Hội nhậpThế giới 24h

ASEAN đã thống nhất các thành tố COC

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Bên hành lang Quốc hội ngày 31-10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các nước ASEAN đã thống nhất các thành tố cơ bản của Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông để đàm phán với Trung Quốc.
Phóng viên: Bộ trưởng có thể cho biết bước tiến mới trong xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông (COC)?
– Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Các nước ASEAN và Trung Quốc mong muốn đưa ra để đi đến xây dựng COC, có tính chất pháp lý ràng buộc cao hơn, hay còn gọi là đưa ra những biện pháp tốt hơn để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, ở biển Đông. Việt Nam là điều phối viên trong 3 năm qua giữa ASEAN và Trung Quốc. Chúng ta đã thực hiện tốt vai trò, đưa ra thống nhất được trong các nước ASEAN về những nguyên tắc, thành tố cơ bản để đi đến COC.
Trong tháng 7 vừa qua, tại Campuchia, các ngoại trưởng ASEAN đã thống nhất với nhau được những thành tố đó và bắt đầu đi vào đàm phán để xây dựng COC. Tháng 9, ở New York (Mỹ), các ngoại trưởng ASEAN họp không chính thức thống nhất với nhau tiếp tục thúc đẩy COC và đã trao đổi với phía Trung Quốc. Trung Quốc đã đồng ý là có thể bắt đầu tham khảo không chính thức về vấn đề này và hy vọng rằng chúng ta sẽ có được sự trao đổi chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN cuối năm nay, đây sẽ là một chủ đề mà các lãnh đạo cấp cao nêu ra, mong muốn thúc đẩy ASEAN và Trung Quốc sớm trao đổi một cách chính thức về bộ quy tắc này. Các nước ngoài khu vực cũng mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đi vào thảo luận xây dựng COC, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực.
Ông đánh giá như thế nào về dự thảo chi tiết mà Indonesia đề xuất cho các thành tố của COC?
– Các nước ASEAN đã thống nhất với nhau về các thành tố cơ bản của COC. Không phải Indonesia đưa ra các thành tố mới của COC mà chỉ bổ sung, cụ thể hóa thêm một số điều trên cơ sở các nước ASEAN thống nhất với nhau. Việt Nam hoan nghênh các nước có thể đóng góp vào việc cụ thể hóa các thành tố nhưng các thành tố đó đã được các nước ASEAN, các ngoại trưởng thống nhất rồi.
Trong dự thảo COC có đề cập vấn đề giải quyết tranh chấp ở biển Đông với cơ chế song phương và đa phương riêng rẽ không?
– Các nguyên tắc thành tố của COC phải làm sao trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã có nhưng DOC không có biện pháp pháp lý ràng buộc cao hơn. Do vậy làm sao COC đưa ra những biện pháp pháp lý ràng buộc cao hơn, để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực. Vấn đề biển Đông, COC, DOC là đa phương. Chúng ta tuyên bố những vấn đề gì chỉ liên quan đến hai nước, giữa hai nước thì tự xử lý theo nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Còn vấn đề biển Đông liên quan đến nhiều nước, tranh chấp ở Trường Sa liên quan nhiều nước thì phải đa phương.
Như thế, dự thảo COC không bóc tách cái nào đa phương, cái nào song phương?
– DOC, COC không phải nguyên lý để giải quyết tranh chấp về chủ quyền hoặc về một hòn đảo nào. COC tiến tới bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực để các bên cùng cam kết không gây ra xung đột, đánh chiếm, chiếm đóng, chứ không phải cơ chế giải quyết chủ quyền, lãnh thổ.
DOC như một tuyên bố chính trị, không có sự ràng buộc nên phải mất đến 9 năm mới ra được các nguyên tắc hướng dẫn. COC sẽ không lặp lại “bài học” này?
– Đó chính là mục tiêu của COC. Khiếm khuyết của DOC là ra đời từ năm 2002 nhưng phải 9 năm sau mới thống nhất với nhau về các nguyên tắc hướng dẫn thực thi DOC. Vì thế COC phải làm sao khi đưa ra là phải thực hiện ngay. Cái mới chính là tính chất pháp lý của COC cao hơn và có các cơ chế bảo đảm. COC là bộ quy tắc ứng xử, có biện pháp hoặc chế tài hoặc vi phạm thì có biện pháp. Nếu COC ra thì thay thế DOC.
Theo bộ trưởng, đâu là trở ngại ?

– Đây là thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc nên phải được cả ASEAN và Trung Quốc đồng ý với nhau đi vào thỏa thuận. Nhưng quan trọng nhất là các nước ASEAN phải thống nhất được với nhau những nguyên tắc, thống nhất thành tố cơ bản của COC.    

Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)