Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Ba tôi, đã không tham ô như người khác

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày còn bé, tôi chỉ biết thèm thuồng khi nhìn cây kem mát lạnh bốc khói trên tay những đứa bạn đồng trang lứa hay trân mắt ngó cái áo đẹp mà nhỏ em họ mặc và theo đòi ba phải mua cho bằng được. 
Lớn hơn tí, tôi không dám đòi nữa vì biết nhà mình nghèo, ba mẹ không thể mua cho tôi những thứ xa xỉ, nếu vì thương chiều con thì ba mẹ phải rất vất vả. Lớn hơn tí nữa, tôi biết trách ba tại sao không như những người cha khác, biết nhận những cái phong bì hay những thứ giá trị để chúng tôi bớt khổ.
Tôi trách ba không thương con, để con phải “chết thèm” cả một quãng đời thơ ấu của mình. Tôi vẫn nhớ chiếc xe đạp cọc cạch của ba, rồi đến chiếc xe gắn máy cà tàng khi nhà tôi khá hơn… trong khi những người bạn của ba thì đi những chiếc xe gắn máy đắt tiền, thậm chí có người còn sắm xe bốn bánh và ở trong những căn nhà mà người ta gọi là biệt thự.

Ba tôi, đã không tham ô như người khác

Tôi thường cảm thấy mình thiệt thòi và luôn thầm trách ba cho đến khi một người bạn của ba bị bắt giam vì tham ô. Ở cái vị trí mà bác ấy ngồi, việc tham ô hàng chục tỉ đồng không phải là điều khó khăn, vị trí mà ba đã từng từ chối ngồi vào. Nhưng có một điều mà bác ấy không làm được trong khi ba có thể, đó là bảo vệ vợ con mình khỏi những nguy hiểm và gìn giữ bộ mặt để các con được hãnh diện, ngẩng cao đầu mà sống.
Trong giây phút đón nhận cái tin ấy, tôi chợt nhận ra ba, người mà bấy lâu nay tôi cứ tưởng mình đã hiểu nhiều lắm nhưng thật ra sự hiểu biết ấy chỉ là… cái bìa sách mà thôi. Ba đã chấp nhận hình ảnh một ông bố nghèo để gìn giữ cho các con một lý lịch thơm tho, sạch sẽ và một sự nghiệp tốt đẹp còn rất dài ở phía trước.
Giờ đây khi quay nhìn lại, tôi càng thương ba nhiều hơn khi hiểu được những suy nghĩ, trăn trở của ba. Tôi hiểu ba đã phải day dứt thế nào khi từ chối những cơ hội được đề bạt vào vị trí cao, hết lần này đến lần khác. Và, ba chấp nhận công việc chuyên môn thuần túy, là một ông bố nghèo.
Ba không thường mua cho chúng tôi những gói kẹo bánh mà tuổi thơ ai cũng muốn có, nhưng chỉ cần chúng tôi muốn có một cây compa hay một vật dụng, tài liệu học tập nào đó thì luôn nhận được thứ tốt nhất. Tuổi trẻ người ta thường ham chơi hơn ham học, ba là người gieo vào con cái suy nghĩ khoa bảng. Có lẽ nhờ sự truyền đạt ấy mà chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ nghỉ học giữa chừng.
Có lẽ ba là ông bố ít nói nhất thế giới, nhưng ba luôn biết hết mọi chuyện về con cái và có cách điều chỉnh kịp thời. Trong cuộc đời mình, tôi đã có cơ hội đi nhiều, giao tiếp nhiều, đọc nhiều… để biết thế giới rộng lớn này có rất nhiều người tài giỏi, thế nhưng ba vẫn luôn là thần tượng duy nhất trong lòng tôi. Cho đến những ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh và trút hơi thở trong đau đớn vì chứng bệnh ung thư hành hạ, ba tôi vẫn luôn nghĩ cho người khác.
Lẽ thường, một người đang hứng chịu cái đau đớn tột cùng ít khi nghĩ cho người khác. Với họ lúc ấy, cái đau của bản thân là lớn nhất, sự khó chịu mà họ đối mặt là vấn đề nổi cộm nhất… thế mà ba cứ luôn miệng bảo mọi người đi nghỉ ngơi và ăn uống, không cần lo cho ba.
Mồ côi cha ở cái tuổi chẳng còn trẻ nữa, vậy mà vẫn thấy chênh chao một bến bờ, cảm giác bơ vơ như đứa trẻ lạc giữa chợ đông. Lặng người giữa dòng sông rộng, nhìn những nắm tro cốt của ba tôi chìm dần vào dòng nước… thấy cuộc đời thoáng chốc hư không.
Chỉ mong rằng, những ai còn có cha mẹ trên đời, hãy biết nâng niu gìn giữ từng khoảnh khắc mình còn có được hạnh phúc tròn đầy.

Phạm Thư (TNO)

 

Bình luận (0)