Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Bà giáo già và đàn con khiếm khuyết

Tạp Chí Giáo Dục

 Chúng tôi đến thăm lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam vào một buổi sáng trời mưa. Căn phòng học nhỏ trong khuôn viên trường THCS An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội) vang lên tiếng ngọng nghịu đọc bài của những em học sinh khuyết tật.
Bà giáo Hương Nam tận tuỵ với học trò kém may mắn trong lớp học tình thương.
Chốc chốc, lại có thêm một phụ huynh đẩy xe hoặc cõng con mình đến xin cho vào học muộn. Bà giáo lại loay hoay giúp các em ổn định chỗ ngồi, đến từng em, cầm tay uốn từng nét chữ.
14 năm thắp lên hy vọng
Tháng 6.1997, lớp học tình thương dạy chữ cho trẻ khuyết tật của bà giáo Nam khai giảng lần đầu tiên chỉ với hai em học sinh mà bà khó khăn lắm mới vận động được. Người ta không dám tin con em mình sẽ học được; người ta không dám giao con cho một bà giáo đã già. Giờ đây, đã có hơn 10 em theo học lớp tình thương của bà Nam. Điều đáng mừng là không chỉ có những em nhỏ tại địa phương mà nhiều gia đình có con cái khuyết tật ở các nơi khác trong nội thành Hà Nội cũng tìm đến với bà. Lớp học bây giờ cũng có một địa chỉ cụ thể. Ban giám hiệu trường THCS An Dương đã dành cho bà và các em một phòng học tươm tất, không phải học tạm bợ tại nhiều nơi như trước kia.
Bà nhỏ xíu người, giọng Huế ngọt lịm. Bà kể rằng bà sinh ra trong một gia đình nhà giáo. Năm 1954, bà theo chồng tập kết ra Bắc và dạy tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám. Ngày về hưu, tham gia công tác dân số tại địa phương, bà có dịp gặp gỡ và chia sẻ với những gia đình có người thân khuyết tật. Mở ra lớp học tình thương, bà mong rằng sẽ phần nào chia sớt những nỗi đau với các bậc sinh thành, để các em nhỏ có thêm một chút niềm vui, một chút niềm tin vào cuộc sống khi cuộc đời đã lấy đi của các em quá nhiều mất mát.
Cứ như thế, gần mười bốn năm qua, cứ một tuần sáu buổi, bà giáo Nam lại góp nhặt yêu thương để đến với các em. Không toan tính thiệt hơn, không thu một đồng học phí. Không thương sao được khi học trò của bà đều là những đứa trẻ tật nguyền! Hơn mười em nhỏ được bà bảo ban, có em khiếm thính, tự kỷ, có em chậm phát triển trí tuệ, có em lại mắc tật vận động… Để các em tự chăm sóc bản thân mình, đã là một điều khó. Dạy chữ, dạy cho các em biết làm toán, dạy các em đi vào nề nếp, biết lẽ phải ở đời lại là một câu chuyện dài đầy tâm huyết trong suốt ngần ấy năm. Giờ đây, học trò của bà Nam đều biết đọc, biết viết, biết gọi dạ bảo vâng, đem lại niềm vui, niềm hy vọng cho những người thân.
Tuổi 79 vẫn trẻ trung
Mắt bà giáo già ánh lên niềm hạnh phúc khi nói về những đứa học trò nhỏ của mình. Tình thương mà bà đem đến cho các em, không mong đợi được đáp đền, nhưng đã được đón nhận hết sức thật lòng trong những hồn nhiên vô ưu ấy. Đó là một ngày sau giờ lên lớp, bà đi bộ về nhà thì bị tai nạn giao thông. Tuy không bị thương nặng nhưng bà không đến lớp được, vậy là hôm sau, có một em học trò tìm đến nhà bà mà ngồi mãi không về, em bảo em phải trông chừng vì sợ bà chết đi. Đó là câu chuyện về những cành hoa bà nhận được từ các em trong ngày Nhà giáo, ngày Quốc tế phụ nữ hàng năm…
Dạy cho người lành lặn đã khó, dạy cho các em bị khuyết tật còn khó khăn hơn. Và mỗi câu chuyện vất vả đã qua, những kỷ niệm đẹp bà nhận được cứ nối dài trong những yêu thương. Hỏi rằng các con có khuyên mẹ nghỉ ngơi để được phụng dưỡng không, bà bảo các con bà giờ đều thành đạt, con trai cả có bằng tiến sĩ, “Các con thấy mình còn khoẻ, còn làm việc giúp đời được nên rất mừng và luôn luôn ủng hộ mẹ…” – bà cho biết. Vậy nên, bà sẽ ở hoài bên đàn học trò nhỏ của mình. Tuổi 79 của bà vẫn trẻ trung với không biết bao nhiêu công việc đang đảm đương ngoài lớp học: chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi cụm 6, tình nguyện viên phòng chống ma tuý, cộng tác viên dân số của phường… Xem ra, bà vẫn còn chưa tính chuyện nghỉ ngơi!
Theo Bích Uyên
(SGTT.VN) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)