Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Bà ngoại của tình thương” đã ra đi…

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Minh Quân tại tòa soạn Báo Giáo Dục đầu xuân 2009

Tôi gọi nhà văn Minh Quân là “Bà ngoại của tình thương” vì hai lẽ: trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, hầu hết những tác phẩm của bà đều viết cho đối tượng thiếu nhi, được các độc giả nhí dành cho những tình cảm yêu thương đặc biệt; thứ hai, trong suốt mấy chục năm qua, bà luôn hết lòng với những hoạt động từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP.HCM. Giờ bà đã ra đi rất thanh thản ở cái tuổi 81…
Một người bạn cùng làm từ thiện chung với nhà văn Minh Quân (xin được giấu tên) cho biết: “Thấy hoàn cảnh nào đáng thương là chúng tôi dốc hết tiền túi ra ủng hộ mà không cần phải được lên báo hay truyền hình để ghi công trạng. Tất cả đều xuất phát từ trái tim yêu thương những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bà đi xa, chúng tôi còn lại sẽ tiếp tục với công tác từ thiện vì đó chính là làm đẹp cho đời…”.
Ngay từ thời học cấp II, tôi đã rất hâm mộ ba nhà văn, nhà thơ chuyên viết cho thiếu nhi là Thy Ngọc, Minh Quân và Trần Hoài Dương. Với nhà văn Minh Quân, tôi đặc biệt yêu thích những tác phẩm bà viết cho thiếu nhi lẫn người lớn qua: Máu đào nước lã, Ngục thất giữa rừng già, Những ngày xanh, Vượt đêm dài, Mưa sa mạc, Những ngày cạn sữa, Theo chân thần tượng, Về thăm thầy cũ… cùng rất nhiều quyển sách do bà dịch. Khi về công tác tại Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với bà vì bà là cộng tác viên rất thân thiết của báo. Mái tóc bạc trắng, giọng nói rổn rảng và nụ cười lúc nào cũng điểm trên môi. Nhiều người cho rằng chính sự lạc quan yêu đời đó đã giúp cho bà nhiều năng lượng để sống tốt và viết đều tay. Thỉnh thoảng cùng bà ngồi uống trà tại tòa soạn, tôi hỏi: “Nhiều người thắc mắc, không biết lý do vì sao những trang viết của bà thì đầy nữ tính nhưng bà lại ký một bút hiệu đầy vẻ đàn ông?”. Bà cười trả lời: “Không phải mình cậu thắc mắc như vậy đâu mà nhiều độc giả cũng thường hỏi tôi như thế. Tôi tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Bích Lợi, sinh năm 1928 tại Nha Trang. Thật ra ngày trước tôi ký nhiều bút hiệu, cốt để che mắt bọn mật thám thời Pháp. Về sau, có lần ông chủ bút tạp chí tôi vẫn cộng tác nói với tôi bằng giọng phách lối rằng phụ nữ không thể viết nên hồn nếu không nhờ các ông nâng đỡ. Tôi đã nói thẳng với ông ta rằng “Tôi xin từ biệt báo ông! Sẽ chẳng bao giờ tôi viết cho ông nữa, ông khỏi nhọc công nâng đỡ”. Sau đó, tôi bỏ hết những bút hiệu phụ nữ như Bích Thủy, Bích Lan, Chí Lan, Minh Tâm… và ký toàn những bút hiệu đàn ông: Minh Tuấn, Bửu Lợi, Minh Quân, cuối cùng tôi giữ luôn bút hiệu Minh Quân. Từ khi tôi đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Hội Bút Việt thì hình tôi được in lên sách. Cũng từ đó, tôi đã lộ ra là phụ nữ, không còn được các ông chủ báo ngỡ là đàn ông nữa – vì tôi muốn được thấy tên mình trên sách báo nhờ ở thực lực chớ không phải nhờ họ nâng đỡ như lời tuyên bố của ông chủ bút năm nào. Và cũng từ đó, độc giả trẻ của tôi không còn gọi tôi là “chú” nữa…”.
Tôi nhớ rất rõ vào một ngày cuối năm 2005, nhà văn Minh Quân đón xe ôm đến tòa soạn với gương mặt rạng ngời niềm vui. Bà ký tặng chú Nguyễn Tri Chính (lúc ấy là Phó tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM, cũng là đứa em văn thơ thân thiết với bà) và tôi quyển Túp lều bác Tôm do bà cùng Mỹ Lan biên dịch sang tiếng Việt vừa xuất bản. Đây là tác phẩm chống chế độ nô lệ của nhà văn Harriet Beecher Stowe người Mỹ hấp dẫn và bán chạy nhất trong thế kỷ 19 đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Khi bài viết giới thiệu về quyển sách của bà do tôi viết đăng trên Báo Giáo Dục sau đó không lâu, bà gọi điện cảm ơn tôi và nói đùa: “Cậu sẽ có quà bất ngờ…”. Tôi chỉ cười rồi quên mau. Không ngờ ngày 23 Tết năm ấy, bà đến tòa soạn tìm tôi và gửi bao lì xì trong đó có 50.000 đồng: “Cô gửi chút lộc xuân lấy hên, chúc cậu luôn viết sung sức…”. Tôi cảm ơn bà rối rít. Món quà không lớn nhưng chan chứa tình cảm của “bà ngoại tình thương”… Khi chú Nguyễn Tri Chính mất, bà đến viếng, mắt đỏ hoe: “Tưởng em sẽ khóc tiễn đưa chị trước, ai ngờ giờ chị phải khóc tiễn đưa em trước. Yên nghỉ nhé, em trai”. Đọc những lời này bà viết trong quyển sổ tang, cả tòa soạn của tôi ai cũng xúc động. Những ngày đầu xuân 2009, tôi và bà lại có dịp ngồi với nhau, cùng trao đổi để tôi thực hiện bài viết về bà cho chuyên mục Thời đi học của người nổi tiếng. Không ngờ, đây là bài viết cuối cùng của tôi dành cho bà. Nhìn lại bức ảnh do chính tôi chụp bà tại tòa soạn với nụ cười thật tươi, tôi không khỏi bồi hồi. Tôi nhớ mãi lời bà nói: “Với tôi, viết là một nhu cầu, là niềm vui trong cuộc sống. Không viết được tôi như con chim bị nhốt trong lồng, con cá bị rời mặt nước. Tôi không cô đơn khi được viết, không dài thì ngắn, không nhiều thì ít. Tóm lại tôi cần viết như cần thở…”.
Và chỉ có khi ngưng thở như lúc này, bà mới ngừng viết. Nhưng tôi tin rằng, những tác phẩm bà để lại cho đời vẫn in sâu trong lòng người đọc…
SONG MINH

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)