Sự kiện giáo dụcTin tức

Ba năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa THPT: Chương trình vẫn dài và nặng

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THPT tìm mua sách

Các đại biểu tham gia Hội thảo Đánh giá 3 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 19 và 20-9 đều đề cập đến nhiều vấn đề cần phải khắc phục, đổi mới…
Địa phương lúng túng
Vụ trưởng Vụ GD Trung học Vũ Đình Chuẩn đánh giá, cả nước hiện rất thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện cho giáo dục THPT. Đội ngũ giáo viên thiếu đồng bộ và chưa được chuẩn bị tốt về kỹ năng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình và SGK mới còn nhiều hạn chế. Thời gian bồi dưỡng ít; phương pháp, hình thức bồi dưỡng một số môn còn đơn điệu, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động của người học; chất lượng tài liệu bồi dưỡng chưa cao; nhiều nơi chưa cung ứng kịp thời thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ bồi dưỡng.
Hầu như các trường đều thiếu thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, phòng thiết bị, sân chơi, bãi tập nhất là thiếu máy vi tính cho môn tin học. Nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Bộ mua những thiết bị dạy học không đảm bảo chất lượng. Đại diện Cục Cơ sở vật chất & thiết bị, đồ chơi trẻ em cũng nhìn nhận, nguyên nhân do các thiết bị dạy học theo SGK mới lần đầu có mặt trên thị trường trong khi các địa phương lại thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác thiết bị dạy học, thiếu đội ngũ cán bộ am hiểu về thiết bị để kiểm tra chất lượng khi nghiệm thu. Ngân sách Nhà nước không hỗ trợ đủ 100% nhu cầu thiết bị dạy học cho các trường. Nhiều địa phương không tổ chức tốt việc tập huấn sử dụng thiết bị cho giáo viên khiến không ít giáo viên lúng túng hoặc ngại sử dụng thiết bị dạy học. Bộ GD-ĐT thống kê, chỉ khoảng 75% giáo viên được tập huấn thiết bị dạy học, gần 90% giáo viên sau đó sử dụng thành thạo. Nhu cầu phòng thiết bị và phòng học bộ môn tại mỗi trường tối thiểu từ 5 đến 7 phòng trong khi đến niên học 2007-2008 mới chỉ đáp ứng được gần 4 phòng/trường. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên còn quá lệ thuộc sách giáo khoa, ít chủ động vận dụng linh hoạt nội dung dạy học cho phù hợp đặc điểm địa phương và khả năng nhận thức của học sinh. Việc kiểm tra đánh giá cũng nặng yêu cầu tái hiện kiến thức, thiếu vận dụng, sáng tạo.
Nên xây dựng chương trình cho 37 tuần?

Đã có sửa đổi, nhưng chương trình, SGK hiện vẫn còn “nặng” với học sinh. Ảnh: M.T

Năm học qua, Bộ GD-ĐT bắt đầu thực hiện kế hoạch giáo dục với 37 tuần thực học thay cho 35 tuần trước đây, trên cơ sở giữ nguyên tổng số tiết học dành cho các môn, điều chỉnh thời lượng và tích hợp một số hoạt động giáo dục, giảm số tiết học hàng tuần. Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT Long An Châu Minh Hiền “kêu”, việc giữ nguyên thời lượng 35 tuần để tổ chức giảng dạy trong 37 tuần là không phù hợp. Ông Hiền cho rằng, với cách làm này, không giảm nhẹ được thời lượng chương trình mà chỉ là giảm số tiết dạy trong tuần (từ 3 tiết/tuần (với môn học nào đó) xuống còn 2 tiết/tuần). Nhiều đại biểu cũng đồng tình rằng nên xây dựng chương trình cho 37 tuần thì mới đảm bảo hiệu quả. Đại biểu khác đề nghị bỏ phần học nghề cho học sinh lớp 11 vì khi đăng ký học, phần đông các em đều chọn học nghề tin học mà tại trường các em đã được học môn này trong suốt 3 năm. Với môn học ngoài giờ, có trường ý kiến rằng chương trình còn bị lặp lại ở 3 lớp 10, 11, 12 chỉ khác ở mức độ, yêu cầu… khiến người học nhàm chán. Đại diện Sở GD-ĐT Ninh Thuận nhận xét, chương trình dạy học môn giáo dục công dân bậc THPT còn nặng tính hàn lâm mà chưa nhấn mạnh được mục đích giáo dục học sinh cách làm người, giáo dục hành vi. Ông Võ Văn Tám – Trưởng phòng GD Trung học Bình Thuận cũng chung quan điểm, những kiến thức liên quan đến triết học, tư duy trừu tượng ở môn giáo dục công dân chỉ phù hợp với cử nhân hoặc cấp cao hơn, còn rất khó hiểu và “xa lạ” đối với học sinh. Ở môn văn cũng vậy, những bài như Phú sông Bạch Đằng của Nguyễn Trãi hay Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm vừa quá dàn trải lại khó tiếp thu đối với học sinh. Chưa hết, nhiều giáo viên vẫn còn cho biết việc số tiết dạy ứng với từng bài ngắn hơn trước khiến cho giáo viên gặp không ít khó khăn. Ông Lê Trí Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kế Sách (Sóc Trăng), cho biết: “Tôi đã từng hỏi một trong những người biên soạn môn toán, một bài mà soạn số tiết tương ứng là 3,5 tiết thì làm sao mà dạy nổi. Vị này trả lời: đó là do Bộ GD-ĐT đặt hàng, tôi viết 3,5 tiết nhưng tôi vẫn dạy 7 tiết. Nếu như vậy, chẳng những không giảm tải được mà còn gây thêm gánh nặng cho HS và giáo viên”.
Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận chương trình giáo dục THPT hiện nay còn nặng. Năm 2008 Bộ GD-ĐT đã tiến hành đánh giá nhưng chưa sâu, từ năm nay (2009), Bộ tiến hành đánh giá từng môn, hướng dẫn điều chỉnh và cách dạy phù hợp.
 
M.TÂM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)