệ thay đổi, khủng hoảng tại Ukraine, chưa kể dịch bệnh diễn biến phức tạp. Apple cũng ảnh hưởng với doanh số giảm 5% trong quý trước và dự kiến giảm sâu hơn trong quý hiện tại. Song họ vẫn ở vị thế tốt hơn để thoát khỏi cuộc suy thoái.
Theo Bloomberg, Apple bắt đầu quy trình cắt giảm chi phí từ mùa hè 2022, sớm hơn nhiều các doanh nghiệp lớn khác. Trước đây, công ty thưởng hai lần/năm cho khối văn phòng nhưng giờ họ chỉ nhận thưởng vào tháng 10. Một số dự án như HomePod trang bị màn hình bị hoãn lại ít nhất đến năm sau, giúp tái phân bổ nguồn vốn R&D vào các nhiệm vụ quan trọng hơn. Ngân sách cho các nhóm cũng điều chỉnh giảm và phải được Phó Chủ tịch cấp cao thông qua.
Apple tạm dừng tuyển dụng một số vị trí nhất định, hạn chế nghiêm ngặt với các bộ phận khác. Khi có nhân viên nghỉ việc, công ty không vội tuyển ngay. Trong một số trường hợp, “táo khuyết” cấm nhân viên – cả khối văn phòng và bán hàng – chuyển sang bộ phận hay địa điểm khác do quy trình này thường phát sinh khoản chi.
Chi phí đi lại bị cắt giảm đáng kể, các chuyến công tác phải được quản lý cấp cao phê duyệt.
Apple cũng sa thải vài nhân viên tuyển dụng dạng hợp đồng (không phải toàn thời gian) và âm thầm hủy bỏ một số nhân viên hợp đồng khác thuộc nhóm kỹ thuật…
Quản lý yêu cầu nhân viên có mặt tại văn phòng nhiều hơn, vào thứ Ba, Tư và Năm; những nhân viên văn phòng không đáp ứng yêu cầu có thể bị sa thải.
Đối với bộ phận bán lẻ, Apple theo dõi sự có mặt và giờ làm của người lao động. Vài người cảm thấy công ty sẽ áp dụng lập trường cứng rắn hơn để buộc nhân viên phải xin nghỉ việc. “Thời gian nghỉ ốm đặc biệt” từ trong dịch Covid-19 sẽ chấm dứt, buộc mỗi người phải cân nhắc tối ưu việc nghỉ ốm thông thường.
Những thay đổi này có thể khiến nhân viên không hài lòng, song thực chất nó còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Không ít đối thủ lớn nhất của Apple đã sa thải tổng cộng gần 50.000 nhân sự trong vài tháng gần đây.
Cho đến nay, nỗ lực tại công ty đã được đền đáp: chi phí vận hành giai đoạn Noel 2022 thấp hơn đáng kể so với ước tính. CEO Tim Cook từng khẳng định sa thải là “giải pháp cuối cùng” tại Apple. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa phương án này bị loại trừ hoàn toàn.
Du Lam (theo vietnamnet)
Bình luận (0)