Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Âu, Mỹ không mặn mà thi nhan sắc

Tạp Chí Giáo Dục

Hoa hậu Thế giới 2009 Kaiane Aldorino (Gibralta – giữa) cùng Á hậu 1 Perla Beltran Acosta (Mexico – trái) và Á hậu 2 Tatum Keshwar (Nam Phi) – Ảnh: Reuters

Dễ hiểu khi nhà tổ chức các cuộc thi Miss World, Miss Universe đang nhắm đến các nước đang phát triển. Bởi 60 năm là thời gian đủ dài để khán giả châu Âu và Bắc Mỹ không còn mặn mà với những cuộc thi này.

Vất vả tìm đối tác

Cuối tháng 6.2010, bà Paula Shugart, Chủ tịch tổ chức Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ) – MUO, đã chính thức ngỏ lời mời Khánh Hòa đăng cai tổ chức cuộc thi nhan sắc này vào năm 2011 nhân kỷ niệm 60 năm ra đời cuộc thi. Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa và ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc khu du lịch Diamond Bay (thuộc Công ty Hoàn Cầu) cho rằng so với năm 2008 – khi Việt Nam lần đầu tổ chức Miss Universe buộc phải mua bản quyền, thương hiệu và nhiều chi phí khác lên đến hơn 15 triệu USD – thì nay tình hình đã khác. Nguyên nhân bởi MUO tự tìm đến Nha Trang đặt vấn đề đăng cai nên việc chi tiêu sẽ chủ yếu do tổ chức này lo liệu.

Nếu không có gì thay đổi thì vào ngày 22.8.2010, đêm chung kết Miss Universe 2010 sẽ diễn ra tại Las Vegas, bang Nevada (Mỹ). Đây là cuộc “chữa cháy” của MUO, bởi trước đó Bolivia rồi Croatia tỏ ý muốn đăng cai nhưng không gánh nổi chi phí quá lớn nên đành rút lui. Sau đó đến lượt Brazil xúc tiến việc đàm phán với MUO nhưng rồi mọi chuyện cũng bất thành. Nguyên nhân không ngoài việc kinh tế các nước vừa dần hồi phục sau khủng hoảng nên việc chi ra 15 -20 triệu USD cho một cuộc vui là quá tầm!

Ban tổ chức Miss World cũng đang gặp không ít khó khăn sau khi ông Hoàng Kiều, Chủ tịch Tập đoàn RAAS (Mỹ) tuyên bố rút lui cách đây vài tháng, không thực hiện cuộc thi Miss World 2010 tại Tiền Giang. Bà Julia Morley, Chủ tịch tổ chức Miss World, xác nhận tiếp tục chọn Hải Nam (Trung Quốc) là nơi tổ chức cuộc thi vào tháng 10 tới. Trong vòng chưa đến một thập niên, Hải Nam đăng cai tổ chức Miss World đến… 5 lần (2003, 2004, 2005, 2007 và 2010). Ngoài cơ sở hạ tầng đủ phục vụ cho các người đẹp dự thi, dĩ nhiên chính quyền đảo Hải Nam cũng muốn quảng bá về du lịch, đầu tư cho địa phương thông qua cuộc thi. Nhưng việc Hải Nam được chọn tổ chức 5 lần trong 7 năm dễ thấy Ban tổ chức Miss World khó lòng tìm ra đối tác khác bởi các quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu chẳng còn mặn mà với các cuộc thi nhan sắc.

Khán giả ngày càng ít quan tâm

Tờ India Today (Ấn Độ) từng đăng bài viết The bored and the beautiful (tạm dịch Sự nhàm chán nhan sắc) của tác giả Farah Baria. Bài báo có đoạn: “Các hoa hậu như Aishwarya Rai, Diana Hayden, Yukta Mookhey, Priyanka Chopra rồi Lara Dutta… từng đoạt danh hiệu Miss World, Miss Universe khiến cho sắc đẹp Ấn Độ được mùa bội thu. Lần đầu tiên người Ấn trở thành hoa hậu thế giới hay hoa hậu hoàn vũ quả thật là điều thần diệu, lần 2 vẫn còn hào quang, lần 3 cứ như ngẫu nhiên, nhưng đến lần thứ 6 thì rõ ràng công chúng dần mất đi vẻ hứng khởi ban đầu”.

Chỉ riêng chuyện chi “đậm” cho cuộc thi Miss Universe 2008 nhưng kết quả nhận lại không đáng kể cũng dễ khiến nhà đầu tư phía Việt Nam nản lòng.

Thống kê của website tvbythenumbers.com dẫn chứng lượng thuê bao truyền hình theo dõi các cuộc thi nhan sắc ở Mỹ giảm mạnh trong 40 năm qua. Từ 1960 đến 2010, số thuê bao truyền hình cáp ở Mỹ xem cuộc thi Miss America giảm từ 22 triệu xuống còn 3,5 triệu. Tương tự, Miss USA thu hút 20 triệu thuê bao vào những năm 1980, sau đó giảm mạnh còn 6 triệu vào năm 2006. Cuộc thi Miss Universe không khả quan hơn khi 21 triệu thuê bao vào những năm 1980, đến 2006 chỉ còn 5 triệu. Tình hình khán giả ở châu Âu còn bi đát hơn khi chỉ bằng 50 – 70% số lượng người xem so với Mỹ.

Đỗ Tuấn (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)