Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ba thế hệ cùng làm báo

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Tùng Long là một trong những cây bút nổi tiếng của văn học miền Nam trước năm 1975. Ngọn lửa đam mê với nghề báo, nghề văn của bà đã được truyền lại cho người con trai út là nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức (nguyên Thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ). Và ông Nguyễn Đông Thức tiếp tục truyền nghề lại cho con – nhà báo Quỳnh Nguyễn.

Nguồn sáng ấm nồng

Nhắc đến Bà Tùng Long (tên thật là Lê Thị Bạch Vân), người ta nghĩ đến một nhà văn, nhà giáo và một nhà báo, một cây bút lao động miệt mài, hăng say trên mảnh đất văn chương. Bằng chứng là gia tài 60 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn của bà để lại. Tên tuổi của Bà Tùng Long còn được nhiều thế hệ độc giả trước năm 1975 ngưỡng mộ bởi thái độ làm việc nghiêm túc với tư cách là chủ bút Tuần báo Tân thời, phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng trên Nhật báo Sài Gòn mới, phụ trách mục Tâm tình cởi mở trên Nhật báo Tiếng vang, Thư ký tòa soạn Tuần báo Phụ nữ diễn đàn.

Niềm đam mê đọc sách hình thành trong Nguyễn Đông Thức từ rất sớm bởi Bà Tùng Long không dạy ông nhiều, chỉ khuyến khích ông đọc sách, bất cứ sách gì cũng có những điều bổ ích. Ít ai ngờ rằng một cậu bé con đã có thể đọc hết tủ sách vài trăm cuốn của ông ngoại để lại, chủ yếu là truyện Tàu.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức và Bà Tùng Long lúc sinh thời (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà văn Nguyễn Đông Thức vẫn luôn tự nhận rằng con đường mình đến với nghề báo, nghề văn có phần thuận lợi hơn nhiều người bởi ông có hai người thầy luôn tận tụy dìu dắt ông, đó chính là ba và mẹ của mình. “Văn của ba tôi là lối văn cổ, biền ngẫu, nhiều thành ngữ, điển tích. Những ngày Tết, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông lại càng rộn rã hơn khi mọi người quây quần bên nhau, mỗi người con phải chúc Tết bằng một bài thơ. Ai làm thơ hay sẽ được lì xì”, ông vui vẻ kể lại.

Duyên nghiệp

Yêu văn chương nhưng Bà Tùng Long chưa bao giờ muốn các con mình theo đuổi con đường này bởi bà quan niệm “lập thân tối hạ thị văn chương”. Theo học ngành luật nhưng rồi nhà văn Nguyễn Đông Thức lại rẽ sang nghề báo, viết văn như đã có mối duyên nợ từ kiếp nào. Những năm tháng tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong đã giúp ông có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống và càng thôi thúc ông cầm bút. Nhắc lại những năm tháng đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức dường như thấy mình trẻ lại với giấc mơ được tận hiến với nghề. Khi đang ở thanh niên xung phong và được Báo Tuổi trẻ xin về làm phóng viên năm 1977, tôi về nói với mẹ: “Con về làm báo nha mẹ!”. Bà lắc đầu rồi nói: “Chắc là cái số vậy rồi”. Thương con và luôn tôn trọng mọi quyết định của con, bà chỉ dặn dò tôi phải nhớ rằng làm báo là để giúp người chứ không phải hại người”, ông tâm sự.

Tuổi thơ lớn lên bằng tiền nhuận bút của mẹ, đã bao lần thấy mẹ chong đèn làm việc trong đêm khuya nên ông càng thêm trân trọng nghề báo, nghề văn. Những ngày mới bước chân vào con đường mình đã chọn, bao khó khăn chồng chất nhưng ông vẫn giữ niềm lạc quan, tin yêu vào cuộc đời bởi ông hiểu đó là khó khăn chung của bao người. Kỷ niệm về những ngày đạp xe đến tận Củ Chi, Hóc Môn để tác nghiệp càng giúp ông thêm lòng nhiệt huyết với nghề. Tên tuổi của nhà văn Nguyễn Đông Thức càng được nhiều độc giả biết đến khi ông là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Ngọc trong đá, Trăm sông về biển, Vĩnh biệt mùa hè, Như núi như mây (tiểu thuyết), Chuyện tình tự kể, Đời (truyện ngắn)…

Ông luôn nể phục tính cần cù, siêng năng của mẹ. Trong một lần chia sẻ về cuốn Hồi ký Bà Tùng Long, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết: “Mẹ tôi viết hồi ký rải rác trong khoảng mười mấy năm cuối đời, viết tay, nhớ đâu viết đó. Mấy trăm trang A4, tôi biên tập lại, xếp theo chương hồi. Khi làm việc đó, tôi càng nhận ra sự lớn lao của mẹ. Mẹ học giỏi, trí nhớ vào hạng siêu, mẹ tài năng, sống đàng hoàng, ngăn nắp, mẹ yêu chỉ một người, mẹ hết lòng vì chồng con, mẹ làm việc xã hội giỏi nhưng vẫn quán xuyến việc nhà”. Chính phong cách làm báo, viết văn và lối sống của Bà Tùng Long đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhà văn Nguyễn Đông Thức. Thành công nhưng lại rất khiêm tốn, nhà văn Nguyễn Đông Thức không bao giờ muốn chứng tỏ mình là ai. Ở tuổi 64, ông vẫn lặng lẽ viết. Dù đã bị thoái hóa khớp nặng và thay cả hai khớp chân nên chân ông rất yếu nhưng người ta vẫn thường thấy ông cùng bạn bè trong những chuyến đi tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học bởi mong muốn làm được “chút gì đó” để giúp các em.

Con gái của nhà văn Nguyễn Đông Thức cũng đang tiếp nối con đường mà ba và bà nội mình đã chọn với bút danh Quỳnh Nguyễn của Báo Tuổi trẻ. Một gia đình có đến 3 thế hệ cùng làm nghề báo là một điều rất đáng trân trọng và tự hào.

Yên Hà

 

Bình luận (0)