Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ba kịch bản Covid-19 trong tương lai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Omicron lây lan nhanh có thể khiến Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nhưng cũng có nguy cơ virus tiến hóa thêm và nguy hiểm hơn với con người.

Trong gần nửa năm qua, biến chủng Delta của nCoV hoành hành khắp thế giới, dường như có khả năng đánh bại tất cả các biến thể khác, đến mức một số nhà khoa học tin rằng khả năng lây nhiễm sang người của virus này đã đạt đến cực hạn.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Omicron vào cuối tháng 11 đã khiến giới khoa học phải suy nghĩ lại. Sau khi được ghi nhận ở phía nam châu Phi, biến chủng mới dường như nhanh chóng lan tới hàng chục quốc gia trên toàn cầu chỉ trong thời gian rất ngắn, khiến Tổ chức Y tế Thế giới nhanh chóng liệt nó vào nhóm biến chủng đáng lo ngại.

Hiện chưa có dữ liệu đầy đủ về mức độ lây lan cũng như độc lực của Omicron, nhưng các nghiên cứu sơ bộ ở Nam Phi và một số phòng thí nghiệm trên thế giới cho thấy biến chủng này có nguy cơ lây nhiễm cao hơn với những người từng mắc Covid-19 trước đây.

Nó cũng được cho là có khả năng né tránh vaccine tốt hơn chủng gốc. Nghiên cứu sơ bộ tại Nam Phi cho thấy hai mũi tiêm vaccine Pfizer cung cấp khả năng bảo vệ trên 90% trước chủng nCoV gốc, nhưng hiệu lực ngăn lây nhiễm biến chủng Omicron chỉ còn 33%. Dù vậy, hai liều vaccine Pfizer vẫn giúp ngăn 70% nguy cơ người nhiễm chủng Omicron phải nhập viện.

Khi các nghiên cứu dần được công bố, các nhà khoa học đang tự hỏi liệu Omicron có thể đạt khả năng lây nhiễm tới mức nào. Không dễ để tìm ra câu trả lời vào thời điểm này, nhưng giới nghiên cứu đã vạch ra ba kịch bản về tương lai Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 272 triệu người nhiễm và hơn 5,3 triệu người chết trong hai năm qua.

Kịch bản đầu tiên mà các nhà khoa học nghĩ tới là Covid-19 sẽ trở thành bệnh theo mùa dưới tác động của biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng có dấu hiệu gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác.

Virus là dạng sống đơn giản có một mục tiêu chính là tồn tại. Hầu hết giới khoa học đồng tình rằng cách tốt nhất để nCoV tồn tại lâu dài là trở thành bệnh đặc hữu, tương tự như cúm hoặc các loại virus corona khác đã làm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Sydney, Australia hôm 29/11. Ảnh: Reuters.

"Virus dường như không thể làm gì tồi tệ hơn những gì chúng ta đang đối phó", Vaughn Cooper, giám đốc Trung tâm Y học và Sinh học tiến hóa thuộc Đại học Pittsburgh, Mỹ, nói.

Nếu virus trở nên nguy hiểm và gây tỷ lệ tử vong cao hơn ở người nhiễm, nó có thể gặp tình cảnh "gậy ông đập lưng ông", bởi vật chủ cần phải sống để có thể tiếp tục lây truyền mầm bệnh cho người khác. Một khi virus đã đạt tới giới hạn về khả năng lây truyền, các biến thể trong tương lai có thể không cần phải thay đổi nhiều cách thức hoạt động.

"Liệu chúng ta có phải chơi trò đuổi bắt mãi mãi với nCoV hay không? Câu trả lời là không. Nó sẽ trở thành bệnh đặc hữu theo mùa. Điều đó có thể xảy ra trước khi kết thúc thập kỷ này", Cooper nói.

Dù cho rằng sẽ có những thời điểm virus bùng phát mạnh hơn bình thường, chuyên gia này nhận định vaccine sẽ tiếp tục là công cụ giúp con người tránh nguy cơ mắc bệnh nặng.

Theo ông, kháng thể do vaccine cung cấp không phải là hình thức bảo vệ duy nhất của cơ thể con người. Các tế bào bạch cầu, thường được gọi là tế bào T và tế bào B, cũng có khả năng ghi nhớ những kẻ tấn công trong khoảng thời gian lâu hơn kháng thể.

"Tôi có thể tự tin rằng ba liều vaccine hiện nay là đủ để tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào đa dạng, giúp bảo vệ người tiêm trước virus trong vài năm", Cooper nói. "Tôi đặt cược vào điều đó. Tôi có thể bị nhiễm virus, nhưng sẽ không trở nặng bởi tế bào T và B đã đối mặt với thứ tương tự trước đó".

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Sydney, Australia hôm 29/11. Ảnh: Reuters.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Sydney, Australia hôm 29/11. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, một số chuyên gia dịch tễ tiếp tục vạch ra kịch bản thứ hai, khi nCoV đã chạm đến cực hạn về khả năng lây truyền, bởi tất cả những người mà nó có thể lây nhiễm đều đã đạt khả năng miễn dịch ở mức độ nào đó.

Tới lúc đó, để tiếp tục sống sót, virus có thể phải tìm cách xuyên thủng hệ miễn dịch của con người, có được sau khi bị nhiễm nCoV hoặc tiêm chủng.

"Cách dễ dàng nhất đối với virus để tiếp tục gây đại dịch là dần dần tránh né hệ miễn dịch", Adam Kucharski, nhà dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, Anh, nói. "Điều này tương tự những gì chúng ta thấy với các loại virus corona gây bệnh theo mùa khác".

Trong trường hợp đó, khả năng miễn dịch phổ biến trong dân số có thể gây áp lực buộc virus phải tiến hóa thành các biến thể mới để ngày càng làm giảm hiệu lực của vaccine.

"Các biến chủng mới có khả năng làm suy yếu hiệu quả của vaccine nhiều khả năng sẽ xuất hiện", Andrew Read, chuyên gia nghiên cứu về quá trình tiến hóa của bệnh truyền nhiễm tại Đại học bang Pennsylvania ở Mỹ, cảnh báo. "Virus vẫn chưa khai phá hết tiềm năng đột biến của nó".

Một kịch bản khác được giới khoa học vạch ra là khi nCoV tiếp tục lây lan, nó sẽ kết hợp với các loại virus corona khác trên động vật, tạo thành một "chủng lai" quay lại tấn công con người. Giới nghiên cứu cảnh báo rằng đây là kịch bản tồi tệ nhất với nhân loại.

Trong kịch bản này, một loài động vật vốn mang trong mình một chủng virus corona khác, có thể đồng thời bị nhiễm Omicron hoặc một biến chủng của nCoV khác trên người. Khi đó, hai loại virus này sẽ kết hợp với nhau trên cơ thể động vật, tạo thành một biến chủng lai nguy hiểm hơn nhiều so với các phiên bản cũ, sau đó lây nhiễm trở lại cho con người.

"Chúng ta có rất nhiều loại virus corona trên động vật, do đó khả năng một phiên bản lai của chúng xuất hiện và lây cho con người là rất cao", chuyên gia Read nói.

Trong thế kỷ 21, nhân loại đã ghi nhận ba loại virus corona gây bệnh nghiêm trọng lây lan từ động vật sang người, gồm SARS-CoV, MERS-CoV và SARS-CoV-2 (nCoV). Read cho biết virus corona có khả năng tái tổ hợp cao và một nghiên cứu hồi tháng 5 phát hiện điều này ở một bệnh nhân bị viêm phổi. Trước đó, một nghiên cứu vào tháng 12/2020 cũng từng phát hiện sự kết hợp của virus corona ở dơi và tê tê.

Cả Cooper và Read đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ này ở loài hươu đuôi trắng tại Mỹ. Một nghiên cứu được Học viện Khoa học Quốc gia thuộc Đại học Mỹ công bố cuối tháng 11 cho thấy kháng thể nCoV xuất hiện trong 40% mẫu xét nghiệm của những con hươu đuôi trắng ở các bang Michigan, Pennsylvania, Illinois và New York từ tháng 1 đến tháng 3. Một nghiên cứu khác cũng cho biết 80% mẫu xét nghiệm trên loài hươu đuôi trắng ở Iowa từ tháng 11/2020 đến tháng 1/2021 dương tính với nCoV.

Tỷ lệ nhiễm nCoV cao như vậy khiến các nhà nghiên cứu nhận định hươu đuôi trắng là loài lây truyền nCoV cho nhau rất mạnh. Họ cũng xác định được các biến chủng nCoV khác nhau trên loài này, cho thấy chúng có thể bị nhiễm virus từ con người.

"Hươu đuôi trắng xuất hiện ở hầu hết các nơi trong khu phố của tôi ở ngoại ô Pittsburgh", Cooper nói. "Chúng tôi biết virus đang tiến hóa trong chúng, nhưng nó tiến hóa thế nào lại là điều bí ẩn".

Tuy nhiên, Cooper cho rằng khả năng một người hoặc một động vật bị nhiễm hai loại virus corona cùng lúc là vô cùng hiếm hoi. "Chúng ta nên lo lắng về điều đó, nhưng khả năng này khá thấp", ông nói, thêm rằng nguy cơ virus tái tổ hợp là mối lo ngại khá xa vời.

"Hầu hết trường hợp tái tổ hợp của virus đều thất bại, bởi các thành phần của chúng không kết hợp tốt với nhau", Cooper nói. "Nhưng một bài học mà chúng ta rút ra từ đại dịch này là bất cứ chuyện khó tin nào đều có khả năng xảy ra".

Thanh Tâm (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)