Còn hai tháng nữa là nhận bằng và quay về Việt Nam, tôi thầm cảm ơn má tôi, anh trai tôi, em trai tôi và dì tôi, những người thân còn lại đã ủng hộ cho quyết định của tôi. Một quyết định rẽ cuộc đời tôi sang một bước ngoặt khác. (V.H.Trần)
Tôi viết bài đây không nhầm kể lể cuộc sống của mình ở nơi đất khách quê người, bài viết chỉ là những gom góp vụn vặt về những bài học mà một du học sinh như tôi tích cóp được sau khi đi xa và học hỏi. Vâng, Australia trong tôi là một chuỗi các bài học về học thuật, tác phong và cả làm người.
Bài học đầu tiên: bài học về nề nếp
Người mua hàng chờ đến lượt thanh toán trong Siêu Thị Coles, Sydney, NSW.
|
Lúc còn nhỏ, ba má tôi bươn chải kiếm sống, nên gửi gắm tôi cho cậu mợ dạy dỗ (lúc đó cậu mợ còn sống chung một mái nhà với gia đình tôi). Vì là giáo viên, nên cậu mợ tôi luôn dạy chúng tôi về nề nếp và kỷ luật, tôi còn nhớ hoài và biết ơn sự giáo huấn của cậu mợ. Nề nếp luôn đi với sự gọn gàng, sự tuân thủ kỉ cương và kỷ luật, nói chung là bài bản và làm việc gì phải đến nơi đến chốn.
Australia không hề hiện đại như Singapore, không cổ kính hoàn toàn như các nước châu Âu, nhưng Australia rất nề nếp, một sự gọn gàng trong nếp sống và tác phong.
Xếp hàng: tôi chứng kiến văn minh loài người ở Australia như một cậu học sinh dưới quê lên thành phố, rất ngỡ ngàng khi sự bình đẳng được thể hiện một cách rõ rệt. Một anh chạy Audi A6 hay một bác quét rác cuối đường đều phải xếp hàng chờ đến phiên mình cho một bữa ăn, tôi thiết nghĩ hành động can đảm nhất một người có thể làm ở Australia là chen ngang hàng, nếu không tin tôi, bạn có thể kiểm chứng nhưng đừng bảo là tôi xúi. Đơn giản chỉ là một tiểu tiết nhỏ nhưng không ai bảo ai, mọi người đều tuân thủ trên một đất nước rộng lớn như vậy, nề nếp như một ngôi nhà gọn gàng.
Con đường: các bạn tôi thường đùa lái xe ở Australia đôi khi buồn ngủ lắm, tôi nghĩ lại cũng đúng, đường phẳng lì mà, vì thế chính phủ sợ các bác tài lái xe buồn ngủ quá nên làm nổi các đường phân cách giữa các làn xe. Đường ở Australia có nề nếp từ lâu rồi, tôi nghe một anh bạn kể lại, vì anh ấy là người đi du lịch nhiều nên đã đi hết những nẻo đường của Australia. Anh kể rằng đường được làm từ thời nữ hoàng đến giờ, nếu có sửa chữa gì thì chỉ trong vòng một đêm là xong. Đối với tôi, để làm được điều như vậy phải có sự hoạch định rõ ràng và gọn gàng, một nề nếp từ định hướng
Đèn đỏ: Sự nghiêm minh sẽ tạo nên nề nếp, chính phủ Australia phạt rất nặng cho việc vượt đèn đỏ, nên các bác tài luôn tuân thủ việc dừng đèn đỏ. Thậm chí, ngay cả khi đi bộ tôi cũng phát hiện được nề nếp của nước Australia, muốn qua đường thì phải xin phép, phải bấm nút giữa các đầu nối giao thông để xin qua đường, những chi tiết nhỏ như vậy luôn được mọi người dân tuân thủ, tôi hiểu rằng ý thức cũng tạo nên nề nếp.
Một đoạn đường tại thị trấn Katoompa, Sydney, NSW
|
Còi xe: nề nếp cũng là một phần của văn hóa, ở Australia tôi nghĩ có một văn hóa ngầm hiểu là "văn hóa còi xe". Còi xe chắc sẽ là phần hiếm sử dụng nhất của chiếc xe tại Australia, các bác tài chỉ sử dụng khi có việc gì qua đáng lắm xảy ra trên đường, nếu mọi việc trơn tru, tiếng còi là cái hiếm để tìm.
Người Trung Quốc có câu: "tài thông khi lộ thông", theo tôi nguyên nhân làm nên sự thịnh vượng của Australia là sự gọn gàng, nghiêm minh và có tổ chức trong đi lại cho người dân. Ở đây tôi mạn phép bàn về nề nếp trong giao thông đường bộ của Australia, như tiêu biểu của các loại hình giao thông khác, vốn dĩ cũng nề nếp không kém.
Bài học thứ hai: tác phong và lòng tự trọng
Người dân Sydney tại giao lộ The Victoria Galleries and QVB, Sydney, NSW.
|
Khi đi học ở Australia, bất kỳ bạn sinh viên nào cũng đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống đối với tôi, du học sinh cũng như những sinh viên từ dưới quê lên thành thị. Điều làm tôi ngạc nhiên là người Australia rất cần cù và khiêm tốn, làm việc gì họ cũng làm đến nơi đến chốn. Tôi có vài người bạn Australia, họ luôn đề cao giá trị của sự lao động và sự tự lập của bản thân, những người bạn đi làm thêm với tôi đôi khi đang học cấp 3. Đặc biệt hơn cả, người Australia không cho rằng họ giàu, họ luôn tự nhận đất nước mình còn nghèo, phải cố gắng hết mình, nên họ làm không có giấc ngủ trưa, giờ nghỉ được dùng cho việc ăn uống, thông thường khoảng 1 giờ đồng hồ.
Giáo dục là cái gốc của phát triển, Australia trong tôi rất coi trọng cái học, thư viện, bảo tàng được mở khắp nơi, không phải chỉ có thư viện ở các trường học, mà còn có các thư viện khu phố (town), thư viện thành phố và thư viện toàn bang.
Tôi không còn lạ lẫm khi thấy các cô các bác đáng tuổi cha chú mình, đầu hai thứ tóc vẫn cấp sách đến trường cùng lũ đầu xanh chúng tôi. Sự học là không giới hạn nên các trường đại học mở cửa 24/24, tôi không khỏi bắt gặp những hình ảnh học thâu đêm suốt sáng trong các trường đại học của các bạn sinh viên. Nhiều trường học còn trang bị nhà tắm, hay bếp ăn thu nhỏ để tiện cho các việc ở lại của các sinh viên. Điều đáng học nhất ở các bạn Australia là tinh thần tự giác và tự học, không cần phải nhắc nhở, vị giáo sư dạy tôi thường bảo: "Nếu mày đến học vì bằng cấp, vì một tấm giấy treo trên tường cho oai, không phải vì kiến thức thì đại học không phải là nơi của mày". Tôi học được tác phong trong việc học của bản thân, vì không có gì mau tiếp thu hơn bằng sự tự học từ bản thân.
Các bạn sinh viên đang ngồi tại góc tự học trường UTS, Sydney, NSW.
|
Australia không hoàn toàn là một bức tranh màu hồng như tôi từng nghĩ, ở đây vẫn diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa người với người. Điển hình là tôi vẫn phát hiện thấy những người khất thực, vô gia cư và ăn xin còn đó giữa lòng đô thị. Nhưng chính những người ăn xin đó đã dạy tôi bài học quý giá về lòng tự trọng: muốn được tôn trọng thì phải biết tự trọng trước tiên.
Có lần tôi đi làm về, trong túi không còn xu nào vì đã dốc tiền mua vé xe lửa, một người ăn xin đến hỏi tôi tiền mua bánh mì, tôi nói không còn tiền, ông cám ơn tôi, chúc tôi một ngày tốt lành và lẳng lặng bước đi. Sự tôn trọng người khác còn thể hiện qua sự biết ơn những công việc nhỏ nhặt nhất, như thể thói quen nói "cám ơn" và "vui lòng" đã ăn sâu vào ý thức mọi người. Ở Australia, nếu cho tôi đếm những từ mà người Australia nói thì đó là hai chữ mà tôi có thể đếm rằng được phát âm nhiều nhất.
Đây cũng chỉ là một phần nhỏ trong tác phong cũng như tính cách mà Australia đã cho tôi, còn nhiều và còn nhiều nữa những tiểu tiết những lời nói, hành động mà ẩn sâu trong đó là những giá trị làm người quí báu.
Bài học thứ ba: bài học về sự lạc quan
Bảo tàng Metropolitan Art Store vào lễ hội Vivid Sydney, NSW.
|
Người Australia có một câu cửa miệng nổi tiếng về tinh thần lạc quan của họ là "No worries" (tạm dịch là đừng lo quá). Ở người Australia, tôi thấy được giá trị đích thực của câu "Work smart, play hard" (tạm dịch là làm việc hiệu quả, chơi hết mình), người Australia làm việc nhanh gọn, rõ ràng và chăm chỉ, nhưng họ không bỏ phí những khoảng thời gian trống của mình, họ luôn tìm cách làm cho cuộc sống trở nên thú vị hơn. Họ chơi thể thao, du lịch và đọc sách rất nhiều.
Sydney hoàng hôn luôn đẹp từ một góc nhìn ở Watson Bay, Sydney, NSW.
|
Tôi luôn bắt gặp các cụ bà, cụ ông dù đã tuổi cao nhưng vẫn tay trong tay vào các bảo tàng, du lịch khắp mọi miền đất nước, các thanh niên thì hẹn nhau cuối tuần chơi Rugby, Cricket (hai môn thể thao nổi tiếng của Australia). Thêm vào đó, Australia được ưu đãi đường bở biển dài dọc đất nước, những phong cảnh làm lòng người lắng đọng. Theo tôi, những tư duy tích cực và lối suy nghĩ lạc quan đã được đúc kết từ đó.
Dãy san hô nổi tiếng Great Barrier Reef, Cairns, Queensland (bơi lặn và lướt sóng là hai môn thể thao dưới nước phổ biến ở Australia).
|
Các bạn nhỏ luôn được cha mẹ dẫn đi trượt tuyết vào mùa đông, Snowy Mountain, Thredbo, NSW.
|
12 Mỏm Đá nổi tiếng trên thế giới, 12 Apostles, Great Ocean Road, Melbourne, Victoria.
|
Bài học cuối cùng: bài học về hạnh phúc
Ở một đất nước phát triển như Australia, tôi cứ nghĩ đồng tiền là vạn năng, là quy chuẩn của mọi giá trị, nơi con người sẽ buông mình vào những cạnh tranh khốc liệt và buông mình vào vật chất, vào ước mơ, hoài bão cao xa. Nhưng không, tôi đã lầm, Australia cho tôi bài học giá trị của hạnh phúc, đó là sự bình yên nơi tâm hồn, không phải là những bữa ăn xa hoa đắt tiền, những món đồ hàng hiệu, một căn nhà tử tế, mà chỉ đơn giản là một bữa ăn với những người thân yêu của mình, giá trị cốt lõi của tình người mới là đỉnh cao của hạnh phúc. Cũng từ giá trị đó thúc đẩy các giá trị khác và thôi thúc tôi trở thành người có giá trị đối với bản thân và xã hội.
Cặp đôi người Australia đang tận hưởng bữa chiều đối diện biển tại Watson Bay, Sydney, NSW
|
Má tôi dạy: để làm một người có đạo đức, phải biết chọn cái hay mà học, phải biết sàng lọc cái khôn. Ra đi, dấn thân vào Australia, tôi tìm thấy nhiều bài học quý giá cho bản thân mình. Vâng, Australia trong tôi đơn giản là những bài học.
Bài viết chỉ là ý kiến chủ quan của bản thân tôi, có sự chưa hoàn hảo theo chiều hướng khách quan, bài viết không hề có ý so sánh với bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nếu có sai sót, hyvọng các quý độc giả bỏ qua.
Theo Vnexpress
Tin liên quan
Lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024 vừa được tổ chức tại...
Chứng chỉ PTE đang ngày càng trở nên phổ biến khi mở ra nhiều cơ hội học tập, phát triển và định...
Sáng 21-12, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh TP.HCM cùng Horizon TESOL đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ thiết yếu, mở ra cánh cửa hội nhập và...
Bình luận (0)