Ở thị trấn Kế Sách (Sóc Trăng) ai cũng biết và nói về bà Trần Thị Kính với tên gọi thân thiết “bà giáo” như một sự tri ân. Dù nghỉ hưu gần 20 năm nay, bà giáo 72 tuổi luôn ngay ngáy lo cho hàng trăm trẻ nghèo không có điều kiện đến trường.
17 qua sau khi nhận quyết định về hưu, cô Kính âm thầm, lặn lội qua bao con kênh rạch tìm đến từng gia đình đồng bào dân tộc Khmer thuyết phục, động viên hay đúng hơn là “rủ rê” các cháu nhỏ đến trường. Năm, bảy rồi hàng chục em nhỏ đến trường.
Niềm vui dạy chữ cho trẻ vẫn còn “nóng” trong bà. Nhưng cái khó lúc này lại là cách dạy. Mấy chục năm dạy học cô Kính chưa tiếp xúc nhiều với học sinh con em dân tộc Khmer. Dạy chữ viết cho các cháu thật khó bởi các cháu dân tộc Khmer tiếp thu kiến thức qua tiếng Việt rất chậm và khó.
Giờ đây nhiều đứa học sinh gọi cô là “Bà cô” vì cha mẹ của các em nhỏ trước đây cũng là học trò của cô. (Ảnh: Bà giáo Kính miệt mài dạy chữ cho trò nghèo)
Tạo được cho các em niềm say mê học tập, bà Kính rất mừng nhưng cuộc mưu sinh của các gia đình nghèo lại lôi kéo các em về với những buổi bắt cua, mót lúa. Có những ngày lớp học của bà giáo còn 5, 7 học trò, bà lại lặn lội tới từng nhà khuyên giải, thuyết phục cho các em trở lại lớp.
Để những em bỏ học giữa chừng theo kịp chương trình, bà giáo lại cầm tay chỉ bảo từng em một. Lớp học tình thương theo quy định thì 5 tháng là đủ điều kiện phổ cập lớp 1. Riêng các học trò của bà giáo Kính phải kéo dài thời gian học đến 6 – 7 tháng.
Ban đầu, khi chỉ có 5, 7 học trò thì cô Kính mở lớp tại nhà. Sau số lượng học sinh ngày một đông, cô phải mượn cơ sở để mở lớp. Cái lớp ngày ấy được mở tại nhà hành lễ của một lò thiêu ở thị trấn. Thấy được hiệu quả của lớp học, ngành giáo dục, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đã giúp bà xây dựng một lớp học khá khang trang gần đó và một lớp khác ngay tại trung tâm thị trấn, đồng thời hỗ trợ tập sách cho các em. Năm nay, tại hai điểm trường có 34 em ở tất cả 5 khối lớp.
Ngồi trước mặt tôi là Sơn Ngọc Quí vừa tốt nghiệp ngành kĩ thuật điện lạnh trường dạy nghề Sóc Trăng. Với Quí, có tấm bằng tốt nghiệp nghề điện trong tay như là một giấc mơ. Nhà Quí nghèo đông anh em, cha mẹ làm thuê đủ nuôi con sống đã là may, huống chi tiền học. Năm Quí lên 11 tuổi, cô Kính đến tận nhà vận động cha mẹ cho anh em Quí đi học lớp tình thương.
Ban đầu cha mẹ Quí từ chối không muốn cho Quí và các em đi học mà muốn các con ở nhà cùng cha mẹ làm mướn kiếm tiền sinh sống qua ngày, nhưng bà giáo Kính thuyết phục, gần như năn nỉ để Quí được đi học. Quí tâm sự: “Nếu không có cô thì chắc giờ em cũng không biết chữ. Cô đã cho em cơ hội được học hành. Với em cô như người mẹ thứ hai”.
72 tuổi với 51 năm làm nghề gõ đầu trẻ trong đó có 17 năm đi dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo, bà giáo Kính không chỉ lo con chữ cho các em mà còn lo cho các em giấy thông hành vào đời. Thấy hàng chục học sinh sau khi học hết chương trình phổ cập cấp I ở các lớp tình thương không có hộ khẩu, không có giấy khai sinh, bà giáo Kính lại lóc cóc đạp xe đạp lên huyện gặp các nhà chức trách, gặp đến cả Bí thư huyện ủy huyện Kế Sách Huỳnh Văn Sum để làm thủ tục cho các em đi học tiếp.
Giờ đây nhiều em học sinh gọi cô là “Bà cô” vì cha mẹ chúng trước đây cũng là học trò của cô. Trên chiếc xe đạp cà tàng của mình, cô vẫn đều đặn đến lớp để trao cho các em “gia tài chữ nghĩa”.
Phạm Tâm/Dan tri
Bình luận (0)