Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bà ngoại phụ hồ nuôi cháu thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Lê Thị Phiến luôn đồng hành cùng cháu trong các đợt thi. Ảnh chụp hai bà cháu thí sinh Nguyễn Văn Châu trong ngày đầu tiên đi thi tại TP.HCM

Vác xi măng, bẻ sắt… là những công việc mà bà Lê Thị Phiến (60 tuổi) ở xã Tân Phú, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) làm bao năm nay. Tuy nhiên, 10 ngày gần đây, bà được… nghỉ làm để đưa cháu đi thi đại học (ĐH).
Cháu tăng tốc, bà “tăng ca”!
Để được “nghỉ phép” và có tiền đưa cháu đi thi ĐH, bà Phiến đã phải “tăng ca” trước đó nhiều ngày liền. Bình thường, công việc phụ hồ của bà bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 5 giờ chiều. Những ngày “tăng ca”, bà kết thúc công việc lúc 9 giờ tối. Dù vậy, trừ đi chi phí ăn uống, sinh hoạt, hai bà cháu vẫn không đủ tiền để lên TP.HCM thi. Trước ngày cùng cháu lai kinh ứng thí, bà phải ứng trước 800 ngàn đồng của chủ dằn túi.
Đợt thi đầu, cháu của bà là thí sinh Nguyễn Văn Châu thi vào ngành sư phạm toán Trường ĐH Cần Thơ. “Vốn liếng” mang theo không nhiều nên mấy ngày thi bà Phiến phải cố gắng tiết kiệm chi tiêu, để dành tiền lo cơm nước cho cháu. Bản thân bà có bữa phải nhịn ăn. Trong đợt hai này, Châu thi vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Là học sinh nghèo vượt khó học giỏi, Châu được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam (Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam) lo chi phí đi lại, ăn ở suốt những ngày thi nên bà ngoại “thở phào”, không còn căng thẳng nữa. Lên TP.HCM thi, trong túi hai bà cháu chỉ có vỏn vẹn 500 ngàn đồng. “Mong cho cháu thi đậu trước đã, còn tiền nợ về làm trả sau cũng được”, câu nói đầy quyết tâm của bà Phiến khiến người nghe cảm động. Sâu xa, bà Phiến ước mong rằng, cháu mình thi tốt để có nghề nghiệp, công việc nuôi được bản thân và lo cho mẹ bệnh. Chứ bà già yếu rồi, không biết còn đủ sức phụ hồ được bao lâu nữa.
Chẳng phải đợi đến tận thời điểm này bà Phiến mới lo âu. Cái ngày cậu bé Châu cất tiếng khóc chào đời, bên cạnh niềm hạnh phúc, khi ấy bà đã hiểu rằng để cháu mình có miếng ăn, được học con chữ thì chính bàn tay bà phải cố gắng làm lụng cho dù đến lúc sạm da, bạc tóc. Vì vậy, dù công việc phụ hồ nặng nhọc và cơ cực đối với phận nữ, bà vẫn kiên quyết bám trụ. Nhất là khi thửa đất nhỏ của gia đình trồng lúa thì có năm được mùa, có năm thất bát không đủ nuôi ba miệng ăn, chưa kể tiền thuốc thang cho đứa con gái bệnh tật. Nhiều khi nghĩ về cuộc sống khó khăn, thiếu thốn hiện thời, bà Phiến lặng thầm rơi nước mắt…
 “Không để bà vất vả lâu nữa”…
Giờ đây, bà Phiến tự hào vì mình đã có “thâm niên” trong nghề, dù những kinh nghiệm bà có được chỉ thông qua học… lỏm. Sau 6 năm phụ hồ, bà tự hào vì mình còn vác nổi bao xi măng, khiêng được nửa thùng hồ và leo cao đến năm giàn giáo. Bà tâm sự rằng làm lâu rồi nên thấy vui với công việc nhưng điều khiến bà gắn bó lâu dài với nó chính là vì kiếm được tiền nuôi con, nuôi cháu. 60 tuổi, mặt bà sạm đen. 60 tuổi, bàn tay bà các ngón không gầy guộc theo tuổi mà thô cứng vì khiêng nặng, bẻ sắt… Hai bàn tay ấy đến giờ cũng thường xuyên bị tê buốt. Khi bác sĩ khám rồi cho biết nguyên nhân do hoạt động quá nhiều chứ không phải bệnh, bà hớn hở nói “mừng”. Mừng vì đôi tay này còn tiếp tục làm việc được, còn kiếm ra tiền lo cho cháu ở chặng đường kế tiếp khi Châu trở thành sinh viên.
“Nếu đậu ĐH, em sẽ đi làm thêm tự lo cho mình không để bà phải làm lụng vất vả nữa” –  dự định đầu tiên của cậu học trò nghèo khi trở thành sinh viên là như thế đó. Thương bà và mẹ, ngay từ thời phổ thông Châu đã cố gắng học tốt. Cuộc sống nghèo khó, bản thân em cũng đã có những tháng ngày đi học với đôi giày rách và bộ áo quần cũ kỹ. Ngay cả hành trang em mang đi thi cũng vậy, đôi ba bộ quần áo đơn sơ, giản dị. Nhưng em không dám đòi hỏi nhiều bởi em nhận ra bà ngoại đã dành cho mình và mẹ sự hy sinh quá lớn. Việc đền đáp biết bao nhiêu cho vừa, vậy nên trong những dự định tiếp theo của cuộc đời mình, từ học tập đến sau này khi ra đời làm việc, Châu đều dành cho hai người phụ nữ ấy vị trí đặc biệt quan trọng.
Không thấy nụ cười xuất hiện nhiều trên gương mặt Châu, có lẽ cuộc đời với em còn nặng gánh nhưng trong ánh mắt cậu học trò nhỏ này người ta luôn bắt gặp sự quyết tâm lớn. Khi sinh ra, không ai lựa chọn được cho mình số phận, quyết tâm là để thay đổi nếu cuộc đời còn lắm khó nghèo. Đó là lý do Châu hứa với lòng, nhất định em phải đậu ĐH…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Mẹ Châu bị tâm thần trước khi sinh ra em nên bà Phiến vừa là ngoại vừa là mẹ. Số tiền bà dành dụm được từ công việc phụ hồ đều dành nuôi hai mẹ con Châu. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)