Ở Emirates, trước ngàn cơn bão giông, Giáo sư vẫn thuộc diện “không thể động đến”, bất chấp đội bóng đã bán đi bao thế hệ ngôi sao…
Ủng hộ… chính mình
Không phải đến bây giờ, người ta mới nói yếu tố “chính trị” đóng vai trò quyết định tại Arsenal. Chính trị ở đây được hiểu là chiến lược, chính sách phát triển của CLB. Kỷ nguyên 15 năm của Arsene Wenger, chẳng bao giờ Pháo thủ mạnh tay trong cả khâu mua sắm lực lượng lẫn trả lương hậu hĩnh cho các ngôi sao.
Cần phải đặt câu hỏi cho tham vọng của Wenger?
|
Thế mới có chuyện Arsenal và cá nhân HLV Wenger được đưa lên tận mây xanh vào giai đoạn hưng thịnh của đội bóng, thời điểm cách đây đã hơn nửa thập kỷ. Người ta kính nể HLV Wenger, khi với một nguồn kinh phí hạn hẹp vì nhiều nguyên nhân mà vẫn biết cách mang lại thành tựu cho CLB. Với một chiến lược gia có nhiều đóng góp như thế, sa thải ông là chuyện hết sức vô lý.
Nhưng đừng tin Kroenke hay BLĐ của Arsenal. Họ không đơn giản vì kính trọng Wenger hay truyền thống đội bóng mà giữ ông ở lại. Họ làm thế vì chính mình, là ủng hộ chính quan điểm, lập trường và chính sách của họ. Ở sân Emirates, HLV Wenger hay GĐĐH Gazidis chỉ là những người thực thi nhiệm vụ. Hơn 5 năm qua, chính sách của Pháo thủ là “thắt lưng buộc bụng” để kiếm tiền bù vào khoản thâm hụt ngân sách lên đến 400 triệu bảng do xây SVĐ mới.
Tiền thật nhưng mua ảo
Ủng hộ HLV Arsene Wenger, bộ sậu lãnh đạo Arsenal coi như vẫn giữ được lộ trình, kế hoạch họ hướng tới. Trên các phương tiện truyền thông, người phát ngôn của Pháo thủ không ngừng rêu rao rằng BLĐ đã duyệt chi toàn bộ ngân sách hơn 70 triệu bảng bán các ngôi sao Fabregas, Nasri và Clichy cho BHL mua sắm, tân trang đội ngũ. Thông tin này khó tin, nhưng chẳng thể kiểm chứng vì một khi tiếng nói của BLĐ đã được phát đi, Wenger ắt phải ngoan!
Có cảm giác, quả bóng trách nhiệm đã được đẩy sang cho chiến lược gia người Pháp. Mất sao thì tiền đấy, dùng đi là cái cớ để dư luận hướng mũi dùi về phía Giáo sư. Quả là khốn khổ cho Arsene Wenger, bởi lúc ông có tiền thì phiên chợ Hè đã sắp đóng lại. Có tiền, thậm chí nhiều tiền, giờ có lẽ cũng đã là quá muộn. BHL của Wenger được giao nhiệm vụ phải xây mới lại đội hình, cả về trí và lực, để làm sao Pháo thủ ít nhất sẽ duy trì được vị thế tại Big Four.
Đáng lẽ, là HLV lâu đời thứ hai kỷ nguyên Premiership và thành công nhất trong lịch sử Arsenal, Wenger phải mạnh mẽ trong các tuyên bố, quan điểm của mình.
Đằng này ông chọn giải pháp im lặng, chấp nhận làm theo sự chỉ bảo của BLĐ vốn dựa quá nhiều vào tài lăng xê của ông để trục lợi. Hệ quả là ngay cả khi trong két CLB đầy tiền, Pháo thủ vẫn chẳng thể mua về sao mới. Lý do vẫn rất “chính trị”: Giá cao, lương cao hoặc gì đó chẳng biết.
Trên khán đài Old Trafford ở trận thảm bại M.U, CĐV Arsenal vẫn giăng biểu ngữ ủng hộ tuyệt đối Arsene Wenger, quan điểm rất hợp với BLĐ đội bóng. Nhưng cuộc thăm dò ý kiến mới nhất thì đã cho đáp số ngược lại, khi có tới 69% người được hỏi cho rằng mối quan tâm hàng đầu của Giáo sư không phải là giải cơn khát danh hiệu cho Arsenal, mà là những vấn đề ngoài chuyên môn.
Nhưng nếu thế, thì đúng là phải đặt câu hỏi cho hoài bão, tham vọng của chiến lược gia người Pháp. Phải chăng, đây là năm cuối của ông ở Emirates?
NN (theo vietnamnet)
Bình luận (0)