Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, bà Nguyễn Thị Mười (má Mười Riều, sinh 1920, quê thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bán gia sản mua tàu cho con trai vượt biển ra Bắc chở vũ khí phục vụ chiến dịch Bình Giã.
Tên của má gắn liền với những chiến công lừng lẫy của đoàn tàu không số. Má đã ra đi ở tuổi 95, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật tuổi già.
Bán gia sản sắm tàu chở vũ khí
Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, má Mười Riều (ghép tên má với tên chồng Lê Văn Riều) đã bán gia sản 23 cây vàng và đôi bông tai để mua nguyên vật liệu đóng tàu cho con trai, nguyên thuyền trưởng tàu không số Lê Hà cùng đồng đội ra Bắc chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch Bình Giã.
Cuộc đời của má gắn liền với những chiến công oanh liệt của đoàn tàu không số nói chung và đoàn tàu không số làng chài Phước Hải nói riêng. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Đức, nguyên Tham mưu phó Lữ đoàn 125 Hải quân nhớ lại, má Mười thương yêu anh em như con trong nhà. Mỗi khi tàu cập bến, má lo đủ thứ, từ miếng ăn, giấc ngủ, khi tàu xuất phát là thức ăn món gì cũng có. “Tấm lòng của má như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua gian khó, quyết tâm chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Má Mười Riều lúc sinh thời (ảnh chụp năm 2012) |
Sinh thời má kể, khi hay tổ chức cần vũ khí chuẩn bị cho chiến dịch Bình Giã, má xung phong lo tàu. Không ít người nghe vậy ậm ờ, bảo má chuyện hệ trọng cứ như giỡn chơi. Má chẳng thèm trả lời trả vốn chi, cứ im lặng mà làm. Có tàu rồi, má báo cáo tổ chức ngay.
Theo nhà văn Mã Thiện Đồng, người nắm giữ khá nhiều tư liệu về má, ngày đó, má tìm một chiếc ghe máy cũ không mui mua lại của dân, dài cỡ 7m, bề ngang hơn 2m, loại ghe nhỏ đánh cá ven bờ. Má dồn hết của cải dành dụm trong nhà, không đủ, phải chạy vay mượn của bà con mới mua được. Chiếc ghe đó là tài sản lớn, ngày ấy không phải dân chài xã Phước Hải này ai cũng sắm được. Mỗi ngày má mua được vài lít dầu, một ít gạo, than củi, má lại mang ra căn cứ Lộc An, chôn ở ven bờ sông Ray, hoặc cùng mấy chị gánh hàng đi bán, mang theo thùng dầu và gạo, vùi trên bãi biển Hồ Tràm, mỗi nơi cất giấu một ít. Cả lưới chài dụng cụ đánh bắt cá, nào đồ ăn nước uống, lần lần má sắm mua cho đủ, má còn may 6 bộ bà ba nâu kiểu miền Bắc. Má biết tàu ra tận miền Bắc xin vũ khí, phải đi biển trên mươi ngày đường, chưa kể những bất trắc có thể xảy đến, các con cần những gì. Chiếc ghe ấy được “lên đời” và mang tên tàu Bà Rịa.
Cười tươi đến ngày nhắm mắt
Ngày 27-2-1962, má tiễn con trai Lê Hà lên tàu ra Bắc. Các anh Thôi Văn Nam, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Trần Minh Hoàng là những người được tuyển từ du kích địa phương cũng có mặt trên tàu xuất phát từ Hồ Tràm. Tàu Bà Rịa là một trong 5 thuyền từ miền Nam ra Bắc xin vũ khí từ năm 1961-1962 với 23 chuyến thành công, góp phần làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
Chuyện đời của má trải qua quá nhiều bi thương, thế mà má kể nghe nhẹ tênh, như không có chuyện gì xảy ra. Chồng má anh dũng hy sinh ở chiến khu D. Người con, em của Lê Hà mắc bệnh từ nhỏ. Những chuyến Lê Hà ra Bắc mấy tháng ròng chẳng tin tức, đã hơn một lần má lập bàn thờ con. Rồi còn bao chuyện cứ liên tiếp đè lên đôi vai gầy yếu của má, cứ trút xuống một con người đã chịu nhiều đau thương, mất mát. Thế mà má vẫn cười tươi cho đến lúc nhắm mắt.
Ở làng chài Phước Hải, má Mười Riều còn có biệt danh là “Bà Mười hòa giải”. Từ chuyện vợ chồng trẻ trong xóm lục đục hay mâu thuẫn, tranh chấp lớn, nhỏ giữa các mối quan hệ trong xã… má chỉ nói một đôi câu là im re, đôi bên thuận hòa, hiểu nhau hơn. Chị Ngân Thương, hàng xóm của má kể, thanh niên trong xóm hư hỏng không lo làm ăn cha mẹ khuyên can không nghe, chính quyền địa phương can thiệp cũng không ổn nhưng “Bà Mười hòa giải” nói là nghe liền. Không ít thanh niên thay đổi tính nết, bỏ rượu chè chí thú làm ăn, gia đình êm ấm nhờ “Bà Mười hòa giải”.
Bài, ảnh: Tuy An
“Bà má huyền thoại”, người điểm tô thêm trang sử vẻ vang của đoàn tàu không số là cái tên với tất cả lòng tôn kính của thế hệ cháu con đã đặt cho bà. |
Bình luận (0)