Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ba năm “Xây dựng xã hội học tập”: Xóa mù chữ nhiều… tái mù chữ cao!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một giờ học tại TTGDTX quận 4. Ảnh: T.TRINgày 27-10-2008, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT  đã tổ chức hội nghị sơ kết ba năm “Xây dựng xã hội học tập”. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã tới dự  và chỉ đạo hội nghị. Theo kết quả báo cáo chương trình đã huy động được hơn 163 nghìn học viên ra lớp xóa mù chữ (XMC)… thì sau ba năm đã có hàng chục nghìn người tái mù chữ.

Một xã hội học tập

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, sau ba năm, đề án xây dựng xã hội học tập đã dần đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong quá trình CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế tri thức ở nước ta. Phần lớn các tỉnh, thành phố đã có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể trong việc triển khai đề án, trong đó, công tác XMC được coi trọng hàng đầu. Bộ GD-ĐT cùng các địa phương tích cực chỉ đạo mở các lớp XMC nhằm giữ vững tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 (đối với những vùng thuận lợi) và 15 đến 25 (đối với những vùng khó khăn) đồng thời thu hẹp tỷ lệ người mù chữ ở các độ tuổi trên 35.

Trong ba năm, cả nước huy động được hơn 163 nghìn học viên ra các lớp XMC, hơn 123 nghìn  học viên học chương trình giáo dục sau khi biết chữ và gần 26 triệu lượt người tham gia các lớp học chuyên đề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX),  trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ). Có hơn 18 triệu nông dân được tham gia các lớp chuyên đề thuộc các lĩnh vực sản xuất khác nhau như: nông, lâm, ngư nghiệp. Thông qua các đợt học tập, người nông dân  không chỉ phát triển sản xuất theo phương pháp truyền thống, mà đã biết phối hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao hiệu quả thu nhập. Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật kinh tế và xã hội nhằm nâng cao khả năng công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở xã, huyện cũng thu nhiều kết quả với hơn một triệu cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước tham gia học tập  các chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, lý luận, ngoại ngữ… Ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập 649 trung tâm GDTX, gồm 66 trung tâm cấp tỉnh và 583 trung tâm cấp huyện. Các trung tâm GDTX đáp ứng nhu cầu bổ túc văn hóa cho lực lượng đông đảo nhân dân. Ngoài chỉ đạo của ngành giáo dục, phong trào đổi mới phương pháp dạy học, phổ biến sáng kiến kinh nghiệm, thực hiện chương trình và nền nếp giảng dạy cũng được đội ngũ giáo viên quan tâm, tạo ý thức dạy và học tập tốt. Đặc biệt, trong phát triển các trung tâm HTCĐ đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các ngành và đông đảo nhân dân. Với hơn 9 nghìn trung tâm HTCĐ cả nước (đạt tỷ lệ 81,93% số xã, trong khi mục tiêu đến năm 2010 là 80% số xã), bằng những hình thức học tập, giáo dục phong phú, đa dạng, linh hoạt theo phương châm cần gì học nấy, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các địa phương…

Ngổn ngang khó khăn

Tuy nhiên, trong khi triển khai, đề án vẫn còn không ít bất cập, khó khăn. Tỷ lệ người mù chữ tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây nguyên còn nhiều (Gia Lai hơn 67 nghìn người, Sơn La hơn 51 nghìn người…). Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, một số tỉnh có người tái mù chữ cao, như Hà Tây cũ 17.896 người; Lạng Sơn 12.469 người, Gia Lai 5.763 người… Việc huy động người ra lớp còn gặp nhiều khó khăn, trong khi chưa có biện pháp để hạn chế người tái mù chữ. Hơn nữa, chất lượng dạy học bổ túc văn hóa trong các trung tâm GDTX chưa cao. Điều kiện dạy học của phần lớn các trung tâm còn thiếu thốn như không có thư viện, phòng thí nghiệm, thực hành… Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu mới do còn dạy chay, phương pháp lạc hậu, tính ứng dụng thực tế không cao, chưa phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Kết quả xếp loại học lực năm học 2007-2008 cho thấy, tỷ lệ khá giỏi chỉ chiếm 6,5%, tỷ lệ yếu kém vẫn còn 28,7% (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lần một là  42,55%).

Mặt khác, nhận thức và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương còn hạn chế. Nhà nước chưa có chương trình, mục tiêu cụ thể cho việc hỗ trợ giáo dục thường xuyên phát triển nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan với Bộ GD-ĐT cho mục tiêu của đề án còn chậm, bộc lộ nhiều hạn chế. Vì vậy, ngoài những kết quả đạt được thì theo những chuyên gia giáo dục, cần có sự gắn kết chặt chẽ và nâng cao nhận thức của Đảng ủy, chính quyền địa phương với công tác xây dựng xã hội học tập.

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, giáo dục là động lực chính để phát triển kinh tế xã hội. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng giải pháp cụ thể phát triển trung tâm HTCĐ. Phải làm sao để có mô hình trung tâm tốt nhất. Đồng thời, cần có sự điều tra, rà soát, đánh giá đúng thực trạng XMC để từ đó xây dựng, ban hành chuẩn XMC và có những giải pháp gắn với thực tiễn hơn. Cùng với phát triển mạng lưới trung tâm GDTX, HTCĐ cần xây dựng các tài liệu, chương trình học tập và phương pháp giảng dạy tiên tiến, đáp ứng kịp nhu cầu học tập và phát triển. Việc đa dạng hóa các hình thức học tập với thời gian học tập linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có hoàn cảnh khác nhau đều theo học cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho mục tiêu xây dựng phong trào cả nước thành một xã hội học tập trở thành hiện thực.

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)