Không có thời gian cho con nên ba không hiểu con nhiều như mẹ, nhiều khi "đổ thừa" mẹ ở nhà dạy con không khéo "như con người ta".
Có lẽ giai đoạn nào của con trẻ cũng cần sự đồng hành của cả cha lẫn mẹ để có được sự phát triển trọn vẹn nhất – Ảnh minh họa Q.Đ.
Sáng mẹ đưa đi học, chiều về ba đón. Hỏi ai làm con vui hơn, con luôn trả lời: đi với cả ba mẹ đều thích. Bởi trên đường đi, con thường đặt câu hỏi nhưng những câu trả lời của ba con thích hơn, vì ba nói nhiều hơn mẹ…
Hỏi những đứa trẻ rằng con thích chơi với ai trong ba và mẹ, có lẽ người lớn nào cũng nhận được câu trả lời con thích chơi chung với cả ba mẹ.
Tuy nhiên, dường như không phải lúc nào cả ba cả mẹ đều có cùng thời gian bên con. Chơi với ba hay với mẹ, mẹ dạy con hay ba dạy con, hay ba chịu trách nhiệm dạy con mẹ làm nội trợ, hoặc mẹ phụ trách cả chuyện nội trợ lẫn dạy con?
Quanh đi quẩn lại chuyện dạy chuyện chơi cùng con trẻ vẫn còn nhiều vấn đề.
Phụ nữ nghiêng vai
"Ngày đi làm, cứ 4h chiều là thấp thỏm, 4h15 xin ra sớm để đi đón con. Hôm nào có ba tụi nó còn đỡ, hôm nào ba đi tiếp khách hàng, một mình mẹ chạy ba trường đón ba đứa. Năm rồi xin được hai đứa về học một trường.
Sau giờ học chính khóa con còn học thêm các lớp kỹ năng, ngoại ngữ, nên mẹ đua với thời gian, mua theo thức ăn để con ăn đỡ đói, rồi lại lao vào vòng quay đưa đón. Về đến nhà thì giục con làm bài tập về nhà, đã kịp coi gì để chỉnh sửa nét chữ chính tả cho con vì còn phải lao vào nấu nướng cho bữa tối".
Đó là sinh hoạt dường như thường xuyên của một người mẹ trẻ. Tất tả, chị quên cả việc chăm lo bản thân, có khi đến công ty ngồi được vài giờ, mới nhớ ra phải quẹt chút son lên môi cho tươi tắn.
Hỏi chị vậy chuyện dạy con trong nhà ai đảm trách? Chị lắc đầu: vì con còn ở tuổi mẫu giáo – tiểu học nên ba giao hết cho mẹ, từ dạy dỗ đến cho con ăn bởi ba thường xuyên đi tiếp khách hàng buổi tối.
Những lúc ba rảnh, cả nhà được chở đi chơi là thời gian vui nhất của tụi nhỏ.
Nhưng vì vậy cũng xảy ra nhiều chuyện, khi không có thời gian thấu đáo, quan sát con, nên ba không hiểu tính khí con nhiều như mẹ, ba cũng không biết con đã phát triển đến mức nào, và chính vì vậy, nhiều khi ba lại "đổ thừa" mẹ ở nhà dạy con không khéo "như con người ta".
So sánh là chuyện tối kỵ, người mẹ vì "hiểu" con hơn nên ít khi nào so sánh, nhưng người cha cứ vô tư đem "con người ta" về làm gương cho con mình, và điều ấy vô tình làm con trẻ tổn thương.
Nhiều người phụ nữ trong những gia đình trẻ vẫn nghiêng đôi vai mình như thế. Đơn giản, với người chồng người cha, anh nghĩ khi con còn nhỏ thì "cần mẹ" nhiều hơn, khi nào con lớn lên một chút mới cần đến vai trò dạy dỗ của người cha.
Nhiều người cha cũng nghĩ ở tuổi nhỏ con chỉ cần ăn, cần ngủ, và nếu mẹ có dạy cũng chỉ là dạy con học, kèm con viết, chưa cần tới những kiến thức xã hội sâu rộng khác. Nhưng nếp nhà hẳn phải có sự thống nhất chung giữa cha và mẹ.
Cha có là điểm tựa?
Nuôi dạy con, tất cả do tay cha hay dồn hết cho mẹ? Nếu một mình cha thì có hơn một mình mẹ? Người đàn ông bỗng nhiên – theo quan niệm chung – sẽ trở thành điểm tựa cho cả nhà khi là một người chồng, một người cha.
Không hẳn là điểm tựa về kinh tế, ở đây còn là điểm tựa về tri thức, về cách dàn xếp gia đình và chia sẻ việc nuôi dạy con.
Song dường như nhiều ông bố chưa tách riêng mình ra với xã hội để khi trở về gia đình thì thật sự gắn kết mình với gia đình.
Nhiều gia đình trẻ vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" trong phân công lao động giữa chồng – vợ trong nhà. Người vợ vẫn chưa tìm được "tiếng nói chung" về việc được chia sẻ thời gian vất vả.
Ngược lại, cũng nhiều ông chồng bỗng dưng bị "mất điểm" trong mắt vợ con khi không có khả năng tự quyết định nhiều vấn đề quan trọng của gia đình. Khi cán cân "lệch pha" nào xảy ra, con cái cũng bị tổn thương cao.
Việc nuôi dạy con, theo nhiều ông bố bà mẹ trẻ kết luận, đó là "một công việc toàn thời gian". Và vì toàn thời gian nên không ai có thể "đứng ngoài rìa" quan sát. Cũng không thể dè bỉu, chê bai cách của mẹ hay cách của cha trước mặt con cái mình.
Nhiều gia đình trẻ vẫn bị "lệch pha" trong việc phân công chăm sóc nuôi dạy con cái ngay từ khi con mới chào đời. Nơi nghiêng hẳn về phía cha, nơi nghiêng hẳn về phía mẹ.
Cũng có nhiều gia đình trẻ, cha mẹ quá bận rộn nên giao hẳn con cho ông bà. Đã vậy, không tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi trẻ ra sao, dạy con thế nào, nên mọi "tội lỗi" dường như đổ hết xuống đầu con trẻ khi con hư quấy.
Một thống kê vui của nhiều nhà làm sách và bán các loại sách về nuôi dạy con cái, số phần trăm mua loại sách này nhiều nhất là các bà mẹ.
Cũng vậy, ở các diễn đàn chia sẻ, vẫn là các bà mẹ cùng nhau đưa vấn đề và giải quyết vấn đề. Có phải vì người mẹ vẫn luôn cảm thấy kiến thức của mình "không bao giờ đủ cả" trong khi các ông bố luôn nghĩ "như là đúng rồi"? Hay do phụ nữ tính thích chia sẻ, còn đàn ông lại kiệm lời?
Dẫu lý do gì, gia đình nào cũng cần tiếng cười vui tràn dưới mái nhà, và dưới một nếp nhà ấm áp, hẳn con trẻ sẽ hạnh phúc vô cùng.
Bình luận (0)