Sau 2 ngày làm việc tích cực, ngày 31-3, Hội nghị ASEM với chủ đề “Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững” đã bế mạc. Hội nghị được tổ chức tại TP.Huế.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: V.Yên |
Theo đó, hội nghị đã thống nhất nhiều giải pháp nhằm tăng cường phối hợp hành động trong ASEM để đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể là thúc đẩy đóng góp của ASEM cho nỗ lực toàn cầu trong triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về giáo dục và việc làm; trao đổi kinh nghiệm, điển hình tốt trong ASEM và giữa ASEM với các đối tác về việc lồng ghép STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), các kỹ năng thế kỷ 21, giáo dục vì phát triển bền vững, giáo dục công dân toàn cầu vào hệ thống giáo dục hiện nay; gắn kết các sáng kiến, dự án và các nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề và giáo dục bậc cao; thiết lập mạng lưới kết nối, chia sẻ thông tin giữa các trung tâm, viện nghiên cứu về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực; củng cố cơ chế hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục, trường ĐH, doanh nghiệp, đề xuất Chương trình nghị sự ASEM về các kỹ năng thế kỷ 21; khuyến khích chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đối tác công – tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ trong đổi mới giáo dục sáng tạo và phát triển kỹ năng thế kỷ 21.
Đại sứ Trần Ngọc An, Trưởng Som ASEM Việt Nam – Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao đánh giá, hội nghị lần này thành công ở nhiều khía cạnh. Đó là thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu quốc tế, tập trung trao đổi, quy tụ của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực. Trong 2 ngày đã có nhiều kinh nghiệm được trao đổi, đánh giá khó khăn thách thức trong cuộc cách mạng lần thứ 4 cũng như cùng nhau đưa ra các giải pháp về trang bị những kỹ năng mới để thích ứng cũng như biện pháp tăng cường công tác GD-ĐT đáp ứng nhu cầu thời kì mới, trong đó lĩnh vực CNTT rất được chú trọng. Các chuyên gia, các đại biểu đến từ các nước đã đưa ra nhiều giải pháp về phối hợp tăng cường cũng như chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến GD-ĐT và phát triển nhân lực bền vững. GD-ĐT được thành viên ASEM quan tâm, chia sẻ. Đó là cơ hội tốt cho nhà hoạch định chính sách, trường ĐH phối hợp đưa ra giải pháp hành động phối hợp cho tương lai, đối phó thách thức mới. Riêng Việt Nam, sự tham gia của 19 tỉnh miền Trung, Hà Nội, TP.HCM và gần 20 trường ĐH hàng đầu cho thấy sự quan tâm lớn đối với GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực.
Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các kết quả của hội nghị đã khẳng định cam kết của các thành viên ASEM đối với giáo dục sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, mỗi một thành viên ASEM cần phải nỗ lực hơn nữa và luôn luôn đổi mới trong quá trình thực hiện nhằm hướng tới một nền giáo dục hài hòa, hiện đại và đáp ứng được nhu cầu của thế giới việc làm. Với tinh thần đó, Việt Nam đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nhằm hướng tới một nền giáo dục hiện đại, hội nhập quốc tế.
Hội nghị đã nhất trí thông qua báo cáo trình lên Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 tại Myanmar vào tháng 11-2017, Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 tại Seoul vào tháng 11-2017 và Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brúc-xen trong năm 2018.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)