Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bà tiên” của những mảnh đời bất hạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Chăm sóc cho những đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc cho trẻ bệnh tật, tàn tật lại càng khó khăn hơn. Ấy thế mà gần 35 năm qua, “bà tiên” Hồ Thanh Loan (SN 1964, ngụ quận Bình Thạnh) vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc này. Bởi đối với bà, đem lại niềm vui cho trẻ chính là đem lại niềm vui cho mình.

Bà Hồ Thanh Loan vui mừng khi gặp lại đứa cháu mồ côi từng được trung tâm nuôi dưỡng

Đến với công việc từ lòng yêu trẻ

Bà Loan là con trưởng trong một gia đình không mấy khá giả. Vì thế bà sớm phải rời xa mái trường để đi làm phụ cha mẹ lo cho các em. Từng sống cảnh xa nhà, thiếu thốn nhiều thứ nên từ khi còn trẻ bà đã thấu hiểu được những số phận, hoàn cảnh kém may mắn. Để giúp đỡ họ, bà thường xuyên đến các trung tâm trẻ mồ côi, cô nhi viện… làm công tác thiện nguyện như: dạy học, chăm sóc, động viên… “Mình may mắn có cha mẹ, hình hài đầy đủ còn các em thì bị bỏ rơi từ nhiều nơi khác nhau, có em thì bệnh tật, tàn tật… nên thấy thương lắm” – bà Loan chia sẻ.

Từ một công nhân ngành lương thực rồi cán bộ ngành may mặc bà đến với công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em mồ côi tại Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp như một định mệnh. “Vào năm 1984, tôi có người bà con làm việc tại đây nên thường lui tới chơi và giúp đỡ. Tình cờ biết được trung tâm cần người chăm sóc trẻ nên tôi nộp đơn xin việc và được nhận. Lúc đó trung tâm có tên là Nhà nuôi trẻ Mầm non 4 đến tháng 9-1995 mới đổi tên như ngày nay” – bà Loan cho biết.

Thuở mới vào nghề, bà Loan gặp vô vàn khó khăn, vất vả. “Lúc đó tôi mới 21 tuổi, chưa có chồng con, kinh nghiệm. Các em đến từ nhiều nơi khác nhau, có em bệnh tật, có em thì cụt tay, cụt chân… việc chăm sóc, uốn nắn quả là một thách thức lớn đối với cô gái ở độ tuổi đôi mươi. Thêm vào đó nguồn tài chính lại hạn hẹp, đồng lương ít ỏi, thu nhập mỗi tháng chỉ có 350 đồng. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc rời khỏi nơi đây nhưng khi nhìn thấy các em như vậy tôi đành gác lại ý nghĩ” – bà Loan nhớ lại.

Theo thời gian, sự hồn nhiên, niềm khát khao được sống, được trở thành người của các em đã tạo động lực cho bà Loan cố gắng tiếp tục với công việc. Bà đặt mình vào hoàn cảnh các em để cảm nhận được những mong muốn, ước mơ của chúng để đáp ứng. Xem các em như con ruột của mình, xem trung tâm là ngôi nhà thứ hai không thể thiếu.

Theo bà Loan: “Những người bị khuyết tật, bệnh nhân tâm thần, nghiện ma túy… rất dễ nổi cáu vì nghĩ rằng mình bị mọi người xa lánh. Vì vậy chúng ta phải gần gũi, tiếp cận, chia sẻ yêu thương để họ xóa nhòa mặc cảm, biết vươn lên sống tốt hơn”.

Về trung tâm không bao lâu, bà Loan được cử đi du học ở Đức, chuyên ngành chăm lo cho người nghèo, trẻ mồ côi, phụ nữ bị bạo hành, người bệnh tật… thay vì có nhiều cơ hội để làm việc ở nơi khác, môi trường làm việc tốt, thu nhập cao nhưng khi trở về nước, bà Loan vẫn tận tụy gắn bó với trung tâm. “Thời gian tôi ở trung tâm nhiều hơn ở nhà. Bởi tôi biết chỉ có tình thương mới bù đắp lại những nỗi đau, mất mát mà các em đã gánh chịu” – bà Loan quan niệm.

Tâm huyết với nghề

Qua gần 35 năm công tác, bà Loan đã chăm sóc cho ngàn đứa trẻ kém may mắn. Trong số đó có nhiều người đã bước vào đời với một tư thế tự tin, có người đã có chồng, có vợ, có gia đình êm ấm, một số thì được gia đình nhận lại. Số khác được cha mẹ nuôi nước ngoài rước đi và cũng có người lập nên sự nghiệp bằng chính đôi tay của mình… Đối với bà “dù các cháu đã hòa nhập cộng đồng nhưng chúng vẫn mãi là con, là cháu của mình”. Qua nhiều thế hệ, các anh chị đã lớn, rời khỏi trung tâm nhưng bà vẫn thường xuyên theo dõi để biết được cuộc sống họ. Hễ gặp khó khăn gì, những người đó cũng gọi điện hoặc tìm về trung tâm để xin ý kiến mẹ Loan và bà đều giải quyết. Theo chị Mai Thanh Thủy (người từng lớn lên ở trung tâm): “Cô Loan xem chúng tôi như ruột thịt chứ không phân biệt gì cả. Ai gặp vướng mắc bà đều cố gắng giúp đỡ. Vì vậy, mọi người đều gọi bà là mẹ”.

Hằng năm, đến mùng một Tết, Trung tâm Nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em Gò Vấp là nơi để các anh chị tụ họp, quây quần bên nhau như một gia đình để trò chuyện, hỏi han lẫn nhau nhất là thăm những người từng là bà, là mẹ của mình. “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi các em hòa nhập cộng đồng. Trong số đó có rất nhiều em thành đạt bằng chính nghị lực vươn lên của mình. Bây giờ họ đã có gia đình và thường xuyên dẫn vợ, chồng, con về thăm trung tâm. Đầu năm 2019 này tôi sẽ nghỉ hưu theo chính sách nhưng tôi vẫn sẽ mãi là bà nội, bà ngoại và mẹ của hàng ngàn đứa trẻ nơi đây” – bà Loan cho biết.

Không chỉ toàn tâm toàn ý lo cho trung tâm, thỉnh thoảng bà Loan còn đến các nơi bảo trợ xã hội, nhà nuôi dưỡng người già, trẻ mồ côi, trung tâm cai nghiện… để truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc đến các nhân viên ở đó.

Bài, ảnh: Kiều Khánh

 

Bình luận (0)