Hội nhậpThế giới 24h

Ba Lan, Đức đồng loạt quốc hữu hóa tài sản của công ty khí đốt Nga Gazprom

Tạp Chí Giáo Dục

Ba Lan và Đức quốc hữu hóa tài sản công ty Gazprom của Nga nhằm đảm bảo nguồn cung giữa lúc châu Âu phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine.

Ngày 14-11, chính phủ Ba Lan thông báo sẽ tiếp quản tài sản tại Ba Lan của Công ty khí đốt Gazprom của Nga.

Theo đó, Ba Lan sẽ tiếp quản cổ phần của Công ty EuRoPol Gaz, chủ sở hữu đoạn tại Ba Lan của đường ống dẫn khí Yamal-Europe, một phần quan trọng của hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên tại Ba Lan. Chính phủ Ba Lan khẳng định việc tiếp quản là cần thiết cho an ninh năng lượng của nước này.

Trên thực tế, Gazprom có 48% cổ phần của EuRoPol Gaz, trong khi 48% khác thuộc sở hữu của Công ty PGNiG của Ba Lan, còn 4% cổ phần còn lại thuộc về Gas Trading của Tập đoàn PKN Orlen.

Ba Lan, Đức đồng loạt quốc hữu hóa tài sản của công ty khí đốt Nga Gazprom - Ảnh 1.

Trụ sở Gazprom Germania tại Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 9-2022, Ba Lan đã áp đạt các biện pháp trừng phạt đối với Gazprom và thông báo rằng tài sản của công ty này sẽ bị đóng băng. Trước đó, vào tháng 4, Ba Lan áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 50 công ty và nhà tài phiệt Nga, trong đó có Gazprom.

Đáp trả, Nga ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ba Lan do Warsaw từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo yêu cầu của Moscow.

Ngay sau quyết định mới nhất của Ba Lan, chính phủ Đức cũng tuyên bố sẽ quốc hữu hóa công ty con cũ của Gazprom là Công ty Bảo đảm năng lượng châu Âu (SEFE), còn gọi là Công ty Gazprom Germania.

Theo Bộ Kinh tế Đức, việc quốc hữu hóa Sefe là do Berlin lo ngại công ty này mất khả năng thanh toán, qua đó có thể "đe dọa đến an ninh nguồn cung năng lượng của Đức". Phía Đức cũng trích dẫn gánh nặng nợ nần của công ty, cho biết động thái này nhằm ngăn chặn nguy cơ phá sản, đảm bảo công ty tiếp tục hoạt động.

Ba Lan, Đức đồng loạt quốc hữu hóa tài sản của công ty khí đốt Nga Gazprom - Ảnh 2.

Tòa tháp thương mại Trung tâm Lakhta – nơi đặt trụ sở của công ty độc quyền khí đốt Nga Gazprom ở St. Petersburg, Nga. Ảnh: AP

Hãng tin AP nhận định đây là lần quốc hữu hóa mới nhất trong ngành năng lượng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cũng trong ngày 14-11, Bộ Ngoại giao Nga thông báo rằng 100 người Canada đã bị thêm vào danh sách cấm nhập cảnh vào nước này để đáp trả lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga.

Tờ The Guardian dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong số đó có các quan chức cấp cao, doanh nhân, nhà hoạt động, các cơ cấu truyền thông và tài chính có liên quan trực tiếp đến việc hình thành đường lối chống Nga tích cực. Ngoài ra, còn có nam diễn viên Jim Carrey, nữ diễn viên Katherine Winnick, các nhà văn nữ Margaret Atwood và Maria Reva, nhà văn kiêm nhà làm phim David Bezmozgis, Giám đốc An ninh Truyền thông Canada Caroline Xavier, và cựu Tổng công tố Peter McKay.

Hồi tháng 5, Canada cấm khoảng 1.000 công dân Nga nhập cảnh vào nước này, bao gồm Tổng thống Vladimir Putin. Đến tháng 8, Canada tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 62 công dân Nga. Cuối tháng 9, Bộ Ngoại giao Nga cấm 87 công dân Canada nhập cảnh vào Nga.

Theo Huệ Bình/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)