Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Bà trạm trưởng” vùng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Trạm y tế xã Tân Lập (Bắc Quang, Hà Giang) nằm vắt ngang ngọn đồi ven con đường độc đạo, heo hút và gập ghềnh dẫn lên huyện vùng cao Hoàng Su Phì bốn mùa mây phủ.

 

Một trong những lần đi bản khám bệnh của “bà trạm trưởng” Nguyễn Thị Mùi – Ảnh: T.PHÚ

Khi chúng tôi đến, rừng núi Hà Giang vừa qua ba ngày mưa dầm dề. Con đường xuyên núi mới mở dẫn vào thôn Nậm Siệu (xã Tân Lập) nhão thành bùn, có chỗ ngập hết một vành xe. Đoạn đường ngót nghét chục kilômet mà cánh đàn ông chúng tôi đi như đánh vật, gần hai giờ mới đến được nóc nhà đầu tiên của thôn. Vậy mà nhiều năm nay những đoạn đường như thế này đã quá bình thường với nữ y sĩ Nguyễn Thị Mùi, trạm trưởng Trạm y tế xã Tân Lập.

Tốt nghiệp trung cấp y năm 1993, nhiều năm làm việc ở Bệnh viện huyện Bắc Quang, rồi phòng y tế huyện, năm 2001 cô y sĩ trẻ lúc ấy tình nguyện về công tác ở xã Tân Lập. Đó là một xã vùng 3, khó khăn nhất của huyện Bắc Quang. “Hai ngày liền ngồi khám bệnh cho bà con ở trạm xá mà không thấy ai đi dép cả, toàn chân đất…”, y sĩ Mùi nhớ lại những ngày đầu gian khó trùng trùng khi về gắn bó với mảnh đất này.

Trong 406 hộ dân của xã chỉ có ba hộ người Kinh, còn lại là các hộ đồng bào Dao, Pà Thẻn, Tày, Mông… sống phân tán trên gần 7.500ha. “Khó khăn đi lại, thiếu thốn vật chất thì có thể dần khắc phục – nữ y sĩ Mùi bảo – nhưng để bà con biết cách chăm sóc sức khỏe mình, tin tưởng vào công tác y tế của trạm là chuyện khó hơn vượt đèo băng núi”.

Muốn vậy “bà trạm trưởng” – như cách gọi của bà con nơi đây, rủ cả trạm đi học tiếng dân tộc. Bà con thấy cán bộ y tế về bản công tác nói được tiếng của mình thì quý lắm. Rồi những ngày tháng “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng địa phương) với đồng bào xã đã để lại cho y sĩ Mùi những ký ức không thể nào quên.

Một lần có ca đẻ khó ở một bản Mông cách trạm khá xa. Trời tối, mưa rét, xe máy không vào được, vậy là “bà trạm trưởng” cùng anh em trong trạm băng đồi vào bản. Gà gáy sáng thì ca đỡ đẻ thành công, mẹ tròn con vuông. Đêm đó cùng đồng nghiệp ngủ lại nhà người phụ nữ vừa sinh nở, y sĩ Mùi không chợp mắt được khi biết cả gia đình chị ấy chỉ có duy nhất một tấm chăn mà vẫn bắt “bà trạm trưởng” phải đắp.

Sau ca đỡ đẻ đó, từ đề xuất của trạm, UBND xã Tân Lập phát động một phong trào quyên góp chăn màn, quần áo ấm cho bà con…

“Theo quyết định, y sĩ Mùi về đây công tác ba năm. Nhưng giờ cô ấy tình nguyện ở lại. Thật sự chúng tôi cũng không muốn cô ấy đi. Ai cũng quý trọng cô ấy” – ông Triệu Vàn Phin, chủ tịch UBND xã Tân Lập, rủ rỉ tâm sự như một mong muốn.

TRỌNG PHÚ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)