Y tế - Văn hóaThư giãn

Ba Sài Gòn – Diễn viên “trẻ mãi không già”

Tạp Chí Giáo Dục

Gọi ông Ba Sài Gòn (Lê Tất Thắng) là diễn viên điện ảnh, ông cười to, gật gù: “Đúng, tôi là diễn viên có tuổi mà chưa… có tên!". Thật vậy, hơn ba năm hành nghề, có mặt trong gần 20 phim, lại thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh truyền hình, ai cũng thấy gương mặt ông quá quen nhưng nói đến tên thì… chẳng ai biết!

Hầu hết những vai ông tham gia là đều quần chúng cao niên với một vài câu thoại ngắn, dễ nhớ dễ thuộc, nhưng lại không đủ dài hơi để có tên trong phần giới thiệu cuối phim. Dù vậy, ông vẫn luôn là gương mặt được nhớ đến đầu tiên của nhiều thư ký, trợ lý đạo diễn, đạo diễn khi nghĩ tới… một bộ râu dài cho bất kỳ phim nào có vai một người già. Có khi là một ông già đạp xe bán bong bóng nhân hậu trong Tóc rối (đạo diễn Nguyễn Minh Chung), có khi là ông lão nông dân Nam bộ chèo đò thoáng qua trong Đất mặn (đạo diễn Tường Phương), khi là một lão quan áo mũ đàng hoàng trong Về đất Thăng Long (đạo diễn Hồ Ngọc Xum và Trần Ngọc Phong).
Người gốc Nam Đàn, Nghệ An, tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao, ông đã làm giáo viên thể dục một thời gian dài tại một trường cao đẳng nghề. Rồi ông cưới vợ, có con, quần quật với những công việc chẳng dính líu gì đến nghệ thuật. Thần thái tinh anh, dáng vóc khỏe khoắn của dân thể thao là cơ duyên đưa ông đến nghề diễn viên khi tuổi đã về già. Trong một lần tập thể dục tại khu phố Phước Bình, Q.9, với ngoại hình ấn tượng của một thầy giáo thể dục về hưu, ông Ba Sài Gòn lọt vào tầm ngắm của trợ lý đạo diễn của Nguyễn Minh Chung, khi anh đang tìm một nhân vật quần chúng cho bộ phim dài hơn 100 tập của mình.

Diễn viên Ba Sài Gòn – Lê Tất Thắng trong một cảnh phim Đường hoang lạc bước
Tất nhiên, ngoại hình chỉ là cảm giác ban đầu. Để cái tên Ba Sài Gòn được nhiều đạo diễn nhớ đến sau Tóc rối (Nguyễn Minh Chung) còn là tinh thần kỷ luật lao động và ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của ông. Chưa bao giờ ông để đoàn phim phải phiền toái vì vai diễn của mình. Chỉ một vai ông lão chèo đò trong Đất mặn, cát-sê ở mức “hoa lá cành” nhưng trước đó ông đã phải bỏ tiền túi ra thuê đò để tập chèo cho thành thục. Khi quay cảnh ông chèo đò bị nhóm bán ma túy xô xuống sông để cướp ghe – phim Đường hoang lạc bước – bối cảnh lại diễn ra trên khúc sông lớn ở khu vực Cầu Xáng (Hóc Môn) đúng vào giờ thủy triều lên cao và chảy xiết, cảnh quay cần một góc máy toàn và một góc máy cận, quay một máy nên diễn viên phải nhảy xuống sông hai lần. Một lần chìm luôn xuống nước, thời gian chìm đủ để chiếc ghe đi qua hết góc máy mới được ngoi lên. Với một ông chèo đò thật ngoài đời thì việc chìm nghỉm trong khoảng thời gian 30 giây có thể là bình thường, nhưng với một diễn viên tay ngang, lại đang tuổi… thất thập, đạo diễn Nhâm Minh Hiền đã không giấu được lo lắng, nhiều lần gợi ý nhờ người thế vai. Thực tế, ông không chỉ té xuống sông hai lần, chìm dư thời gian yêu cầu của đạo điễn mà còn tự mình bơi vào bờ, không cần cứu hộ. Ông nói: “Người đóng phim phải nhập vai nhân vật mới có hồn, khán giả mới không chán vì sự gượng gạo. Tôi không dám té xuống sông, không chìm được như yêu cầu thì nhận vai ấy làm gì cho phiền cả đoàn phim”. Lòng tự trọng của một người già cũng là lý do ông được nhiều đoàn làm phim đặc biệt quan tâm. Nhiều bối cảnh phim ông phải tự mình chạy xe gắn máy năm bảy chục cây số, đi sớm, về tối để quay cho đúng giờ. Có những khi, sáng đi huýt sáo vi vu, tối về tim đập thình thịch vì đoạn đường nên thơ giữa rừng cao su lúc sáng giờ nước đã ngập quá nửa bánh xe, đi tiếp cũng sợ, mà ở lại cũng dở… Không muốn phiền anh em trong đoàn, ông cứ thế cùng "con xe" lội nước…
Hơn ba năm làm diễn viên phụ, với số lượng đầu phim đã tham gia, tính ra năng suất bình quân của ông là năm bộ phim/năm, một con số khiến không ít diễn viên phụ khác ganh tị. Nhìn lại tuổi nghề ít ỏi của mình, ông thẳng thắn đúc kết: “Dù cát-sê ở mức có thể giúp đỡ người khác (trong giới hạn) mà không cần xin… vợ, nhưng tôi thú vị nhất là thấy mình trẻ mãi không già, học được thêm nhiều điều đáng quý khi tiếp xúc với nhiều đạo diễn có nhiều tính cách khác nhau. Mặt khác, tôi còn sống đúng được với tinh thần sống vui, sống khỏe”. Ông hóm hỉnh, trong lần đóng cảnh… sự trỗi dậy của người đàn ông “trâu già gặm cỏ non” trong phim Tình người xứ hoa (đạo diễn Lê Hồng Sơn), ông bị diễn viên trẻ Lê Bê La co giò đạp té xuống giường hai lần mà vẫn không sao, về kể cho vợ nghe… kỹ thuật “tiếp đất”, vợ ông đã không giấu được nụ cười tủm tỉm khi bà kết luận: đó là nhờ quá trình chịu khó rèn luyện sức khỏe để… bảo vệ hạnh phúc gia đình!
theo PNO

 

Bình luận (0)