Địa lan ở vùng rau, hoa cao cấp của nông dân Hà thành trên quê mới Đà Lạt |
Về Làng hoa Hà Đông Đà Lạt, vườn hoa nổi tiếng của người Hà Nội hơn 77 năm trước đã di cư về đây tạo lập, nếu hỏi gia đình cụ Nguyễn Đình Bộ thì dường như nhân dân trong vùng ai cũng biết…
Một gia đình ba đời lưu giữ nghề truyền thống
Những năm 1938-1940, theo sự vận động đưa người có tay nghề cao ở 6 làng hoa nổi tiếng ở Hà Nội (Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc) vào Đà Lạt để khai hoang, sản xuất rau, hoa phục vụ du khách, người Pháp và cư dân bản địa, cụ Ngô Văn Nhuận (bố vợ ông Bộ) đưa cả gia đình vào Đà Lạt. Ông Bộ cũng theo gia đình đến với vùng đất này khi mới 8 tuổi… Trong những năm đầu đặt chân đến Đà Lạt, các gia đình sống chung với nhau cùng khai hoang, sản xuất và chủ yếu trồng rau để giải quyết cái ăn trước mắt, sau đó các giống hoa truyền thống xứ Bắc lần lượt được đưa vào và bén rễ trên vùng đất đỏ bazan…
Sau khi cưới, vợ chồng ông Bộ sống chung trong gia đình vợ và được cụ Nhuận truyền nghề trồng rau, hoa cùng xây dựng cơ nghiệp.
Thừa hưởng truyền thống nghề trồng hoa của tổ tiên, lại được bố vợ truyền bí quyết trồng rau, hoa trên vùng đất mới, vợ chồng ông Bộ vươn lên làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển “thương hiệu” Làng hoa Hà Đông. Những năm đầu ra ở riêng, ông Bộ chuyên trồng rau và dâu tây trên 5 sào đất được gia đình vợ cho, lúc đó, rau tươi và dâu tây rất có giá nên gia đình ông thu nhập khá. Những năm sau, ông chuyển sang trồng các loại hoa: Lay ơn, cúc Nhật, địa lan, phong lan… Ông là hộ gia đình đầu tiên ở ấp Hà Đông khởi xướng nghề trồng hoa địa lan, phong lan và bonsai. Ngoài bán cho các cơ sở và những gia đình khá giả, ông Bộ còn tham gia các đợt triển lãm hoa, bonsai tổ chức ở Đà Lạt, các tỉnh và đạt nhiều giải thưởng. Giai đoạn 1986-1990, gia đình ông Bộ đã xuất khẩu hoa địa lan, phong lan và các loại hoa cắt cành sang Liên Xô (cũ) và một số nước…
Trí thức làm… nông dân
Đến nay, phần lớn những người thuộc thế hệ đầu tiên của Làng hoa Hà Đông đã qua đời, vài cụ còn lại đều cao tuổi. Song, “hậu duệ” các cụ ngoài cần cù, chịu thương chịu khó với nghề truyền thống thì tri thức, trình độ khoa học kỹ thuật chính là “sức bật” mới đã đưa Làng hoa Hà Đông phát triển, vươn xa! Đặc biệt, trong gia đình có ba đời gắn bó với nghề trồng rau, hoa (từ cụ Ngô Văn Nhuận đến cụ Nguyễn Đình Bộ), xuất hiện thế hệ thứ ba – một trí thức nông dân thành đạt – Vũ Nhuần (con rể cụ Bộ).
Tốt nghiệp trung cấp điện tử Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Lâm Đồng năm 1984, thay vì “hành nghề” điện tử, cơ khí, chàng trí thức này “rẽ ngang” làm… nông dân! Vốn có kiến thức và nhạy bén sức trẻ, Vũ Nhuần tham gia Tập đoàn sản xuất khu phố Đông Tĩnh cùng nhân dân sản xuất, phát triển làng nghề. Anh được tín nhiệm cử làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao của Làng hoa Hà Đông. Những năm đầu “khởi nghiệp”, Vũ Nhuận chuyên trồng hoa địa lan cắt cành. Nghề nào cũng có lúc được, có khi thất bát, nhất là nghề trồng rau, hoa giữa lúc nông dân ở Đà Lạt chỉ biết dựa vào thời tiết mưa, nắng thất thường. Rau, hoa của Vũ Nhuần cũng như các hộ gia đình khác gặp khi trời mưa dầm bị thiệt hại lớn, thất thu. Một lần ngồi nhìn mưa, chàng nông dân trẻ chợt lóe lên ao ước: Giá như có mái che cho rau, cho hoa?…
Ông Nguyễn Đình Bộ và anh Vũ Nhuần |
Khác với thế hệ cha, ông, lấy kinh nghiệm nhiều năm đúc kết làm phương thức sản xuất, Vũ Nhuần trăn trở lặng lẽ tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm mong tìm cách làm mới mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn. Sau nhiều năm giao du tìm hiểu, nghiên cứu qua tài liệu, internet… dịp may đã đến, năm 1990 Vũ Nhuần đã gặp PGS.TS Nguyễn Văn Uyển (Viện Sinh học nhiệt đới) – người đặt nền móng đầu tiên về nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Việt Nam, (hiện ông đang sống tại Lâm Đồng). Ông đã hướng dẫn anh Nhuần tài liệu về kỹ thuật nuôi cấy mô các giống rau, hoa. Cùng với tài liệu quan trọng này, Vũ Nhuần tiếp tục nghiên cứu thêm trên internet về công nghệ trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới và mạnh dạn thử nghiệm. Năm 1992, gia đình Vũ Nhuần là hộ đầu tiên ở Đà Lạt thực hiện thành công việc trồng rau, hoa trong nhà kính. Vũ Nhuần cho biết, nhà kính đầu tiên anh làm có diện tích 220m2 và đưa vào trồng thử các giống hoa salem, sao tím, cúc đại đóa… Năng suất thu nhập hết sức bất ngờ: Gấp 50 lần so với trồng ngoài tự nhiên (cùng một diện tích).
Từ thành công của anh Nhuần, nhiều hộ nông dân đã tìm đến học hỏi kinh nghiệm và phát triển mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà kính và nhà lưới ở Đà Lạt những năm sau này… |
Tiếp tục công nghệ nuôi cấy mô, cũng nhờ PGS.TS Nguyễn Văn Uyển giới thiệu, anh Nhuần đã tiếp xúc và được cán bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thử nghiệm thành công, anh Nhuần chuyển sang nuôi cấy mô giống hoa salem, babi, cúc đại đóa, các giống cúc mới ngoại nhập, dâu tây mới, cà chua cao cấp… bán cây giống cho các nhà vườn. Hiện nay, toàn bộ 5.000m2 nhà kính anh Nhuần trồng các giống hoa mới, các loại rau, cà chua cao cấp với công nghệ bán thủy canh tưới nhỏ giọt. Trung bình mỗi mùa, gia đình Vũ Nhuần thu nhập trên 500 triệu đồng.
Bằng kiến thức, sự năng động tự tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm và đi đầu trong việc áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và giúp nông dân vươn lên làm giàu, Vũ Nhuần trở thành tấm gương sáng của nông dân ở Làng hoa Hà Đông và nông dân Đà Lạt. Năm 2010, Vũ Nhuần được UBND TP.Đà Lạt tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong chuyển giao khoa học kỹ thuật – sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; năm 2013, anh được chọn, tôn vinh là một trong 120 gương mặt điển hình nhân kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển; Đặc biệt, năm 2014 “Cơ sở vườn dâu Vũ Nhuần đạt thương hiệu dâu sạch quốc tế” được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Công thương tặng huy chương vàng…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Hơn 70 năm lập nghiệp Hơn 70 năm lập nghiệp trên quê mới, gia đình ông Bộ luôn gặp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh (từ trồng rau, dâu tây, sản xuất địa lan, phong lan, cúc Nhật cho đến hoa cắt cành, bonsai, cây kiểng…) đều đem lại nguồn thu nhập cao, kinh tế gia đình lão nông này khá vững. Nhờ đó, việc học hành, thành đạt của con, cháu ông Bộ rất thuận lợi, tiếp tục kế nghiệp. Năm 2009, Làng hoa Hà Đông được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận “Làng nghề truyền thống” và ông Nguyễn Đình Bộ được tặng danh hiệu “Nghệ nhân” trồng hoa đầu tiên của làng hoa này… |
Bình luận (0)