Nghe nơi nào có người rơi vào hoàn cảnh éo le, cô giáo Thúy đều không ngại xa xôi đến tìm hướng giúp đỡ. Lúc đi dạy, cô Thúy đã nâng đỡ không biết bao nhiêu mảnh đời học sinh bất hạnh, nay về hưu vẫn không nguôi tấm lòng thơm thảo ấy.
Cô giáo về hưu Phạm Thị Ngọc Thúy và bạn Nguyễn Thị Hộp – Ảnh: HỮU TRÍ
|
Tốt nghiệp khoa văn Trường cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn năm 1979, Phạm Thị Ngọc Thúy (quê Thừa Thiên – Huế) về “gõ đầu trẻ” tại huyện Điện Bàn rồi Duy An, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) phải làm đủ nghề từ đan len, nuôi heo đến bán bánh bột lọc để nuôi hai đứa con gái nhỏ và chăm sóc người chồng bị mất sức lao động.
Nghĩa tình ở “xóm mồ côi”
Trong căn nhà tranh ở cái “xóm mồ côi” – nơi hẻo lánh chỉ có vài mái nhà những năm ấy, cô Thúy cưu mang không biết bao nhiêu học sinh nghèo ham học. “Cái thời sau giải phóng ấy lũ bạn chúng tôi ai cũng háo hức muốn đem sức mình đi làm một điều gì đó có ích, đâu nghĩ đến chuyện thiệt mất cá nhân”, cô Thúy thổ lộ.
Võ Bê nhà nghèo rớt mồng tơi không có tiền đóng học phí nên cứ đến kỳ là cô lấy tiền lương đóng rồi đưa biên lai cho Bê, nói là xin tiền ủy ban xã nộp để Bê yên tâm đi học. Hùng mồ côi mà học giỏi cực kỳ, ngày đi Liên Xô học, cô Thúy tháo mấy cái áo len cũ đan lại thành cái mới tặng. Bạn Trần Phước Ninh bị tàn tật, làm thơ hay, mưu sinh bằng nghề bán vé số và nhang đèn, chẳng may bị lũ cuốn trôi nhà, cô Thúy bỏ tiền kêu học sinh đến đắp lại nền và chạy khắp nơi xin gạch, gỗ dựng nhà mới.
“Làm xong hết 4,3 triệu đồng tôi điếng cả người, lương giáo viên có được nhiêu đâu nhưng nghĩ giúp thì giúp cho trót”. Năm 2007, cô Thúy bắt đầu mở lớp dạy văn miễn phí và nhờ một thầy giáo về dạy toán cho gần 20 học sinh không có tiền đi học thêm. Thi chuyển cấp II lên cấp III xong, cô lì xì mỗi đứa 15.000 đồng và đi xin cho mỗi em 30 cuốn tập, năm em gái có điểm từ 50 trở lên được cô may cho áo dài đi học.
“Trẻ khi khó khăn nhận được giúp đỡ thì sau này trưởng thành sẽ nuôi ý nghĩ giúp đỡ lại những người khác”, cô Thúy nói. Nghe bạn Nguyễn Thị Hộp mồ côi cha, mẹ nuôi bốn chị em gái vừa đậu ĐH Phan Chu Trinh (Quảng Nam) nhưng không có tiền đóng học phí, cô Thúy liền gửi cho 1,5 triệu đồng và giúp làm hồ sơ chạy khắp nơi xin học bổng. Bạn Trần Huyền Trang đậu ĐH Đà Nẵng có nguy cơ bỏ học vì nghèo, cô Thúy cũng gửi cho tiền nhập học và nhờ một học sinh cũ cùng trường kèm cặp giúp đỡ.
Bạn Nguyễn Ngọc Sang vào ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong cảnh mẹ đau, cha mất sức lao động, cô Thúy đem chiếc xe gắn máy hằng ngày đi dạy của mình ra tận Đà Nẵng tập cho Sang đi. “Cho em mượn chiếc xe đi kiếm việc làm thêm mà ăn học, cô chạy về kiếm người tài trợ cho. Ra trường trả xe cho cô nhưng cấm sửa sang lại”, cô Thúy bảo Sang vậy.
Già hay trẻ là tại tấm lòng
“Con gái lớn giờ làm ở công an tỉnh, con gái nhỏ đi du học, vậy là “xong đường” cho chúng nó rồi nên tôi xin về hưu sớm để làm tiếp những việc mình theo đuổi khi còn trẻ”, cô Thúy thổ lộ. Quán cà phê tại thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên của cô sáng nào cũng đông phụ huynh, giáo viên đến chuyện trò. Cô Thúy khoe ngày dựng quán, phụ huynh chặt cây đem đến làm cột lợp mái, mấy học sinh cũ về lấy hai cái rổ úp lại làm đèn trang trí, mỗi người một tay chỉ hai ngày là xong.
“Ăn mấy tí, ở mấy xí, chỉ sợ mình đau xuống không còn làm gì được nữa, chứ còn sức là tôi còn đi giúp mấy em học sinh”, cô giáo về hưu 53 tuổi nói. Nghe có đoàn từ thiện nào đến địa phương giúp đỡ bà con, cô Thúy đều tìm cách kéo họ đến thăm những mảnh đời học sinh học giỏi gặp gia cảnh bất hạnh.
“Nghề giáo đâu phải cứ đến trường dạy cho hay rồi hết buổi về là nghĩ mình làm xong nhiệm vụ. Tôi nghĩ bộ đồng phục học sinh tạo ấn tượng về sự ngang bằng nhau giữa mấy đứa trẻ, nhưng thật ra mỗi em có mỗi cảnh đời khác nhau cần được quan tâm chia sẻ bằng cách này hay cách khác, như thế mới giúp các em có đủ niềm tin và nghị lực để vào đời”, cô Phạm Thị Ngọc Thúy – người vừa được bà con Nam Phước “đẩy” vào ghế chủ tịch hội khuyến học thị trấn – nói như thế.
HỮU TRÍ/ TTO
Bình luận (0)