LTS: Nhân ngày 20-11-2021, đạo diễn – nhà báo Thanh Hiệp đã trải lòng về tình thầy trò của anh với ba bậc thầy mà anh mang ơn suốt đời là: NSND – đạo diễn Trần Minh Ngọc, nhạc sĩ Vũ Hoàng và nhà văn Đoàn Thạch Biền.
Nhà văn của tuổi mới lớn
Như ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho nỗ lực vươn lên trong niềm đam mê viết về nghệ thuật, tôi nhận được sự dìu dắt của người thầy đầu tiên, đó là nhà văn Đoàn Thạch Biền. Những năm khi tôi còn cộng tác cho Chuyên san Áo Trắng với những mẩu tạp văn, truyện ngắn, đoản văn… tôi may mắn được gặp chủ bút. Tôi ngồi đối diện với nhà văn Đoàn Thạch Biền, câu đầu tiên anh hỏi: “Đọc giọng văn tưởng em lớn tuổi, không ngờ còn quá trẻ. Có thích làm báo không? Nếu thích thì thứ hai cùng anh đến địa chỉ này?”. Và rồi đúng hẹn, tôi theo anh đến tòa soạn Báo Công nhân giải phóng (tiền thân của Báo Người lao động), giới thiệu tôi gặp nhạc sĩ Vũ Hoàng – Trưởng ban Văn nghệ của báo, từ đó tôi bén duyên với nghề làm báo.
Đạo diễn – nhà báo Thanh Hiệp và nhà văn Đoàn Thạch Biền
Trong quá trình gắn bó với Ban Văn nghệ, tôi nhận được sự chỉ dạy tận tâm của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Điều khiến những ai yêu thích văn chương của anh chính là cách đặt những câu văn ngắn gọn, nhưng không hề thô ráp. Hơn 30 năm qua dù trải qua nhiều biến động, nhưng anh vẫn trung thành, đều đặn cho ra đời những tiểu thuyết như: “Tôi thương mà em đâu có hay”, “Tôi hay mà em đâu có thương”, “Mây bay trong đầu”, “Những ngày tươi đẹp”, “Mùa hè khắc nghiệt”…
Cho đến ngày nay những tác phẩm của anh đã được xem là khuynh hướng tiên phong trong việc mở đường cho văn chương tuổi mới lớn đầy mơ mộng. Anh đã phá bỏ lối kể chuyện truyền thống, thay vào đó là cấu trúc về dòng chảy ký ức. Không chỉ viết cho tuổi áo trắng, anh còn truyền ngọn lửa đam mê cho nhiều cây bút mới.
Với những bản thảo đầu tiên anh góp ý với tôi, từ cách đặt vấn đề, đến bình luận đều mang tính logic. Hồi đó tôi viết đủ lĩnh vực. Từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, cho đến văn nghệ quần chúng, điện ảnh, ca múa nhạc đều xông vào không ngại khó. Anh ghi nhận nhưng vẫn dành lời khuyên chân thành: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, em nên chọn một bộ môn tâm đắc nhất để theo đuổi. Và thế là tôi chọn Sân khấu. Không quên những lần cùng anh đi xem kịch, anh phân tích, chỉ dẫn rất cặn kẽ về cách nhìn nhận vấn đề mà vở diễn đặt ra, để từ đó chọn thông điệp sâu sắc nhất mà viết.
Anh cũng là người sáng lập Câu lạc bộ văn thơ Gia đình Áo Trắng. Chính anh đã cặm cụi, biên tập từng câu chữ, tổ chức bài vở cho từng số. Suốt 30 năm qua, câu lạc bộ này đã ươm mầm cho nhiều ngòi bút trẻ mà nay họ đã trở thành nhà văn, nhà thơ có tên tuổi như: Dương Bình Nguyên, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Trang Hạ, Lê Thiếu Nhơn, Trần Hoàng Nhân, Dương Thụy, Phan Hồn Nhiên, Hải Miên…
86 tuổi vẫn đầy nhiệt huyết với học trò
Trong quá trình dấn thân với nghề, tôi đã may mắn nhận được nhiều bài học quý từ thầy Trần Minh Ngọc.
Thầy luôn dạy khi tôi học còn học khóa đại học đạo diễn đầu tiên tại phía Nam do Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM liên kết với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội tổ chức: “Tuổi trẻ là phải đương đầu với khó khăn. Phải đi đến nơi mình muốn đến, phải làm điều mình chưa từng làm để rồi biết mình là ai và trở thành điều gì trong cuộc sống”.
Thanh Hiệp và thầy Trần Minh Ngọc
Chúng tôi đã tiếp nhận từ thầy những “vốn kinh nghiệm” to lớn, là bài học quý giá trên hành trình làm nghề với vai trò đạo diễn và là người tử tế.
Và đến thời điểm này, khi viết về thầy, trò chuyện cùng thầy, tôi vẫn nhận được nhiều lời khuyên chân thành.
“Nghề nào cũng vậy, khi nghĩ sâu hơn về những khía cạnh, các bạn sẽ nhận thấy rằng đây chỉ là những bước đệm nhỏ, những khó khăn nhỏ phải đối mặt. Quan trọng là biết vươn lên trong nghề để chạm tay đến ước mơ lớn” – thầy luôn căn dặn.
Thầy vẫn thế, ngày ngày đón đưa từng chuyến đò qua sông không quản nắng mưa sương gió, mà đâu hay mái tóc đã ngả màu phôi pha vì cực nhọc, sức khỏe dù đã kém hơn trước, nhất là sau lần bị tai nạn giao thông gãy ba xương sườn, thì tháng năm dù hằn sâu trên khuôn mặt, khóe mắt thầy, song nhiệt huyết với nghề vẫn cháy bỏng. Bốn năm đại học từ những tiểu phẩm nhỏ cho đến những vở diễn học kỳ, rồi thi tốt nghiệp, tôi đã nhận từ thầy rất nhiều kinh nghiệm quý. Nhớ nhất tháng ngày cùng thầy tham gia chấm thi Cuộc thi tuyển chọn diễn viên Trần Hữu Trang, rồi đi trại sáng tác, mỗi nhận xét ở góc độ chuyên môn của thầy đã là kim chỉ nam để tôi định hướng con đường mình chọn.
Người thầy cho tôi niềm tin
Đó là nhạc sĩ Vũ Hoàng, người đã cho tôi niềm tin để đeo bám nghề đạo diễn, báo chí cho đến ngày hôm nay.
Thanh Hiệp và nhạc sĩ Vũ Hoàng
Số là lúc đó gia cảnh khó khăn, tôi vừa đi học, vừa đi làm công nhân, rồi tham gia học nghề làm báo. Cực nhọc quá, có lần tôi bày tỏ nguyện vọng xin bảo lưu khóa đại học đạo diễn, để hai năm sau sẽ học lại vì công việc quá nhiều. Lập tức nhạc sĩ Vũ Hoàng lúc đó là Trưởng ban, anh đã phê bình tôi với những lời nói làm tôi suy nghĩ nhiều đêm liền. Anh bảo, tuổi trẻ nào cũng phải đối mặt với gian nan, sao lại vội đầu hàng. Liệu hai năm nữa niềm đam mê sân khấu có còn hay là sẽ bị tắt ngúm? Vì lời nói đó mà tôi cố gắng hoàn tất việc học. Cực đến mấy cũng không dám than. Và ngày tôi báo cáo tốt nghiệp, anh là người tham dự, tặng tôi một bó hoa chúc mừng thành quả. Lúc đó thầy Trần Minh Ngọc đã gặp anh và nhắc, nếu không có sự động viên của cậu thì Thanh Hiệp khó mà tốt nghiệp. Tôi còn nhớ mãi câu nói của anh: “Ở đời, nếu thấy mình luôn thiếu một chút thì sẽ cố mà đong cho đầy. Vì thế đừng bao giờ xem mình đã đủ để ngưng việc học”.
Các thầy đã chắp cánh ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã cho tôi vẽ nên bức tranh thành đạt bằng niềm tin mãnh liệt vào những bài học từ cuộc sống. Phải chăng những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người hướng đạo. Ba người thầy cho đến hôm nay vẫn dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt những học trò bước đi tự tin trên con đường đã chọn.
Đạo diễn Thanh Hiệp
Bình luận (0)